"Tượng gỗ Tây Nguyên": Lưu giữ vẻ đẹp thẳm sâu, rực rỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 cuốn sách ảnh đã xuất bản “Điêu khắc gỗ dân gian Jrai, Bahnar” (năm 1995) và “Lễ hội Tây Nguyên” (năm 2008), Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong vừa cho ra mắt “đứa con tinh thần” thứ 3, đó là sách ảnh “Tượng gỗ Tây Nguyên” do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành. Cuốn sách dày 256 trang với ý tưởng xuyên suốt, ghi giữ vẻ đẹp thẳm sâu, rực rỡ trong dòng chảy văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên trong nhiều thập kỷ cầm máy của người nghệ sĩ.
Trong tập sách này, ngoài lời giới thiệu của PGS-TS. Ngô Văn Doanh còn có thêm lời giới thiệu viết năm 1993 của cố GS. Nguyễn Từ Chi. Đây đều là những nhà nghiên cứu hàng đầu về văn hóa Tây Nguyên viết lời giới thiệu. Sách trình bày song ngữ Việt-Anh để bạn đọc nước ngoài có thể tìm hiểu thêm giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa ở Trường Sơn Đông. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Trần Phong chia sẻ: “Tập sách là kết quả quá trình sưu tầm lâu dài cách đây hơn 3 thập kỷ nhằm giới thiệu những hình ảnh chân thực về tượng nhà mồ, chủ yếu của 2 dân tộc Jrai, Bahnar của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Phần lớn những bức ảnh trong cuốn sách đã thực hiện từ những năm 1986, 1988 và nhiều năm sau đó. Từ gần 1.000 bức ảnh đã chụp về tượng gỗ, nhà mồ, lễ hội bỏ mả, đời sống sinh hoạt liên quan đến hiện tượng văn hóa này, tôi chỉ chọn lọc trên 300 bức ảnh để xuất bản nhằm lưu giữ và phổ biến giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này”. Cũng cần nói thêm rằng, sau 2 lần triển lãm ảnh cá nhân của NSNA Trần Phong về đề tài “Lễ hội, kiến trúc và điêu khắc dân gian Tây Nguyên” tại TP. Hồ Chí Minh năm 1993 và tại Gia Lai năm 1994, cuốn sách ảnh “Tượng gỗ Tây Nguyên” là “chút gì còn lại” của một NSNA bậc thầy dành tặng cho những người yêu mến, trân trọng vẻ đẹp văn hóa của vùng đất này.
 Bìa tập sách ảnh mới nhất của NSNA Trần Phong.
Bìa tập sách ảnh mới nhất của NSNA Trần Phong.
Tác giả cũng cho biết lý do thôi thúc ông ra mắt tập sách ảnh chính là mong muốn góp phần bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung và của Gia Lai nói riêng. Dưới mỗi hình ảnh, tác giả đều cẩn thận ghi rõ tên làng, xã, năm chụp. Điều này có thể giúp ích cho những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu thêm về văn hóa dân gian. Trong lời nói đầu sách, NSNA Trần Phong viết: “Tượng gỗ Tây Nguyên là những tác phẩm điêu khắc độc đáo có một không hai của đất nước ta. Ngày nay, đi khắp các buôn làng ở Tây Nguyên, chúng ta không còn cơ hội để chiêm ngưỡng những tác phẩm tượng gỗ có giá trị nghệ thuật như nhiều năm trước đây. Bởi nhà mồ, tượng mồ đã được hiện đại hóa bằng xi măng, mái tôn. Lớp nghệ nhân dân gian lớn tuổi đã ra đi. Tượng gỗ dần bị suy thoái theo thời gian và gần như biến mất”.
Chính vì lẽ đó mà lật giở từng trang sách ảnh chính là hành trình chiêm nghiệm lại vẻ đẹp rực rỡ đang lụi tàn. Đó cũng là điều khiến người ta phải tiếc nuối khi cầm trên tay cuốn sách ảnh giàu giá trị tư liệu, nghệ thuật này. Người xem không chỉ ngạc nhiên về thế giới tượng gỗ dân gian vô cùng phong phú, đa dạng trong lễ bỏ mả do các nghệ nhân tạo tác, gửi gắm biết bao tình cảm cho người đã khuất mà còn được hòa mình vào những đám đông trong các lễ bỏ mả, từ các huyện phía Đông như Kông Chro, Kbang đến phía Tây như Chư Pah, hay xuôi về phía Đông Nam với các dân tộc Jrai ở Ayun Pa, Krông Pa… Thêm vào đó, người xem sẽ có những giây phút tĩnh lặng chiêm nghiệm về cái chết và lẽ sống trước hình ảnh những khu tượng mồ hoang vắng.
