Tưng bừng lễ hội tháng ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tây Nguyên đang trong những ngày tháng 3, tháng của “trời trong xanh như suối ngàn/cho em hát múa, cho anh đánh chiêng”. Đây cũng là lúc người Tây Nguyên bước vào mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Tại huyện Chư Păh, nhiều ngôi làng Jrai đã rộn rã trống chiêng trong lễ pơ thi (bỏ mả) từ những ngày đầu mùa con ong đi lấy mật.

Tưng bừng lễ hội

Sau một thời gian chuẩn bị, gia đình ông Rơ Châm Đe (làng Lút, xã Ia Phí) tổ chức bỏ mả cho mẹ ruột và bố vợ cùng lúc. Ông Đe cho biết, mẹ đẻ qua đời đã 16 năm, còn bố vợ mất gần 20 năm. Mất đã lâu như vậy, nhưng đến bây giờ mới làm lễ bỏ mả, sau đó, mọi ràng buộc giữa người sống và người chết xem như chấm dứt.

Để tổ chức lễ bỏ mả, gia đình ông Đe cùng con cháu dòng họ chuẩn bị đủ lễ lạt, vật phẩm. Là chuyện riêng của gia đình ông Đe nhưng người dân làng Lút nghỉ việc 1 ngày để cùng chung vui. Già làng Brang cùng với người làng đều đến góp sức. Người đi hái lá dầu về gói thức ăn, người chặt tre, nứa làm ống cơm, nướng thịt, người đẽo tượng mồ… Trước đêm tiễn đưa, đàn ông trong làng dựng lều dã chiến làm chỗ nghỉ ngơi cho người làng và khách khứa. Đêm đầu tiên lễ hội, ngoài làng Lút, người dân các làng lân cận cũng tham gia. Già làng Brang cho hay: “Làng Lút còn lưu giữ nhiều nghi lễ truyền thống, nhưng pơ thi là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất trong năm. Trước đây, lễ hội kéo dài cả tuần nhưng bây giờ gói gọn lại 2 ngày 1 đêm. Tuy thời gian rút ngắn để phù hợp với lối sống mới nhưng mọi nghi thức vẫn được tổ chức đúng như truyền thống từ xưa đến giờ”.

Dân làng đánh cồng chiêng quanh khu nhà mồ để tiễn người chết về cõi Atâu, chấm dứt mọi ràng buộc với người sống. Ảnh: Hoàng Ngọc

Dân làng đánh cồng chiêng quanh khu nhà mồ để tiễn người chết về cõi Atâu, chấm dứt mọi ràng buộc với người sống. Ảnh: Hoàng Ngọc

Không khí lễ hội trong tháng 3 Tây Nguyên cũng tưng bừng rộn rã ở làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông. Lễ pơ thi ở ngôi làng du lịch này mang những sắc màu văn hóa vô cùng độc đáo. 7 gia đình trong 1 dòng họ cùng tổ chức bỏ mả cho 9 người thân. Nghệ nhân Rơ Châm Mat chia sẻ: Để chuẩn bị lễ bỏ mả, ông cùng những người khéo tay trong làng đã đẽo 22 tượng gỗ đặt quanh nhà mồ. Ngoài những tượng người ôm mặt khóc thể hiện nỗi nhớ thương, bịn rịn của người sống với người chết, còn có tượng người mẹ mang thai, tượng phồn thực nam nữ, tượng chó, tượng khỉ hết sức sống động. “Tạc tượng là sự gửi gắm tình cảm của người sống với người chết, mong các linh hồn về thế giới bên kia vẫn có cuộc sống vui vẻ, đủ đầy, có các con vật thân thuộc đi theo khi lên rẫy, lên nương như lúc còn sống”-nghệ nhân Rơ Châm Mat bày tỏ.

Dưới quần thể những gốc đa cổ thụ của khu nhà mồ làng Kép 1, người dân quây quần bên những hàng rượu ghè, vừa vít cần, vừa trò chuyện. Tiếng người lúc nhỏ lúc to, tiếng chiêng tiếng trống hòa nhịp… tạo nên thanh âm đặc trưng trong lễ hội của người bản địa.

Sắc màu văn hóa dân gian

Nếu có dịp trải nghiệm lễ bỏ mả của người bản địa Trường Sơn-Tây Nguyên sẽ thấy đây đúng là “lễ hội lớn nhất, vui nhất, mang tính văn hóa nhất và cũng mang tính cộng đồng nhất của Tây Nguyên” như nhận xét của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Văn Doanh. Trong lễ pơ thi ở làng Lút, vào ngày cuối cùng của lễ hội, xuất hiện “ma bùn” (bram). Hai người đàn ông hóa trang bôi bùn, đeo mặt nạ làm từ bẹ chuối tươi được thanh niên khua chiêng múa trống rước từ cánh đồng về phía nhà mồ. Thỉnh thoảng từ phía đám rước “ma bùn”, một cục bùn ném về đám đông phía trước. Tôi cùng đồng nghiệp đều trúng bùn khi lăn xả để chụp những hình ảnh thú vị. Ai đó trong đám đông huyên náo hét lên với chúng tôi: Đừng giận “ma bùn”! Theo quan niệm của người Jrai, những “ma bùn” là đại diện cho thế giới bên kia trở về để dẫn dắt những hồn ma trong nhà mồ. Sau khi “ma bùn” đi quanh nhà mồ và trở lại phía cánh đồng sẽ đánh dấu cho sự chấm dứt, đoạn tuyệt giữa người chết với thế giới người sống. Và, ai trúng bùn trong đám rước này sẽ gặp nhiều may mắn. Với ý nghĩa đó, nhiều người rất vui vẻ khi bị bùn ném trúng và phấn khích chạy theo đám rước cho tới khi mất hút về phía con đường dẫn ra cánh đồng.

