Về nơi biển lành rùa đẻ…

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tối 1/8, ổ trứng rùa thứ 3 tại bãi biển xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tiếp tục nở thêm 27 rùa con. Như vậy chỉ sau hai đêm, vùng chân sóng này có thêm 65 chú rùa con chào đời, tỷ lệ trứng nở đạt 65%. Nơi đây còn 3 ổ trứng rùa đang được bảo vệ, chờ ấp nở.

Rùa mẹ 4 lần “vượt cạn” đẻ hơn 400 trứng

Trước đó, đêm 21/5, rùa mẹ dài 0,94m, chiều ngang mai 0,86m và nặng hơn 90kg bò lên bãi biển xã Nhơn Hải đẻ trứng. Ba lần tiếp theo trong tháng 6, cá thể rùa này tiếp tục lên bãi để đẻ trứng. Qua kiểm tra của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, rùa mẹ đẻ tổng cộng khoảng 400 trứng, đều được di dời về khu vực khoanh vùng tại bãi biển Mũi Cồn, thôn Hải Đông để bảo vệ, ấp nở.

Những chú rùa con bò ra biển. Ảnh: Trương Định

Những chú rùa con bò ra biển. Ảnh: Trương Định

Theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, thông thường từ tháng 5 đến cuối tháng 9 là thời điểm rùa lên bãi tìm nơi làm ổ đẻ trứng, chủ yếu là loại rùa xanh (còn gọi là vích), ngư dân địa phương gọi là “đú”. Anh Sáng được người dân Nhơn Hải đặt cho cái tên “bà đỡ” rùa biển. Bởi, hễ nhận được tin rùa lên bãi đẻ hay trứng rùa nở anh đều tức tốc có mặt để hỗ trợ, bảo vệ. Dù công việc chẳng lương thưởng, nhưng với tình yêu thiên nhiên và hơn hết là muốn bảo vệ loài động vật quý, anh Sáng bất kể sớm hôm.

Trong năm 2021, tại bãi biển xã Nhơn Hải có 5 lượt rùa biển lên bờ đẻ tổng cộng 476 quả trứng. Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải đã tham gia bảo vệ. Kết quả có 3/5 ổ trứng đã nở thành công với 150 cá thể rùa con về biển an toàn.

Ông Đoàn Văn Bảy (59 tuổi, thôn Hải Đông) chia sẻ, rất vui mừng khi thấy rùa lên bãi biển đẻ trứng. Đây cũng là niềm vui chung của tất cả người dân Nhơn Hải. Theo bà Nguyễn Thị Thanh (79 tuổi, thôn Hải Đông), ngày xưa vùng biển Nhơn Hải còn ít người ở, đêm nào cũng có dấu rùa lên bãi đẻ trứng. Do trước đây chưa có luật để bảo vệ, người dân thường lượm trứng, bắt con non để ăn khiến rùa sợ, từ đó ít thấy rùa lên bãi đẻ trứng nữa. Còn hiện giờ ý thức của người dân trong việc bảo vệ rùa được nâng lên rất cao. Rõ nhất là mấy năm gần đây rùa bắt đầu lên bãi đẻ trứng lại, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Cùng với đó, việc chính quyền địa phương cắm bảng cấm và quy hoạch vùng đẻ cho rùa rất được người dân đồng tình ủng hộ.

Rùa con được hỗ trợ thả và biển. Ảnh: Dũng Nhân

Rùa con được hỗ trợ thả và biển. Ảnh: Dũng Nhân

Tua du lịch xem… rùa đẻ

Đêm 8/7, sau gần 50 ngày, ổ trứng rùa đầu tiên (103 trứng) được ấp tại bãi biển Mũi Cồn, thôn Hải Đông đã nở thành công. Mặc dù trời tối, nhưng có rất đông người dân và du khách đến đây để tận mắt khoảnh khắc các chú rùa con ngoi lên mặt cát bò ra biển.

Ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết, qua thống kê, tỷ lệ trứng nở đạt hơn 60%. Đây là một niềm vui, cũng là kết quả cho nỗ lực bảo tồn rùa biển của người dân, chính quyền và các tổ chức. Hiện đối với 3 ổ trứng còn lại, địa phương đang theo dõi, bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo Chủ tịch xã Nhơn Hải, gần đây, rùa mẹ liên tục lên bãi đẻ trứng, cho thấy một điều là người dân Nhơn Hải sống gần với thiên nhiên, cũng như việc quản lý bảo vệ môi trường biển tại địa phương đang được thực hiện rất tốt.

“Môi trường biển của mình tốt, trong sạch thì rùa biển mới về và lên bãi đẻ như vậy. Vừa rồi, du khách đi du lịch còn bắt gặp cảnh rùa bơi dưới biển rất gần gũi. Thay vì trước đây khi thấy rùa biển về, người dân thả lưới để khai thác khiến rùa sợ, thì hiện nay người dân tạo một môi trường thân thiện nên rùa mới dạn như vậy”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, người dân trước đây cho rằng thấy rùa là một điều gì đó rất xui xẻo, nên khi thấy rùa lên bãi đẻ người dân cũng làm lơ, không quan tâm cho nên các ổ trứng gần sát mép nước thường bị sóng đánh trôi, hư hỏng. Còn bây giờ ý thức người dân được nâng cao, khi phát hiện rùa lên bãi đẻ là báo ngay cho chính quyền xuống bảo vệ. Sự chung tay góp sức của người dân trong việc giữ gìn bảo vệ là hết sức cần thiết.

