Về nơi quán nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cứ mỗi lần trở lại Pleiku tôi thường tìm đến một quán cà phê nào đó. Không cần view đẹp, nhạc hay, chỉ cần thức uống hợp khẩu vị và gợi nhớ. Hoặc cũng có thể được bạn bè đưa tôi đến một cái quán vừa mới khai trương trước khi thể hiện thái độ ngầm bảo rằng: Bạn sẽ thích bởi mọi thứ sẽ không chê vào đâu được!
Quả đúng như lời bạn giới thiệu. Phố núi Pleiku thêm nhiều quán cà phê đẹp và sang trọng so với cách nay tầm mười năm. Tôi bước vào quán, ngồi ở chiếc bàn thấp nơi góc phòng, cạnh cửa sổ có treo mấy giò hoa lá xanh buông thõng. Phòng mới thơm mùi gỗ và nước sơn, tường quét vôi vàng, điểm xuyết bức tranh 3D to rộng. Mọi bài trí đều bắt mắt, chứng tỏ chủ nhân là người đam mê nghệ thuật và gu thẩm mỹ cao. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Các bàn xung quanh đã có khách ngồi, nhiều độ tuổi. Họ đang say sưa với những câu chuyện của mình. Tôi cầm menu và dường như đắm chìm trong những nghĩ suy chợt đến. Thì ra, Pleiku không chỉ là một thành phố cao nguyên nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, nền văn hóa bản địa độc đáo mà còn thu hút du khách bởi những quán cà phê với không gian đẹp. Đến quán, bên cạnh việc được chìm đắm trong không gian ấn tượng, đậm chất Phố núi, thưởng thức những thức uống đậm vị cao nguyên thì chúng còn có thể lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời bởi không gian được decor, nói theo cách của bọn trẻ thì “view xịn xò”.
Tôi cũng tranh thủ chụp vài kiểu ảnh cất vào ngăn kỷ niệm cho mình về chốn yêu thương, nơi đã giữ lại một phần ký ức lung linh của tình cảm bạn bè. Người bạn đi cùng gật gù khi đưa điện thoại lên, bảo chúng ta lại ghi thêm vào trang nhật ký những dòng tươi mới. Tôi mỉm cười xác nhận. Nhạc được mở, giai điệu nhẹ nhàng. Tôi và mọi người trong quán hình như tạm lắng xuống bởi giai điệu bài hát thiết tha, dẫu kỷ niệm, ký ức của một người mà từ lâu thành giai điệu đẹp trong tâm hồn của mọi người: “Xin cảm ơn thành phố có em/xin cảm ơn một mái tóc mềm/mai xa lắc bên đồi biên giới/còn một chút gì để nhớ để quên...”.
Minh họa: T.N
Minh họa: Thủy Ngọc 
Bài hát chợt ngừng nhưng vẫn còn dư vang trong tiềm thức của tôi về một thời sinh viên nơi giảng đường đại học. Bạn bè tôi mỗi khi có dịp gặp nhau thường nhắc về. Mọi chuyện như mới hôm qua, còn nguyên vẹn, góc quán cà phê quen cũ kỹ nép mình bên hông khách sạn ở thành phố biển, chúng tôi từng có nhiều tháng ngày lê la và ký sổ...
Những hoài niệm đã bứng tôi ra khỏi thực tại, góc quán hiện đại ở phố núi này, để trả chúng tôi về ngày xưa. Vẫn không gian chật chội, mấy chậu kiểng èo uột và ánh đèn không đủ sáng, vẫn bài hát trữ tình ủy mị nhưng không lắng tai sẽ chẳng biết mình đang nghe nhạc gì nữa, vẫn chút nắng lênh loang, nóng bức, vẫn cái gió rin rít vị mặn mòi của biển cả. Tôi và người bạn cũng đang tự buông lỏng cảm xúc để chìm đắm vào những điều nhỏ nhặt nhưng kỳ diệu mà quá khứ đã từng đem đến.
Ngồi ở quán quen, chúng tôi vừa nhâm nhi vị nhớ có từ thức uống quen thuộc, vừa hình dung khuôn mặt một thời trai trẻ. Tạm quên đi tuổi tác và cảm xúc có phần rệu rã bởi biến cố cuộc đời nhiều lần từng nếm, chúng tôi lội ngược về cái thời cách nay chừng 30 năm. Trẻ trung và nhiều hoài bão nhưng cũng lắm ưu tư  “…nói với bạn/tiếng chim sáng nay đã tắt/đỉnh dốc sương mù bay/những câu thơ xa mùa giá buốt/một nốt xanh thôi cũng đủ nhắc tên người…”. Lời thơ đã nói hộ lòng mình, cõng ước mơ trên đôi cánh rộng mở đến những chân trời. Nhớ lắm những tháng ngày vừa ra trường, lang thang trên những nẻo đường tìm việc, nhớ những khúc quanh của cuộc đời, nhớ những quãng lặng khiến lòng bật khóc. Để rồi sau tất cả, nụ cười bè bạn lúc chia tay đã thành động lực, vực dậy cho ta thêm sức mạnh bước tiếp: “Nơi đã từng bể dâu/nơi đã từng nước mắt/phải, sớm muộn gì tịnh ngôn hạt nước/cuối khu vườn chỉ còn giọng nói khẳng khiu/và chiếc bóng của mưa/vừa tuột trôi không hề báo trước”.
Rồi có một lần như bao lần khác, bạn bè hẹn nhau về Phố núi để tìm lại những mảnh ký ức đã vời vợi xa. Tại quán cà phê quen thuộc, chúng tôi đã ngồi bên nhau, áp tay vào thành ly để ủ nóng, nhìn ra ngoài phố, liên tục xuýt xoa vì hơi bấc đang tràn về lạnh buốt. Những câu chuyện rời rạc, những hoài niệm vấn vương bị vùi bởi bao lo toan cũng cố kiềm lại. Tôi không thể làm tắt nụ cười của bạn vì một nỗi niềm của bản thân mình được. Cứ thế, ngoài phố nắng hanh và lá vàng rơi, trong quán đìu hiu, trống trải. Lặng im có thể nghe nhịp thở của nhau. Vắng vẻ có thể là cơ hội cho nỗi cô đơn tìm về. Bởi hình như mỗi người đang đuổi theo những nghĩ suy đang trườn về vây lấp. Bạn bảo rằng quán cà phê nơi Phố núi ngày càng nhiều, hiện đại và sang trọng hơn. Đấy là sự đổi thay tất yếu, đáp ứng thị hiếu của con người. Mới đây có một quán cà phê nổi tiếng vừa khai trương trở thành điểm check-in quen thuộc với nhiều tín đồ sống ảo. Đến với quán này, mọi người sẽ bị thu hút bởi thiết kế mang đậm nét Âu châu, hầu hết không gian bên trong đều được decor cực kỳ tinh tế và sang trọng.
Nhưng sao bạn có vẻ ưu tư. Giữa một chiều sương giăng khắp phố. Bạn đưa tôi qua những con đường dốc quanh co uốn lượn. Diện mạo của quán quen đang mất dần mà thay vào đấy là chiếc áo mới, dĩ nhiên thôi, không sao giữ lại được. Không gian tĩnh lặng rất riêng của những quán xưa cũng không còn nữa.
SƠN TRẦN

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.