Dân làng quây quần bên những ghè rượu trong lễ pơ thi. Ảnh: Hoàng Ngọc

Dân làng quây quần bên những ghè rượu trong lễ pơ thi. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trải nghiệm trọn vẹn lễ pơ thi của người dân làng Lút từ đêm đầu tiên đến khi tan hội, anh Pi Phạm-một tay máy chụp ảnh tự do-tâm sự: “Tôi ấn tượng bởi tinh thần cộng đồng của người Jrai, họ rất đoàn kết, hiền hòa, đầy tình người. Một đêm pơ thi đông vui, mấy trăm người ngồi uống rượu quanh nhà mồ nhưng không một ai lớn tiếng. Suốt đêm chỉ có tiếng cồng chiêng, tiếng người rù rì trò chuyện. Tôi được người dân mời rượu trong những ống tre nhỏ, mình không uống họ cũng không ép. Mình chỉ cần nhận ống rượu, cụng với họ xong nhấp môi thể hiện sự tôn trọng. Món ăn rất đặc sắc, ngon ngọt đúng vị tự nhiên. Họ không nêm nhiều gia vị, chỉ muối và ít bột ngọt. Thịt heo, thịt trâu, bò cho vào ống tre, đùm trong các loại lá hoặc xiên để nướng, nhìn thôi đã thấy rất hấp dẫn”.

Điểm nhấn du lịch cộng đồng

Nhiều năm qua, làng Kép 1 là địa chỉ du lịch cộng đồng hấp dẫn của tỉnh nhờ lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Lễ pơ thi được lưu giữ để lại di sản vô giá cho ngành “công nghiệp xanh”. Khu nhà mồ cũng là điểm đến để trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa của nhiều đoàn du khách. Nhiều khách du lịch đến làng đúng dịp diễn ra lễ hội đều bày tỏ sự thích thú trước sắc màu văn hóa của một lễ hội dân gian Tây Nguyên. Anh Nguyễn Thành Nhân-du khách đến từ An Giang-kể: “Được nghe nói nhiều nhưng đây là lần đầu tôi tham dự một lễ hội Tây Nguyên. Lễ pơ thi hội tụ những giá trị văn hóa đặc sắc, từ điêu khắc gỗ dân gian, kiến trúc nhà mồ cho đến sự hào phóng, mến khách của người dân. Khu nhà mồ làng Kép 1 rất đẹp, nếu đến đây không phải mùa lễ hội trong năm cũng có nhiều thứ để trải nghiệm, nhất là cảnh quan thiên nhiên, quần thể cây đa, bồ đề cổ thụ”.

Còn bà Trương Thị Phương Nga-Công ty TNHH Thương mại-du lịch sinh thái Gia Lai (Gia Lai Eco-Tourist Co. Ltd) thì cho biết: “Du khách rất ấn tượng khi được trải nghiệm ẩm thực truyền thống của người Jrai, thử rượu cần, cảm nhận ý nghĩa của lễ pơ thi, nhất là cảnh tượng dắt trâu ra cột ở khu vực nhà mồ. Du khách còn cùng bà con làm những ống cơm lam. Tất cả mang đến cho đoàn những trải nghiệm thật ý nghĩa về văn hóa cộng đồng. Do đó, lễ hội dân gian có sức thu hút khá đặc biệt, kết nối du khách vùng miền. Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng, đậm đà bản sắc văn hóa, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách”.

Một phụ nữ Jrai trong làng mời rượu du khách đến tham gia lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc

Một phụ nữ Jrai trong làng mời rượu du khách đến tham gia lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc

Làng Kép 1 không còn xa lạ với các đoàn du khách trong nước và quốc tế. Theo già làng Rơ Châm Nế, hầu như đoàn khách nào đến làng cũng tham quan khu nhà mồ. Đặc biệt, khách nước ngoài thường ở lại rất lâu để tìm hiểu về kiến trúc nhà mồ, tượng gỗ, những chum, ché mà người sống “chia của” cho người chết. “Làng Kép 1 tổ chức lễ pơ thi hàng năm không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn để phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều năm qua, làng nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, các ngành định hướng, hỗ trợ cho bà con cách làm du lịch, cải thiện cuộc sống. Do vậy mà ý thức gìn giữ văn hóa của bà con được nâng lên”-già Nế cho hay.

Là những vị khách không mời nhưng chúng tôi được tiếp đón rất nồng hậu. Trước khi ra về, một người đàn ông lớn tuổi gói miếng thịt trâu vào 2 chiếc lá dầu chồng lên nhau, cẩn thận buộc sợi lạt “chia phần” cho khách. Chị em phụ nữ trong làng còn cho những ống cơm lam kèm với nụ cười trìu mến. Tình cảm nồng hậu ấy như những cánh hoa pơ lang đỏ thắm núi, tựa lời mời gọi đầy tha thiết về với buôn làng Tây Nguyên mỗi tháng 3 về.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Mô hình “Cà phê cảnh quan” ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.T

“Cà phê cảnh quan”: Đa lợi ích

(GLO)- Cà phê cảnh quan là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp mang lại giá trị cao cho cây cà phê, có thể phát triển du lịch.