Dòng chảy văn hóa của 2 dân tộc bản địa lớn nhất Trường Sơn Đông hiện lên sống động trong “lễ hội lớn nhất, vui nhất, mang tính văn hóa nhất và cũng mang tính cộng đồng nhất của Tây Nguyên” (PGS-TS. Ngô Văn Doanh). Đó là quá trình thực hiện những yếu tố từ nhỏ đến lớn, từ làm nhà mồ, đan mái, tạc tượng gỗ, vẽ hoa văn trên vách nhà, mái nóc... đến chuẩn bị lễ hội. Theo PGS-TS. Ngô Văn Doanh: “Có lẽ, ở Tây Nguyên, nhà mồ là dạng kiến trúc duy nhất mang tính tổng hợp của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau: nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật hội họa, nghệ thuật đan lát, nghệ thuật trang trí… Hầu như những yếu tố kiến trúc, từng chi tiết trang trí đều hợp lực lại để tạo cho ngôi nhà mồ một ấn tượng chơi vơi, huyền ảo”. Người xem sẽ có dịp chiêm nghiệm lại điều này qua những hình ảnh chân thực, sống động được ghi lại bởi tay máy bậc thầy, luôn nâng niu và trân trọng cái đẹp. Nhưng, con người ta cũng sẽ nuối tiếc những ngày vui như thế, vẻ đẹp độc đáo và rực rỡ như thế. Bởi những giá trị ấy đã bị cuốn vào vòng xoáy dữ dội giữa những mới-cũ, giữa những gì còn lại và vĩnh viễn mất đi. Để rồi gấp sách lại, chút dư hương khiến người ta không khỏi day dứt.
Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần lời giới thiệu của cố GS. Nguyễn Từ Chi và PGS-TS. Ngô Văn Doanh về tập sách ảnh này, cũng như đã không ít lần xem lại những hình ảnh tư liệu như từng thước phim quay chậm giàu giá trị của NSNA Trần Phong. Từ những đánh giá chân xác, tinh tế dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu đến những hình ảnh giản dị, chân thực mà chạm đến đỉnh cao cái đẹp của nghệ thuật nhiếp ảnh…, tất cả “trợ lực” cho nhau để cuốn sách ảnh đến tay bạn đọc trở thành một món quà ý nghĩa, mở cánh cửa ngược dòng thời gian về với những lễ hội nguyên bản của Tây Nguyên thuở nào.
Nếu “cái chết, như vậy, chỉ là một trong những nhát cắt nhỏ liên tục nối nhau trên dòng sống bất tận…” như cố GS. Nguyễn Từ Chi khái quát về ý nghĩa nhân sinh trong lễ bỏ mả của người bản địa, thì hy vọng văn hóa cũng sẽ vậy. Những gì mất đi, lụi tàn là để cho cái mới tái sinh rực rỡ hơn…
 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Tháng năm nhớ Người

Tháng năm nhớ Người

(GLO)- Bài thơ “Tháng năm nhớ Người” của Lenguyen khắc họa hình ảnh Bác Hồ qua ký ức làng quê, tình mẹ, giọt lệ, hương sen và ánh nắng Nam Đàn,... như lời tri ân sâu lắng dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc suốt đời vì dân, vì nước.

Âm sắc Tây Nguyên trên quê Bác

Âm sắc Tây Nguyên trên quê Bác

(GLO)- Từ ngày 16 đến 20-5, gần 40 ca sĩ, diễn viên, nghệ nhân Gia Lai đã tham gia 2 sự kiện vô cùng ý nghĩa tại tỉnh Nghệ An. Đó là hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát Làng Sen” và triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” năm 2025.

Khai mạc triển lãm ảnh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”

Khai mạc triển lãm ảnh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023); 47 năm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/1978 - 18/5/2025), sáng 12-5, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp Bảo tàng Quang Trung khai mạc triển lãm ảnh chủ đề “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Bình Định - Sắc màu hội tụ”.

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.