Vẻ lấp lánh của tâm hồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Cách đây hơn hai mươi năm, lũ chúng tôi, những cậu học sinh lớp mười của Trường Chuyên PTTH tỉnh Nghĩa Bình co ro về quê ăn Tết trong cái rét căm căm cuối năm…

Từ ga Quảng Ngãi tù mù tối, chúng tôi Khôi, Việt, Đông, Dũng, Đinh, Huy đi dọc con đường Hùng Vương (hình như thuở ấy còn mang tên Phan Bội Châu thì phải) để xuống đường Quang Trung đón xe về nhà. Trời lạnh. Bụng đói. Túi nhẵn tiền. Chúng tôi vừa đi vừa run lập cập. Một tiếng rao: Ai bánh mì hông? rồi người bán bánh mì với bếp than đỏ rực tiến sát chúng tôi. Nhìn nhau như thử hỏi có đứa nào còn đồng nào không. Cuối cùng thì chúng tôi cũng gom góp được số tiền đủ mua hai ổ bánh mì không nhân. Chia nhau hai ổ bánh mì khiêm tốn mà ấm nóng, chúng tôi đứa nào cũng cảm giác như mình vừa thưởng thức một món sơn hào hải vị nào đó. Bây giờ nhắc lại vẫn còn thòm thèm cái cảm giác ngày ấy. Và hương thơm của ổ bánh mì cũng như tiếng rao đêm đã theo tôi hơn hai mươi năm trời lang bạt tứ phương”...


Xin được trích một đoạn hơi dài từ tạp văn Tiếng rao trong mưa của Lê Minh Khôi để mở đầu cho Lời giới thiệu này.

 

Bìa sách Những sườn núi lấp lánh
Bìa sách Những sườn núi lấp lánh


Hai mươi năm là khoảng thời gian đong đếm khi tác giả ngồi viết Tiếng rao trong mưa. Còn khi tôi ngồi viết những dòng này thì thời gian đã được nối dài thêm một khúc: 5 năm.

Cảm giác của tôi vào lúc này là như vừa nhấc quăng một chiếc mỏ neo để tạm dừng con thuyền thời gian đang lao về phía trước. Khi khép mắt lại, tưởng tượng chiếc neo đang chìm dần vào những tầng nước, cũng là lúc tôi hồi nhớ lại một thời ngây thơ tuổi hoa niên ở Trường Chuyên PTTH Tỉnh Nghĩa Bình.

Cảm ơn Lê Minh Khôi đã nhớ và nhắc lại một kỷ niệm đẹp thời đi học. Mà, không hiểu nguồn cơn của nỗi trớ trêu hay sự trừng phạt nào, hầu hết những kỷ niệm đẹp đều đã bị tẩy xóa trong trí nhớ tôi. Hay những gì đẹp đẽ đã bị một trận cuồng phong nào đó bứng lên rồi quăng tuốt tận nơi nào. Cảm ơn bạn đã kịp lúc phục hồi những ký ức đẹp đẽ, ấm áp thuở hồn nhiên, trong vắt trong veo.

Trong những cái tên mà Lê Minh Khôi vừa nhắc thì Việt-Trần Trung Việt chính là tôi. Một chàng trai người miền Trung nước Việt, như ngụ ý của ba tôi khi đăng ký khai sinh. Về sau này, khi viết báo tôi cũng thường ký bút danh Việt Quê, với ngầm ý là: người nhà quê tên Việt. Vậy mà, chúng tôi đã… thất lạc tên nhau suốt mười mấy năm ròng.

Khi tôi vào Sài Gòn học hành, kiếm sống, viết văn thì ký tên Trần Nhã Thụy. Còn Khôi khi sang Pháp, sang Đức du học thì viết blog ký tên là Mạc Đại. Cứ như thế, chúng tôi thất lạc nhau từ khoảng năm 1989 tới năm 2007 mới kết nối được với nhau. Tưởng chỉ là kết nối nhau trên những hộp thư điện tử. Nào ngờ rồi cho tới năm 2009 Khôi cũng… hành Phương Nam, ngụ cư đất Sài Gòn.

Lê Minh Khôi làm thơ trước khi viết văn. Thuở nội trú trường chuyên Nghĩa Bình, Khôi đã có biệt tài … xuất khẩu thành thơ. Và thơ lúc nào cũng lai láng trước những… mối tình tưởng tượng tuổi học trò. Thời sinh viên ở Đại học Y Huế, Khôi thường có thơ đăng trên tạp chí Áo Trắng. Những vần thơ lãng mạn, tâm tình, chân thật.

Khôi viết tạp văn có lẽ từ thời blog yahoo 360. Những năm tháng dài đằng đẵng xa đất nước, xa quê hương, xa gia đình; khiến suy tư và tâm tình trào lên như những cơn sóng. Có lẽ một năm nội trú tại Pháp cộng ba năm nghiên cứu sinh ở Đức đã biến một Lê Minh Khôi… thơ thẩn thành một Mạc Đại tạp văn chất chứa nhiều tâm trạng và chiều kích của suy tư.