Xã Nhơn Hải khoanh vùng bãi đẻ cho rùa. Ảnh: Trương Định

Xã Nhơn Hải khoanh vùng bãi đẻ cho rùa. Ảnh: Trương Định

Nhơn Hải là xã bãi ngang nằm trong vùng bán đảo Phương Mai thuộc TP Quy Nhơn (Bình Định), có chiều dài bờ biển 15km. Vùng biển Nhơn Hải mang tính đặc trưng về đa dạng sinh học của hệ sinh thái rạn san hô, với địa hình nhiều đảo nhỏ, các bãi đá ngầm, bãi rạn san hô và thảm thực vật,… là môi trường thuận lợi xuất hiện loài rùa biển quý hiếm đến kiếm ăn, lên bãi đẻ trứng.

Chia sẻ với Tiền Phong, một cán bộ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN cho biết, các loài rùa biển có đặc tính di cư, sống lâu năm, phát triển chậm và đạt đến tuổi trưởng thành muộn. Khi đạt đến độ tuổi sinh sản rùa biển sẽ di cư về khu vực nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng. Khoảng cách từ nơi chúng sinh sống đến các bãi đẻ có thể lên đến hàng nghìn cây số. Tại đây chúng sẽ bò lên bờ, đào tổ và đẻ trứng. Mỗi mùa sinh sản rùa biển thường đẻ từ 3 đến 5 ổ trứng, với số lượng trứng mỗi ổ trung bình khoảng 100 đến 110 quả. Sau mỗi 2 tuần rùa mẹ sẽ lên đẻ một lần và ổ trứng sẽ được ấp trong vòng 8 tuần. Khu vực bãi biển xã Nhơn Hải (bao gồm cả bãi Hải Giang và Hòn Khô) đã được xác định là bãi đẻ của loài rùa xanh từ rất lâu. Tuy số lượng lên bờ đẻ trứng không nhiều nhưng đây là một trong những bãi đẻ nằm tại đất liền hiếm hoi còn sót lại, bên cạnh bãi đẻ tại Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận). Do đó, việc duy trì và bảo vệ bãi đẻ tại khu vực này là rất cần thiết.

Rùa lên bãi biển xã Nhơn Hải đẻ trứng. Ảnh: Trương Định

Rùa lên bãi biển xã Nhơn Hải đẻ trứng. Ảnh: Trương Định

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định) nói, nguyên tắc rùa biển tới mùa sinh sản sẽ vào bờ để đẻ trứng, chính việc bảo vệ tốt, không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền cũng như hướng dẫn người dân bảo vệ khi phát hiện rùa lên bãi đẻ trứng.

Theo đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Nhơn Hải đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt vào tháng 3/2024, tham quan bãi đẻ rùa biển là một trong những loại hình du lịch sinh thái biển được tỉnh quan tâm định hướng phát triển và đã đưa vào nhiệm vụ quy hoạch khu vực bảo tồn bãi đẻ rùa biển gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã.

Theo Trương Định (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Từ vùng đất hoang hoá, kém màu mỡ, vợ chồng cụ bà 73 tuổi đã phủ màu xanh cho đất, và thu tiền tỷ từ việc khai thác tiềm năng loài tre bốn mùa. Diện tích tre bốn mùa của gia đình bà trở thành đặc sản “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Đắk Nông.

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng tôi cũng giống như bao làng khác ở Việt Nam. Ngày xưa, làng có tên Thi Phổ Nhứt, được mệnh danh là 'tiểu Đồng Nai' vì ruộng làng tôi là nhất đẳng điền, lúa cấy xuống vươn lên xanh ngát một màu. Vụ mùa cũng như vụ chiêm, lúa thu hoạch mỗi sào tính bằng nhiều giạ. Không thua gì lúa Đồng Nai.

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Không phải chỉ miền Tây Nam bộ mới là vùng sông nước, Sài Gòn - TP.HCM là thành phố dọc ngang kênh rạch, là nơi từng dày đặc những bến đò. Cùng với sự hình thành và phát triển đô thị, những chuyến đò ngang, đò dọc đã trở thành phần không thể tách rời với tầng lớp thị dân.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Cuối tuần, các em học sinh học nội trú lại trở về thôn Làng Nủ và nỗi nhớ bạn càng thêm quay quắt. Cậu học sinh Ma Trường Quyền vẫn mơ thấy người bạn thân, nhưng khi tỉnh dậy lại buồn vì bạn đã mất rồi.
Tìm lại tên cho đồng đội

Tìm lại tên cho đồng đội

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.