Văn hóa "chắp cánh" cho du lịch Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch là dịp hội ngộ của những nghệ nhân giỏi tay nghề toàn tỉnh Gia Lai, đồng thời là hành trình khơi dậy kho tàng văn hóa, kết tinh thành sản phẩm quà tặng mang dấu ấn riêng của vùng đất cao nguyên.  

Cuộc thi do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu hút đông đảo nghệ nhân giỏi tay nghề trong các lĩnh vực dệt, đan lát và chế biến ẩm thực.

Ở nội dung nghề truyền thống, mỗi nghệ nhân mang đến cuộc thi 2 sản phẩm: một hoàn chỉnh để trưng bày và một đang dở dang để trình diễn kỹ thuật thủ công. Sản phẩm được chấm điểm dựa trên tính ứng dụng, truyền thống, thẩm mỹ và sự sáng tạo-những tiêu chí phản ánh khả năng chuyển hóa giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch có thể sử dụng, trưng bày hoặc làm quà tặng.

img-0657.jpg
Cuộc thi tay nghề của các nghệ nhân thu hút học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Hoàng Ngọc

Quà của làng

Phần thi dệt thổ cẩm là một sân khấu thu nhỏ của đời sống Tây Nguyên. Từ chiếc khăn quàng cổ, túi xách đeo vai đến khăn trải bàn, mỗi sản phẩm là một mảnh ghép văn hóa mang dấu ấn cá nhân của nghệ nhân.

Nghệ nhân Rơ Châm En (làng Bàng, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) dành hơn nửa tháng để dệt tác phẩm với nội dung hướng về ngày thống nhất đất nước (30-4). Tấm khăn của bà nổi bật dòng chữ Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4-1975 - 30-4-2025. Cùng với đó là hình ảnh chiến sĩ, người dân lao động hiển hiện trong từng sợi chỉ màu như một khúc tráng ca được dệt bằng niềm tự hào của bà dành cho ngày hòa bình.

dscf4681.jpg
Nghệ nhân Rơ Châm En với tác phẩm dệt bằng niềm tự hào của bà dành cho ngày thống nhất đất nước. Ảnh: Hoàng Ngọc

“Tôi dệt suốt hơn nửa tháng không nghỉ, vì tấm thổ cẩm này mang theo tự hào của một người Tây Nguyên nhân ngày đất nước trọn niềm vui”-bà nói.

Ở một góc khác, nghệ nhân trẻ Luăn (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) chọn cách kể chuyện nhẹ nhàng hơn qua tấm khăn trải bàn mang tên “Ngôi làng Bahnar”. Hình ảnh nhà sàn, người giã gạo, cây nêu cùng những con vật thân thương, gần gũi trong cuộc sống hiện lên giản dị mà sinh động. “Khi trải lên bàn, cả không gian làng hiện ra như một bức tranh”-chị chia sẻ về ý tưởng tác phẩm.

Với chị Luăn, thổ cẩm không chỉ đẹp mà còn phải kể được câu chuyện làng, mang lại trải nghiệm văn hóa sâu sắc cho du khách. “Các nghệ nhân tham gia cuộc thi đều có tay nghề rất giỏi. Nhưng để tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch, cần có ý tưởng thì sản phẩm mới thêm sức hút, có thể ứng dụng được vào nhiều mặt đời sống chứ không dừng lại ở việc may trang phục hay dùng để trang trí”-chị nói. Với ý tưởng này, nữ nghệ nhân trẻ đã xuất sắc giành giải nhất ở phần thi tay nghề dệt.

Ở phần thi đan lát, sự phong phú về kỹ thuật và kiểu dáng phản ánh khả năng sáng tạo không giới hạn của các nghệ nhân. Từ gùi đựng cho đến những vật dụng cải tiến như túi xách, bình hoa… tất cả đều toát lên vẻ đẹp mộc mạc và tính ứng dụng cao.

