Văn hóa ẩm thực - Điểm nhấn để tích cực thu hút du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã nhanh nhạy nắm bắt, cho ra mắt các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân, tích cực quảng bá văn hóa, du lịch, thu hút du khách, đặc biệt là du lịch ẩm thực.
 
Bánh đa cua, một món ngon phải thưởng thức khi đến với Hải Phòng. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Bánh đa cua, một món ngon phải thưởng thức khi đến với Hải Phòng. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến đời sống tinh thần của người dân bị ảnh hưởng, thậm chí là “dồn nén” khi mà hầu hết các hoạt động văn hóa, du lịch phải tạm dừng. Khi cuộc sống trở lại bình thường, người dân được dịp “sổ lồng,” nhanh chóng thu xếp đi du lịch, thưởng thức văn hóa nghệ thuật.
Rất đáng mừng là nhiều địa phương, doanh nghiệp đã nhanh nhạy nắm bắt, cho ra mắt các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân, tích cực quảng bá văn hóa, du lịch, thu hút du khách.
Bắt trend “lòng vòng ăn sập Hải Phòng”
Cuối tuần qua, gia đình chị Lê Vũ Thảo Hà (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) đã chọn đến thành phố hoa phượng đỏ du lịch theo lời mời của hàng xóm là đi tour “ăn sập Hải Phòng” theo bản đồ món ngon “Hải Phòng lòng vòng ẩm thực.”
Tuy có xe ôtô riêng nhưng nhà chị cùng hàng xóm lại chọn đi tàu hỏa cho “đúng bài.” Chị Thảo Hà cho biết dù Hà Nội rất gần Hải Phòng những nhiều năm nay gia đình chị không chọn nơi này để du lịch. Nay có dịp trở lại nhưng không phải đi Đồ Sơn hay Cát Bà mà dành gần như cả ngày để thưởng thức ẩm thực, check in một số địa điểm “sống ảo.”
Chị cũng rất ngạc nhiên bởi du khách đến chỉ để thưởng thức ẩm thực, rồi mua đồ ăn mang về như gia đình chị rất đông đúc, trong đó có nhiều bạn trẻ.
Có thể nói là bản đồ món ngon “Hải Phòng lòng vòng ẩm thực” đã tạo ra hiện tượng du lịch đến thành phố “hoa phượng đỏ,” bởi trên bản đồ này, các món ăn "hot nhất" của Hải Phòng như bánh mỳ cay, các món ốc, chè, bánh đa cua...được giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ về địa chỉ, khung giờ để du khách thỏa thích trải nghiệm, thưởng thức. Đáng lưu ý là bản đồ này được thể hiện rất hiện đại, trẻ trung, bắt “đúng trend” giới trẻ!
Thế nên, ngay khi ra mắt, “Hải Phòng lòng vòng ẩm thực” đã nhận được sự ủng hộ tích cực. Một lượng lớn người đã “đổ” về Hải Phòng để thưởng thức ẩm thực theo bản đồ món ngon được công bố. Trên các trang mạng xã hội, hội nhóm, diễn đàn trên mạng đều bàn tán xôn xao và để lại nhiều nhận xét tích cực cho Foodtour ẩm thực Hải Phòng...
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng, bản đồ “Hải Phòng - Lòng vòng ẩm thực” bước đầu đã giới thiệu, chỉ dẫn các điểm đến đã được người dân, du khách ưa thích lựa chọn, đánh giá “ngon-bổ-rẻ-đặc trưng” và khẳng định nhiều năm.
Sở Du lịch sẽ cho ra mắt phiên bản tiếp theo của bản đồ món ngon, mở rộng hơn về quy mô số lượng món, nhưng chắt lọc hơn các địa chỉ để phù hợp với thị hiếu và xu hướng của du khách trong nước, hướng tới phục vụ khách quốc tế.
