Một vệ tinh của Nhật Bản phát hiện khoảng 10 vật thể khả nghi có thể liên quan đến chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysia trên Ấn Độ Dương.
Chiếc AP-3C Orion của Úc tìm kiếm ở Nam Ấn Độ Dương hôm 27-3. |
Hãng tin Kyodo cho hay những vật thể trên trải dài ở cách Perth 2.500 km về phía Tây Nam, cùng khu vực mà các nước khác phát hiện những mảnh vỡ khả nghi.
Kyodo dẫn các nguồn tin chính phủ Nhật nói hình ảnh vệ tinh được chụp từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều 26-3. Sau khi phân tích, thông tin được nội các Nhật chuyển cho phía Malaysia, trong đó vật thể lớn nhất dài 8 mét và rộng 4 mét.
Trước đó, vệ tinh Thái Lan cũng phát hiện hơn 300 vật thể nghi của MH370, chiếc máy bay mất tích hôm 8-3 khi đang chở tới 239 người. Vệ tinh của Pháp, Úc, Trung Quốc, Malaysia cũng phát hiện vật khả nghi song tới nay chưa thấy mảnh vỡ thực sự nào.
Các máy bay và tàu sẽ nối lại tìm kiếm hôm 28-3 sau khi thời tiết khá hơn. Theo Cơ quan An toàn Hàng hải Úc (AMSA), máy bay của Úc, Trung Quốc, Nhật và Mỹ phải quay lại Perth một ngày trước do bão và gió mạnh càn quét Nam Ấn Độ Dương nhưng 5 tàu vẫn trụ lại.
Trong những ngày tới, Mỹ sẽ gửi thiết bị không người lái dưới biển của hải quân và thiết bị bắt tín hiệu hộp đen công nghệ cao đến Perth để hỗ trợ tìm kiếm.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Abdul Rahim Bakri thừa nhận phát biểu MH370 có thể chuyển hướng theo lệnh trạm kiểm soát không lưu Subang chỉ là phỏng đoán của ông và không chính xác, theo báo Malaysia Insider hôm 27-3.
Ông Abdul Rahim phát biểu như trên trước quốc hội Malaysia một ngày trước đó, tiếp nối những phát ngôn mâu thuẫn của giới chức Malaysia quanh vụ máy bay mất tích.
Tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với MH370 sẽ trở thành vụ điều tra khó khăn nhất lịch sử Malaysia do những rắc rối pháp lý và tình trạng thiếu chứng cứ. Nhiều chuyên gia cho rằng vụ việc có thể kéo dài nhiều năm trời.
Theo nld