Nghệ nhân Đinh Văn Ring (huyện Kbang) giành giải nhất với chiếc gùi đan truyền thống, thân gùi tạo hoa văn tỉ mỉ, kỹ thuật đan khép chặt, nan tre chuốt mỏng đều tay-kết tinh của một đời gắn bó với nghề. Nghệ nhân ưu tú Đinh Bi (huyện Kbang) lại sáng tạo ra những bình đựng hoa thanh nhã từ nan tre, vừa lưu giữ hồn cốt nghề cũ, vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ hiện đại.

Một sản phẩm khác gây ấn tượng là chiếc gùi ốp lưng của nghệ nhân Hyoi (huyện Đak Đoa). Ông kể: “Hồi nhỏ cha đã đan cho tôi chiếc gùi ốp lưng để đi chăn bò, bên trong có thể đựng cơm, áo mưa và 1 số vật dụng. Chiếc gùi ôm sát lưng giúp tôi có thể dễ dàng di chuyển theo đàn bò. Đó cũng là vật dụng gắn liền ký ức tuổi thơ.

Theo ông Hyoi, mỗi loại gùi được làm ra đều có mục đích riêng: gùi thưa lấy nước, gùi kín đựng lúa trên rẫy, gùi nhỏ dùng trong lễ hội hay gùi ốp lưng đi rừng… Với kinh nghiệm và kỹ năng đan lát được bồi đắp qua năm tháng, nghệ nhân Hyoi có thể tạo ra nhiều mẫu mã đa dạng phục vụ cuộc sống. “Để tạo ra sản phẩm làm quà tặng cho du lịch từ nghề truyền thống, mình đã tạo thêm hoa văn để sản phẩm vừa sử dụng được mà vừa đẹp mắt”-ông nói.

Từ bếp làng đến bàn tiệc du lịch

Ẩm thực là linh hồn của văn hóa sống, và ở phần thi này, mỗi mâm cơm là một câu chuyện về đời sống, phong tục, thổ nhưỡng và cả lịch sử của một cộng đồng.

dscf4808-2.jpg
Ẩm thực truyền thống của người Bahnar đến từ làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Yêu cầu của phần thi là trình bày một mâm cơm truyền thống gồm các món như cơm lam, gà nướng, cá nướng, thịt nướng, lá mì xào cà đắng, rau xào hoặc luộc, canh, rượu cần và hoa quả địa phương.

Đội xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) giới thiệu món hấp từ nòng nọc bắt trong khe suối, hấp cùng ớt, muối và lá lốt-món ăn dân gian phản ánh sự khéo léo trong tận dụng sản vật thiên nhiên. Họ còn mang đến món măng gói-món ăn làm từ măng, bột gạo, lá é, đậu phộng (hoặc thay thế bằng hạt mắc ca) và cua giã để qua đêm. Đây là món ăn không thể thiếu trong các lễ cúng gia đình hay lễ hội cộng đồng, hội tụ đầy đủ sắc, hương, vị và cả phong tục ẩm thực của đồng bào Jrai phía Tây của tỉnh.

dscf4834-2.jpg
Mâm cơm truyền thống còn là một câu chuyện về đời sống, phong tục của cộng đồng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đội xã Tú An (thị xã An Khê) gây chú ý với món đùng đình và đọt mây xào với chuột núi, hay cá suối đùm trái ba khía nướng. Đội xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) giới thiệu món cà sóc kiến vàng-món vừa lạ, vừa có công dụng giải rượu, cùng món “nhăm dao” gần như thất truyền, được chế biến hoàn toàn từ cây cỏ, không muối, không gia vị công nghiệp. “Tất cả vị ngọt, mặn đều chiết xuất từ thân cây và phải mất hàng tuần lễ cho các khâu chế biến mới ra đúng vị nhăm dao. Vì thế, món ăn này chỉ xuất hiện trong những lễ hội lớn của cộng đồng”- chị Nay H’Loan cho biết.

