Về chùa Tam Chúc: 'Trái tim' của Đại lễ Phật đản Vesak 2019

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rộng tới 5.100 ha, quần thể Tam Chúc là tổng hòa hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính với vẻ hùng vỹ của non nước bao la. Lưng tựa sơn, mặt hướng thủy, quang cảnh chùa Tam Chúc đẹp tựa bức tranh thủy mặc...

 Quần thể chùa Tam Chúc với gần 1.000 ha mặt hồ và 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên. (Ảnh: TTXVN)
Quần thể chùa Tam Chúc với gần 1.000 ha mặt hồ và 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên. (Ảnh: TTXVN)


Đẹp tựa bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét thanh tao, tự nhiên do tạo hóa sắp đặt, khung cảnh Tam Chúc được rừng cây xanh tươi bao bọc và soi mình bên mặt hồ. Giữa bức tranh hữu tình ấy ngôi chùa Tam Chúc hiện lên đầy uy nghi, bề thế.

Có thể nói, quần thể chùa Tam Chúc (rộng khoảng 5.100ha) là tổng hòa hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính với vẻ hùng vỹ của non nước bao la. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến tâm linh mới thu hút hàng triệu du khách và Phật tử bốn phương. Chùa được quy hoạch và xây dựng mới để tương lai trở thành một trong những ngôi chùa có diện tích lớn nhất thế giới.

Đặc biệt, Đại lễ Vesak 2019 sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) từ ngày 12-14/5, thu hút 112 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 570 phái đoàn quốc tế và cá nhân tham dự. Số lượng đại biểu quốc tế là 1.650 người, trong đó có các vị tăng vương, tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái, truyền thống Phật giáo, các giáo sư, tiến sỹ, các nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức học giả Phật giáo.

 

Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của chùa Tam Chúc. (Ảnh: TTXVN)
Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của chùa Tam Chúc. (Ảnh: TTXVN)



Tour miễn phí cho đại biểu quốc tế

Nhằm hỗ trợ Phật tử và du khách thập phương tham dự các hoạt động này, ban tổ chức cho biết trong suốt thời gian diễn ra Đại lễ sẽ có khoảng 40.000 suất cơm hộp và nước uống miễn phí mỗi ngày.

Đặc biệt, ba tour du lịch sẽ được phục vụ miễn phí cho các đại biểu quốc tế về tham dự sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng như tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam, gồm: Tràng An-Bái Đính, Yên Tử, Fansipan-Sapa. Ngoài ra, còn có các tour trả phí theo yêu cầu của đại biểu quốc tế với điểm đến là Hà Nội, Hạ Long…

Cũng nhân dịp này, nhiều công ty du lịch đã khởi động các tour hành hương về Tam Chúc và các tỉnh lân cận cho phật tử và du khách. Trong đó, Vietravel lần thứ 3 (2008-2014-2019) được Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủy thác công tác hậu cần cho sự kiện Đại lễ.

Theo đó, Vietravel sẽ điều hành toàn bộ các hoạt động quảng bá, điều phối xe vận chuyển, lưu trú, dịch vụ vé máy bay… đồng thời tổ chức tour thăm quan bên lề cho Vesak 2019 nhằm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.

 

 Điện Tam Thế. (Ảnh: TTXVN)
Điện Tam Thế. (Ảnh: TTXVN)



“Dự kiến số người đến dự Đại lễ sẽ lên tới 15.000 - 20.000 người. Do đó việc đi theo tour của một đơn vị tổ chức uy tín sẽ giúp du khách, Phật tử hoàn toàn yên tâm về dịch vụ, chương trình trong những ngày cao điểm,” đại diện Vietravel chia sẻ.

Đại diện đơn vị lữ hành này cho hay, hành trình tour văn hóa tâm linh, phục vụ Phật tử, du khách Việt hành hương chiêm bái theo dòng sự kiện đặc biệt tại Đại lễ khởi hành từ cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Du khách Thủ đô có thể linh hoạt lựa chọn tour hành hương chiêm bái linh hoạt 2 hoặc 3 ngày đến Tam Chúc, hay Tam Chúc-Tràng An-Bái Đính từ 1,65 triệu đồng. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình kéo dài 4 hoặc 5 ngày theo đường tour Hà Nội-Tam Chúc-Hà Nam-Ninh Bình-Tràng An-Bái Đính-Hạ Long-Tây Yên Tử-Bắc Giang, giá từ 7,49 triệu đồng.

Ngoài ra, đến thời điểm này, mọi phương án về đảm bảo an ninh an toàn, phân luồng giao thông cho Đại lễ, công tác đảm bảo y tế cho các đại biểu và Phật tử thập phương đã hoàn tất.

 

Tượng Phật bà Quan Âm bằng đồng dát đồng đen tại điện Tam Thế. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Tượng Phật bà Quan Âm bằng đồng dát đồng đen tại điện Tam Thế. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)



Thăm “trái tim” của Vesak 2019

Theo thông tin từ ban tổ chức, Đại lễ Vesak sẽ bao gồm nhiều hoạt động văn hóa tâm linh được tổ chức tại khu vực chùa Tam Chúc (Điện Tam Thế, Điện Thích Ca, Điện Quan Âm, Quảng trường Tam Quan) như: Lễ tắm Phật truyền thống; Đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ ba miền Bắc-Trung-Nam; Đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; Các triển lãm ảnh chùa Di sản thế giới và Việt Nam, Triển lãm cổ vật Phật giáo tại điện Tam Thế và Tòa nhà Hội thảo quốc tế; Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế, Màn pháo hoa Quốc Tế tầm thấp trên Hồ Tam Chúc…

Là một trong các hoạt động văn hóa quốc tế của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại, “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” là nội dung chủ đạo xuyên suốt Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019.

Các phiên thảo luận của Đại lễ sẽ xoay quanh chủ đề: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.


 

Ba pho tượng bằng đồng dát đồng đen, mỗi pho tượng nặng 200 tấn đặt tại trung tâm điện Tam Thế. (Ảnh: TTXVN)
Ba pho tượng bằng đồng dát đồng đen, mỗi pho tượng nặng 200 tấn đặt tại trung tâm điện Tam Thế. (Ảnh: TTXVN)



Không chỉ là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, chuỗi các hoạt động sự kiện sẽ diễn ra còn mang ý nghĩa giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa, truyền thống, lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam với các đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ, phát triển tiềm năng du lịch tâm linh góp phần vào sự phát triển hợp tác toàn diện Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Chùa Tam Chúc, nơi được lựa chọn tổ chức đại lễ chính là “trái tim” của Vesak năm nay và là điểm nhấn chính trong hành trình thăm quan của các đại biểu trong và ngoài nước cùng hàng chục ngàn Phật tử được dự kiến sẽ cùng đổ về đây dịp này.

Trong quần thể Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc-hậu Thất Tinh” là điểm đến rất đáng chú ý của du khách, Phật tử. Truyền thuyết kể rằng, trên đỉnh 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc xưa kia xuất hiện 7 ngôi sao nên được gọi là “Thất Tinh,” phía trước chùa có 6 quả núi giữa lòng hồ tương truyền là 6 quả chuông nhà trời, gọi là “Lục nhạc”...

M.Mai (Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.