Vào dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam, sau đêm giao thừa hoặc những ngày đầu năm mới, khi đi lễ chùa, đi chợ..., nhiều người vẫn có thói quen mua một gói muối nhỏ mang về nhà vừa để dùng, vừa để cầu may mắn.
Theo quan niệm của người xưa, vị mặn của muối tượng sẽ tượng trưng cho sự đậm đà thắm thiết của tình cảm, gắn bó thủy chung của các mối quan hệ, sự hòa thuận trong gia đình, dòng họ.
Hơn hết, với người xưa, muối là một thứ gia vị vô cùng quý giá. Muối từng là một mặt hàng đặc biệt, bị đánh thuế riêng. Trong văn hóa phương Đông, muối nằm trong 7 thứ thiết yếu của cuộc sống: củi, gạo, dầu, tương, muối, giấm, trà.
Cùng với đó, thời xưa hệ thống giao thông kết nối giữa vùng núi, vùng sâu vùng xa còn khó khăn, thì muối là vật phẩm rất quan trọng bởi muối chỉ có ở vùng biển.
Do đó, vào những ngày đầu tiên của năm mới, người ta thường mua muối để tích trữ dùng dần. Việc mua muối đầu năm còn tượng trưng cho sự no đủ, cầu mong về một năm mới làm ăn thuận lợi. Lâu ngày, điều này trở thành một phong tục độc đáo của người Việt Nam.
Tục “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một phong tục lâu đời của người Việt. Ảnh: Minh An |
Cùng với đó, thói quen “cuối năm mua vôi” được người Việt xưa gìn giữ xuất phát từ nhu cầu thực tế mua vôi nhằm quét lại những bức tường nhà đã ẩm mốc, sửa nhà, ăn trầu và dùng để rải 4 góc nhà đuổi tà ma.
Người Việt xưa thường dùng vôi để quét lại tường nhà cho sạch sẽ, đón Tết. Màu trắng của vôi giúp mỗi căn nhà được khoác lên một tấm áo mới, trắng tinh tươm, góp phần cho gia chủ đón một năm mới nhiều niềm vui. Vôi giúp quét đi những điều không tốt đẹp, sửa chữa những sai lầm của năm cũ.
Bên cạnh đó, cũng có một cách giải thích khác cho rằng cuối năm phải mua vôi để tiếp vôi cho “Ông bình vôi”. Bình vôi là một loại gia dụng để đựng vôi trong tục ăn trầu. Bình vôi thường làm bằng gốm, nhưng cũng có thể làm bằng kim loại.
Bình vôi trong xã hội Việt Nam xưa có chức năng như một vị thần cai quản mọi việc thường nhật trong gia đình nên được gọi là “Ông bình vôi” hay “Ông vôi", tương tự như “Ông táo” trong bếp. Vì vậy mà bình vôi được lưu trữ cẩn thận.
Nếu lỡ bị hư hại, sứt mẻ thì cũng không đem vứt đi mà đem treo ở gốc đa hoặc đưa ra nghĩa địa đặt lên mộ tiền nhân. Bởi là vật linh thiêng, nên người Việt xưa rất chú ý đến việc cho “Ông bình vôi” được ăn no đủ.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi kinh tế xã hội ngày càng phát triển, không còn nhiều người, gia đình gìn giữ và biết đến phong tục này.
Nguyễn Hương Giang (27 tuổi, quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Từ nhiều năm nay, mình không còn thấy gia đình mua vôi vào mỗi dịp cuối năm nữa. Bởi thực tế, nhà mình đã được quét sơn nên việc mua vôi về quét vào dịp cuối năm không còn cần thiết.
Trong khi đó, việc mua muối vào mỗi dịp đầu năm cũng không được gia đình mình duy trì thường xuyên nữa. Chỉ thi thoảng gia đình có đi lễ chùa, mẹ hoặc mình thường mua với mong ước đem lại may mắn, chứ cũng không để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày”.
Khi xã hội ngày càng phát triển, phong tục này đang dần mai một. Ảnh: Minh An |
Liên quan đến vấn đề này, TS. Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Văn hóa là sản phẩm của con người, mà con người thì luôn thay đổi, do đó, văn hóa cũng buộc phải biến đổi. Chúng ta không thể nhìn văn hóa như một trật tự khép kín, cố thủ.
Theo thời gian, con người thay đổi thì văn hóa cũng phải vận động. Câu chuyện bảo tồn văn hóa là vấn đề mà tất cả những nước phát triển, đang phát triển đang quan tâm vì lo ngại sự mai một trước toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta phải tìm cái cốt lõi của vấn đề để xem cái gì giữ được, cái gì cần phải giữ chứ không phải tất cả. Cũng như phong tục “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” bắt đầu từ câu chuyện văn hóa làng xã.
Nhưng văn hóa làng xã của Việt Nam hiện tại không còn như xưa. Rõ ràng, bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa thì chúng ta cũng cần có sự chắt lọc loại bỏ, chứ không phải là hoài cổ một cách thái quá”.