Nhưng con đường đi của Lê Minh Khôi đâu phải để thành một nhà văn mà để làm một bác sĩ tim mạch. Khôi đã dành suốt 13 năm liên tục để học tập và nghiên cứu. Khôi bảo vệ luận án Tiến sĩ y khoa với điểm xuất sắc tại trường Đại học Rostock (Đức). Khôi cũng đã biên dịch và xuất bản vài cuốn sách chuyên ngành tim mạch. Nhưng tôi mừng là giữa bao thứ bủa vây của đời sống cơm áo gạo tiền, và sự thách đố của công danh, quyền lực; Khôi vẫn luôn thao thức, luôn dành thời gian cho những trang viết. Dẫu thời gian đó là ít ỏi, nhưng hy vọng về những điều tử tế thì luôn lớn lao.

 

Tác giả Lê Minh Khôi sinh năm 1973, quê Quảng Ngãi, hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh. Anh hiện là PGS.TS-BS Tim mạch và Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược; giảng viên bộ môn Hồi sức cấp cứu - Chống độc, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Đã biên dịch một số tác phẩm chuyên ngành tim mạch.

Với bút danh Mạc Đại và Lê Minh Khôi, anh từng có thơ, tản văn xuất hiện trên nhiều tờ báo và từng góp mặt trong các tập: Khúc Giêng Hai (thơ), Về thương chim sẻ (tạp bút), Không gian tiệm nước (tạp bút)...

Đọc tạp văn của Lê Minh Khôi, cụ thể là trong tập Những sườn núi lấp lánh này, chúng ta có thể thấy chia làm ba phần. Phần thứ nhất: những hoài niệm kiểu “thương nhớ đồng quê” của một đứa con lưu lạc. Phần thứ hai: những trăn trở phận người được nhìn từ một bác sĩ. Phần thứ ba: sự soi chiếu sau những chuyến đi ra ngoài biên giới của một trí thức. Ấy là tạm chia ra vậy. Còn như tôi thấy ở Lê Minh Khôi dường như có rất ít sự phân vai. Ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Khôi vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm với quê hương, cố xứ.

Hiểu được điều đó, chúng ta sẽ hiểu đâu phải ngẫu nhiên mà Lê Minh Khôi chọn tạp văn Những sườn núi lấp lánh để làm nhan đề cho cuốn sách.

Khởi đi từ giấc mơ để rồi thành nỗi nhớ nhung đến giày vò. Để rồi khi phiêu du đến vùng núi Alpes, hay bay qua rặng Hy Mã Lạp Sơn vời vợi và dải Ural mênh mông thì Lê Minh Khôi lại nhớ về những sườn núi lấp lánh quê nhà. Nhưng bên nỗi nhớ là đau đáu một niềm trăn trở: “Càng yêu những vùng đất mới bao nhiêu, tôi càng chạnh lòng thương nhớ quê nhà bấy nhiêu. Dưới áp lực mưu sinh, những người dân nghèo quê tôi đành đi làm lâm tặc cho dù không phải những lâm tặc bất đắc dĩ này không biết xót xa khi phải ra tay triệt hạ núi rừng vốn đã bao bọc, chở che và nuôi sống họ từ đời này sang đời khác. Trong giấc mơ của mình tôi vẫn thấy một ngày những sườn núi quê tôi không còn trơ trụi, không còn lở lói sau những cơn mưa nữa mà chúng đã lấy lại được vẻ lấp lánh rạng rỡ và có đôi phần cao ngạo, bí ẩn khi xưa. Và hình như tôi còn mơ thấy những khuôn mặt đen nhẻm muội than cũng rạng rỡ vô ưu trong lễ hội dân gian truyền thống như những người nông dân ở vùng Alpes, nơi mà có lẽ họ chưa bao giờ biết đến dù chỉ là cái tên” (Trích Những sườn núi lấp lánh).

Cứ như thế, đọc Những sườn núi lấp lánh chúng ta thấy được sự lấp lánh của cảm xúc cùng sự ấm áp của tình người. Viết về những vẻ lấp lánh cũng là đi tìm cái đẹp bị vùi dập hay khuất lấp giữa đời thường. Như con nhện bé nhỏ chăm chỉ giăng lưới không phải để bẫy bắt những con mồi mà chỉ để giữ lại vẻ lấp lánh của những giọt sương, tia nắng và cả những hư ảo sắc màu.

Ngoài những vẻ lấp lánh thì nói một cách nào đó những trang văn của Lê Minh Khôi như là những đơn thuốc cho những người đang bị kháng thuốc, lờn thuốc.

Xin được cảm ơn bạn Lê Minh Khôi đã bền bỉ, miệt mài cùng những trang viết tưởng chừng như nhỏ bé, để cho tôi và chúng ta thấy được vẻ lấp lánh của tâm hồn con người trong một thế giới tưởng chừng như chỉ có sự “lấp lánh” của kim tiền.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.