U70 vẫn khát khao làm du lịch nhà vườn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù đã gần 70 tuổi nhưng lão nông Thái Văn Hiếu (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn quyết tâm xây dựng mô hình du lịch nhà vườn. Mô hình không chỉ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn là nơi trải nghiệm thú vị của du khách. 
Lão nông làm du lịch
Ông Hiếu vốn là một lão nông có tiếng trong vùng. Năm 1972, ông rời quê ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) lên vùng đất Tân Sơn lập nghiệp. Nhận thấy đây là vùng đất màu mỡ, ông Hiếu bắt tay vào trồng hồ tiêu, cà phê và lúa trên diện tích 2 sào. Đầu năm 1980, ông tích góp mua thêm 4 sào đất để trồng cỏ nuôi bò. “Tân Sơn là vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Bởi vậy, tôi đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy mà tôi có thể nuôi 6 người con ăn học, trưởng thành. Khi cuộc sống đã ổn định, tôi vẫn muốn làm điều gì đó mới mẻ hơn cho con cháu trên chính mảnh đất này”-ông Hiếu cho hay.
Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định phát triển loại hình du lịch nhà vườn. Khi đi tham quan một số quán cà phê sân vườn trong thành phố, ông nhận thấy người dân, nhất là lớp trẻ ngày càng có xu hướng trở về với thiên nhiên. Bởi thế, đầu năm 2019, ông Hiếu đã đầu tư xây mô hình du lịch nhà vườn, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp kết hợp với dịch vụ du lịch.
Ông Thái Văn Hiếu cùng cháu ngoại làm du lịch trên chính mảnh đất của gia đình. Ảnh: Trần Dung
Ông Thái Văn Hiếu cùng cháu ngoại làm du lịch trên chính mảnh đất của gia đình. Ảnh: Trần Dung
Trên diện tích 6 ha, ông Hiếu trồng chuối và xây dựng một quán cà phê nhỏ với không gian mở. “Từ nguồn đất đai sẵn có cộng với kinh nghiệm làm nông nghiệp mà bản thân tích lũy được, tôi trồng cây ăn quả kết hợp đón khách du lịch thưởng thức cà phê, cây trái sạch trong vườn và tận hưởng không gian ngoại ô thoáng đãng”-ông Hiếu cho biết.
Ông Ngoại là cái tên thân thuộc, gần gũi mà con cháu đã chọn đặt cho khu du lịch nhà vườn của ông Hiếu. Khi khuôn viên “du lịch nhà vườn” dần định hình, ông quyết định thuyết phục cháu ngoại vừa tốt nghiệp cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP. Hồ Chí Minh về làm cùng mình. “Khi nghe ý tưởng của ông ngoại, tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Ban đầu, ông trồng và chăm sóc vườn cây, tôi tập trung xây dựng quán cà phê nhỏ. Dần dần, hai ông cháu cùng làm những nhà sàn nhỏ, tiểu cảnh với tượng nhà mồ, rượu cần, cối xay... tái hiện một phần không gian văn hóa người Jrai ở vùng đất ngoại ô này để du khách có thể tham quan, tìm hiểu”-anh Thái Quang Từ chia sẻ.  
Nhà vườn độc đáo
Đến nhà vườn Ông Ngoại, du khách đến đây không chỉ được tham quan, check-in mà còn tha hồ hái quả, trải nghiệm trở thành nông dân. Cuối vườn, quán cà phê nhỏ được xây dựng theo hướng mở, hòa mình vào thiên nhiên. Với căn nhà nhỏ xinh cùng không gian ấm áp, bình dị, gần gũi, quán cà phê Ông Ngoại đã khiến du khách cực kỳ ấn tượng, nhiều người ưu ái gọi là “góc nhỏ ôm ấp những dịu dàng của phố núi Pleiku”. Chị Trần Thị Thảo Ngân (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) tâm sự: “Mọi ngõ ngách của quán đều là một màu xanh mơn mởn đầy sức sống. Bước vào không gian quán là cây trái, hoa cỏ ngập tràn tạo cảm giác thư thái, yên bình. Bàn ghế cho đến vật dụng trang trí chủ yếu được làm từ gỗ mộc mạc, tạo cảm giác ấm áp, thân quen. Các con tôi đặc biệt thích thú với khu vườn xinh xắn có những buồng chuối trĩu quả”.
Ông Hiếu gìn giữ những đồ vật bình dị, gần gũi để du khách tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Trần Dung
Ông Hiếu gìn giữ những đồ vật bình dị, gần gũi để du khách tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Trần Dung
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Mô hình làm du lịch của nhà nông đang ngày càng thu hút du khách, tạo điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá Pleiku, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Hầu hết không gian du lịch nhà vườn ở ngoại ô Pleiku có xu hướng khai thác văn hóa, địa hình, khí hậu để tạo nên không gian đặc trưng riêng, có sức hấp dẫn, níu chân du khách.
Theo ông Hiếu, khi làm du lịch, người nông dân phải thay đổi tư duy cũng như học hỏi cách thức phục vụ du khách, từ ứng xử cho tới ý thức tự bảo vệ môi trường trong lành. “Tôi hy vọng bản thân và các con cháu của mình sẽ tiếp tục được duy trì và làm nên thương hiệu du lịch riêng cho vùng đất này”-ông Hiếu chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tuyên-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn-cho biết, khoảng 5 năm gần đây, người dân xã Tân Sơn đã phát triển du lịch khá tốt. Đặc biệt, mô hình du lịch nhà vườn của ông Thái Văn Hiếu đang rất hiệu quả và thu hút ngày càng nhiều du khách tham quan. Lão nông Thái Văn Hiếu đã áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu để đưa vào phát triển du lịch. Chúng tôi luôn song hành và tạo điều kiện để các cá nhân phát triển du lịch bền vững theo hướng xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
TRẦN DUNG

 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.