Về với sông Thu…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tìm về với sông Thu, một dòng kí ức về đất và người xứ Quảng lại hiện lên. Một tuyến đường xuôi ngược bán buôn nay chỉ còn trong dĩ vãng. Nét hồn hậu, đầy chất thơ ẩn chứa trong dòng Thu Bồn từ xưa đến nay vẫn lắng đọng trong tâm trí bao người.

 
Mây mờ buông xuống trên những dãy núi hai bên bờ Thu Bồn. Ảnh: Cao Hùng
Mây mờ buông xuống trên những dãy núi hai bên bờ Thu Bồn. Ảnh: Cao Hùng



Tầm vóc một dòng sông

Sông Thu Bồn – một chứng tích của sự giao thoa văn hóa Chăm – Việt xưa kia còn lại. Thế nhưng, ít ai có thể hình dung được sự hùng vĩ của nó. Với diện tích lưu vực rộng 10.350 km², được bắt nguồn từ các con suối thuộc đỉnh núi Ngọc Linh (Kon Tum).

Dẫu có khập khiễng như vẫn có thể ví von sông Thu của Quảng Nam tựa như sông Hằng của Ấn Độ. Tất cả cũng xuất phát từ những giá trị ẩn chứa bên trong bao lớp thăng trầm của văn hóa, lịch sử. Sông Thu còn là nguồn cung cấp phù sa màu mỡ cho khu vực hạ lưu.

Quay về với lịch sử, Quảng Nam vốn là vùng đất của người Chăm Pa. Họ đã sinh sống và phát triển ngay hai bên dòng. Cho đến hiện nay, các địa danh như Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), tháp Chiên Đàn (huyện Thăng Bình), tháp Khương Mỹ (huyện Núi Thành)... đã minh chứng những thời kỳ vàng son của người Chiêm Thành.


 

Núi non trùng điệp một màu xanh nơi thượng nguồn sông Thu Bồn, một niềm tự hào của bao thế hệ người dân xứ Quảng. Ảnh: Cao Hùng
Núi non trùng điệp một màu xanh nơi thượng nguồn sông Thu Bồn, một niềm tự hào của bao thế hệ người dân xứ Quảng. Ảnh: Cao Hùng


Dọc sông Thu Bồn, các địa danh đã nằm trong tâm thức và trở thành niềm kiêu hành của đất Quảng. Trên các vách đá sừng sững ở Hòn Kẽm, cho đến nay vẫn còn lưu giữ các dòng chữ cổ được cho là của người Chiêm Thành lưu lại.

Dòng sông Thu với đặc điểm “bên lở bên bồi” của Tý, Sé, Đá Ngang, Dùi Chiêng… Cũng chính cái địa danh Hòn Kẽm Đá Dừng này đã níu chân bao du khách thập phương khi một lần đến nơi đây.

Xuyên suốt những vùng đất mà dòng Thu Bồn chảy qua đều có những cái tên mang bề dày văn hóa. Ở thượng lưu, trung lưu thì có hòn Kẽm đá Dừng, làng cây trái Đại Bình (miệt vườn thu nhỏ của Nam Bộ) thì ở hạ lưu dòng sông, cái tên phố Hội, cửa Đại đã khép lại một “cuộc đời”, một vòng tuần hoàn kín của sông Thu Bồn.

Từ bến Trà Linh xuôi về Cửa Đại, một hình ảnh đã rất quen thuộc với người dân ở cái xứ sở đầy nắng gió này.

Dấn ấn của sông Thu Bồn

Văn hóa của sông Thu cũng đã sinh ra bao giai thoại ly kỳ về con người nơi đây. Tương truyền, bà Thu Bồn là nữ tướng vua Chăm rất xinh đẹp, có mái tóc dài óng mượt.

Khi bị quân vua Lê đánh bại, bà phi ngựa chạy về hướng làng Thu Bồn (nay tại thông Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) thì mái tóc dài vướng vào chân bạch mã, bà tử nạn, xác trôi lập lờ trên dòng sông.

Phát hiện xác bà, dân chúng trong vùng vớt lên khâm liệm bà bằng lá cây và nhập chốn bồng lai vào giờ Ngọ, ngày 12.2.

Năm đó, trời hạn hán, mất mùa, đồng khô, cỏ cháy, dân làng cơ cực, đói khổ, bà linh ứng cho mưa thuận, gió hòa, cây trái tốt tươi, mùa màng trĩu hạt.

Từ đó hằng năm, vào ngày 12.2 âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn nhằm tưởng nhớ công lao của vị nữ tướng này.


 

Cầu treo Quế Lâm (huyện Nông Sơn), một cây cầu độc đáo trong cấu trúc. Đây cũng là nơi được nhiều du khách tìm đến bởi sự lạ mắt của mình nơi trung dòng sông Thu. Ảnh: Cao Hùng
Cầu treo Quế Lâm (huyện Nông Sơn), một cây cầu độc đáo trong cấu trúc. Đây cũng là nơi được nhiều du khách tìm đến bởi sự lạ mắt của mình nơi trung dòng sông Thu. Ảnh: Cao Hùng



Thu Bồn vốn là dòng sông hiền hòa, quanh năm ấm áp, tuy nhiên những con “thịnh nộ của thần sông” cũng không hề đơn giản. Cơn thịnh nộ kéo nước nguồn xuống ầm ào cuốn phăng những gì lũ băng qua, người dân xứ Cà Tang từng chứng kiến bao nhiêu biến cố, trong đó có trận lụt năm Thìn 1964 làm chết và mất tích trên 7.000 người.

Nhà thơ Lưu Trùng Dương – người con của Đất Quảng đã từng có những vần thơ: “Như sóng nước Thu Bồn dạt dào tuôn trào ra cửa Đại/ Anh gặp em sau những ngày giông bão, sau muôn dặm thác gành/ Mà tình yêu vẫn vằng vặc ánh trăng rằm/ Như sông biếc trong xanh sau bao mùa lửa đạn…”.

Thu Bồn xưa và nay vẫn mang trong mình một nét riêng biệt. Dẫu có lúc giận dữ hay hiền hòa, con sông vẫn lưu giữ những hồn cốt của con người đất Quảng giống như tên gọi của nó - Thu Bồn....

 

Trường An (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.