Sở sẽ sản xuất các clip giới thiệu thực tế trải nghiệm cụ thể, sinh động; hướng dẫn chi tiết hơn các địa điểm lịch sử, đô thị, kiến trúc, cảnh quan… để du khách check-in.
Trưởng ban Thư ký (Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam-TAB) Hoàng Nhân Chính đánh giá Foodtour của Hải Phòng chắc chắn là một cách làm sáng tạo, phù hợp với thị trường và nhu cầu của khách du lịch, góp phần thu hút khách đến địa phương sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ, cách làm của Hải Phòng hay ở chỗ không chỉ có doanh nghiệp tham gia mà Sở Du lịch đã lên kế hoạch cụ thể về sản phẩm Foodtour, tạo thành điểm nhấn chung cho du lịch Hải Phòng. Sản phẩm này có sự sự kết hợp công-tư, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng địa phương với doanh nghiệp. Cách làm phối hợp chung chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt hơn, sự tin tưởng cho du khách…
Theo khảo sát mà Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam đã thực hiện với du khách nội địa thì ẩm thực đứng thứ 3 theo thứ tự ưu tiên, sau nghỉ dưỡng biển và khám phá thiên nhiên. Nhu cầu khám phá ẩm thực của du khách nội địa thậm chí còn cao hơn khám phá văn hóa, vui chơi, giải trí, di sản, lễ hội…
Còn với du khách quốc tế, chiến lược marketing của ngành du lịch có đề xuất 4 dòng sản phẩm trong đó có tìm hiểu văn hóa du lịch. Trong dòng sản phẩm này có rất nhiều khách quốc tế coi ẩm thực là một khám phá về văn hóa của Việt Nam. Chính vì thế khi thực hiện quảng bá, xúc tiến ở các hội chợ du lịch lớn trên thế giới, gian hàng Việt Nam không thể thiếu hình ảnh ẩm thực.
Trong số đó, món phở và nem rán thu hút rất đông du khách quốc tế đến đăng kí thưởng thức. Rất nhiều món ăn của Việt Nam đã được quốc tế tôn vinh. Qua đó có thể thấy, ẩm thực Việt đã chiếm một vị trí quan trọng với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Du lịch ẩm thực là một hướng đi tốt
Ẩm thực là một phần không thể thiếu trong mỗi sản phẩm du lịch và đóng góp tích cực thu hút du khách trong nước, quốc tế. Thực tế cho thấy, ẩm thực Việt luôn chiếm được tình cảm yêu mến của du khách quốc tế. Nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế đều cho rằng, Việt Nam cần chú trọng phát triển du lịch ẩm thực để có thể trở thành “bếp ăn của thế giới” trong tương lai không xa.
 
Bộ quà tặng xinh xắn Sở Du lịch Hải Phòng chuẩn bị để tặng cho du khách. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Bộ quà tặng xinh xắn Sở Du lịch Hải Phòng chuẩn bị để tặng cho du khách. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng đã nhận định du lịch ẩm thực là một trong những lợi thế riêng có của mỗi quốc gia, là yếu tố chiến lược, là động lực quan trọng để phát triển du lịch. Việc kết hợp ẩm thực và du lịch sẽ tạo cơ hội lớn cho việc phát triển và quảng bá du lịch.
Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Đối với du lịch, ẩm thực Việt Nam vừa được sử dụng như một sản phẩm du lịch nhưng cũng được sử dụng như một công cụ để xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã tổ chức, khai thác các tour du lịch ẩm thực (Foodtour) từ việc đi trải nghiệm món ăn đường phố, món ăn dân dã, truyền thống đến trải nghiệm tại lớp dạy nấu ăn hay nhà hàng sang trọng, đẳng cấp.
Hình ảnh những món ăn với nhiều màu sắc được trang trí một cách nghệ thuật luôn đem lại cho du khách những cảm giác và trải nghiệm khó quên, thôi thúc những người chưa từng nếm thử món ăn hoặc chưa từng đến Việt Nam muốn được đến khám phá và nếm thử ngay những món ăn đó. Bên cạnh việc thưởng thức và trải nghiệm vị giác khác lạ của các món ăn, du khách còn được khám phá những nét văn hóa bản địa của con người, cỏ cây và thiên nhiên tại điểm đến, làm phong phú hơn trải nghiệm du lịch của chuyến đi.
Trưởng ban Thư ký (Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam-TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng với du lịch Việt Nam, ẩm thực là một hướng đi tốt bởi ẩm thực của nước ta được các bạn quốc tế đánh giá cao.
Dù ở khu vực châu á có nhiều nền ẩm thực đặc trưng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… nhưng món ăn Việt Nam được đánh giá là phù hợp với việc nâng cao sức khỏe, ít dầu mỡ, chất béo… Đặc điểm này chính là lợi thế thu hút du khách, nhất là sau dịch COVID-19 xu hướng là du khách quan tâm đến chăm sóc sức khỏe.
Tuy vậy, để phát triển du lịch ẩm thực, ông Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh là phải có xây dựng kế hoạch bài bản, trong đó doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý cùng hiểu, cùng làm. Foodtour Hải Phòng là một ví dụ cho thấy hiệu quả rất tốt theo mô hình hợp tác công-tư. Điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ nhu cầu để đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tiếp theo là phải tạo sự độc đáo, riêng biệt.
Ví dụ cũng là với món nem nhưng nhiều tàu du lịch Hạ Long tổ chức cho khách trải nghiệm tự tay cuốn nem rán, nem cuốn, pha nước chấm và thưởng thức sản phẩm do chính mình làm ra.
Còn ở Hội An đã có tour đưa khách đến làng trồng rau Trà Quế, khách tự trải nghiệm chăm sóc rau, giới thiệu các món ăn từ nguyên liệu lấy từ chính vườn rau khách vừa trải nghiệm… Vấn đề quan trọng là không nên dập khuôn cách làm mà phải tìm hiểu nhu cầu, sở thích của khách để có cách làm riêng, tìm ra sản phẩm riêng biệt, độc đáo phù hợp nhu cầu của du khách.
Ông Hoàng Nhân Chính cũng cho rằng, ngành du lịch cần đưa ra video chuyên về ẩm thực để quảng bá, xúc tiến ra nước ngoài; thậm chí cần phải phối hợp với hệ thống nhà hàng Việt ở các nước để đưa ra các chủ đề về ẩm thực Việt Nam…
Cũng có thể tiếp tục mời các đầu bếp nổi tiếng làm Đại sứ Du lịch Việt Nam để giới thiệu ẩm thực nước ta đến bạn bè quốc tế. Khi ẩm thực đã chính thức trở thành một sản phẩm của du lịch Việt Nam thì chắc chắn sẽ góp phần thu hút khách quay trở lại, lưu trú lâu dài hơn, cũng như góp phần giới thiệu jvăn hóa của Việt Nam ra thế giới.
Tiến sỹ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch cho biết cần xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch ẩm thực để quảng bá du lịch ẩm thực và sử dụng hình ảnh ẩm thực để quảng bá chung cho du lịch Việt Nam. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu có thể triển khai thông qua hình ảnh, video clip giới thiệu các món ăn, chương trình trải nghiệm thực tế về ẩm thực trên truyền hình, thông tin, tư liệu, công thức chế biến món ăn, hướng dẫn về trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt Nam...
Trong tương lai, khi điều kiện cho phép, Nhà nước có thể đầu tư xây dựng Bảo tàng ẩm thực Việt Nam, trưng bày lưu giữ các hình ảnh, mô hình các món ăn của 54 dân tộc, tư liệu về công thức chế biến cũng như văn hóa thường thức. Đây cũng sẽ là điểm tham quan thú vị cho khách du lịch, vừa tham quan vừa được trải nghiệm thực tế các món ăn mình ưa thích.
Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.