Trong khi đó, đội xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai) mang đến món canh quả ươi giải nhiệt, còn xã Glar (huyện Đak Đoa) giới thiệu món giò heo nướng giã riềng-và nhiều món giã với các loại lá gia vị rất độc đáo. Các đầu bếp đến từ làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp, hay làng Kgiang (huyện Kbang) tạo ấn tượng với những món ăn truyền thống Bahnar mộc mạc, dân dã nhưng có cách trình bày bắt mắt, tư duy ẩm thực hiện đại, hướng tới phát triển thành sản phẩm phục vụ du lịch.

Huyện Krông Pa góp mặt với 2 đội thi mang phong cách khác nhau nhưng các món ăn đều mang đậm bản sắc của vùng đất nóng với sự hài hòa về gia vị chua, mặn, ngọt, đắng, chát. Đặc biệt là món bò một nắng kết hợp cùng muối kiến vàng đã làm nên thương hiệu cho ẩm thực vùng “chảo lửa”.

Chị Nguyễn Quyền Anh Châu (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đại diện cho đội đạt giải nhất phần thi ẩm thực chia sẻ: “Ẩm thực cũng như cái đẹp-rất khó phân định, tùy khẩu vị và cảm nhận. Nhưng càng tìm hiểu ẩm thực Gia Lai, tôi càng ngạc nhiên vì sự phong phú, độc đáo, có gì đó rất riêng biệt. Qua mỗi cuộc thi, tôi lại học thêm được những món để đưa vào thực đơn nhà hàng và trong bữa ăn của gia đình.

Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, thành viên ban giám khảo đánh giá: “Các món ăn không chỉ hấp dẫn về hương vị mà còn được trình bày đẹp mắt, sáng tạo thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về truyền thống ẩm thực cũng như tay nghề của các đầu bếp của địa phương. Đặc biệt, một số đội còn có phần thuyết trình sinh động về nguồn gốc ý nghĩa văn hóa của món ăn. Cuộc thi còn góp phần tôn vinh, quảng bá văn hóa ẩm thực truyền thống đến cộng đồng và du khách”.

img-1136.jpg
Ông Nguyễn Tấn Thành (giữa)-Chủ tịch Hiệp hội du lịch khuyến khích các đội tham gia thi ẩm thực. Ảnh: Minh Châu

Theo bà Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: Cuộc thi được tổ chức nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là năm thứ hai cuộc thi được tổ chức, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, vừa khuyến khích cộng đồng gìn giữ nghề truyền thống, vừa tạo sinh kế bền vững.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức trao 11 giải chính cho 3 nội dung thi. Nghệ nhân Luăn (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) đạt giải nhất nghề dệt thổ cẩm. Nghệ nhân Đinh Văn Ring (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đạt giải nhất nghề đan lát.

Phần thi ẩm thực: giải nhất thuộc về xã Phú Cần 2 (huyện Krông Pa), giải nhì xã Glar (huyện Đak Đoa), giải ba xã Ia Nhin (huyện Chư Păh). 7 đội còn lại được Hiệp hội Du lịch Gia Lai và quán Nghệ nhân Ksor Hnao khuyến khích mỗi đội 1 triệu đồng.

:

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.

Những nước không nên du lịch hiện nay

Những nước không nên du lịch hiện nay

Canada vừa đưa Peru, Brazil, Mexico và một số nước khác vào nhóm các quốc gia mà người dân cần hết sức thận trọng khi đi du lịch. Nguyên nhân là do tội phạm bạo lực gia tăng, bất ổn chính trị và đe dọa về khủng bố.

Chiêm ngưỡng hàng trăm con cò ốc quý hiếm bay lượn trên cánh đồng ở xã Ia Mrơn

Chiêm ngưỡng hàng trăm con cò ốc quý hiếm bay lượn trên cánh đồng ở xã Ia Mrơn

(GLO)- Những ngày gần đây, hàng trăm con cò ốc đã xuất hiện trên những cánh đồng ở xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai). Người dân ở đây cho biết, cứ đến mùa gặt, hàng trăm con cò ốc lại bay về kiếm ăn, khoảng 10 ngày thì rời đi. Đây là loài động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam.