Tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh (bìa phải) là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của Câu lạc bộ LPBank Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: V.N |
Sự kiện mà người hâm mộ Phố núi xôn xao trong những ngày qua không phải là chiến thắng quả cảm của LPBank Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trước TP. Hồ Chí Minh mà là sự ra đi của tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh.
Sáng 11-3, mọi đồn đoán đã được làm rõ khi Câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định công bố bản hợp đồng chính thức với cầu thủ người Thái Bình. Tấm hình Tuấn Anh rạng rỡ trong màu áo mới rõ ràng khiến những người yêu mến LPBank HAGL chạnh lòng. Bởi lẽ, cách đó 2 ngày, anh vẫn xuất hiện trên sân Pleiku dù chỉ ngồi trên khán đài.
Tuấn Anh là “ngôi sao cuối cùng” trong thế hệ vàng của HAGL, nay là LPBank HAGL. Bởi những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo HAGL Arsenal JMG đã dần ra đi từ sau mùa giải V.League 2022. Khi đó, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy, Xuân Trường đều chấm dứt hợp đồng với HAGL để tìm bến đỗ mới, song Tuấn Anh lựa chọn ở lại dù có không ít câu lạc bộ mời chào.
Giữa bối cảnh phong độ của LPBank HAGL khá phập phù, Tuấn Anh vẫn quyết định ở lại. Đôi lần, tiền vệ 28 tuổi ngỏ ý muốn gắn bó sự nghiệp với đội bóng Phố núi. Do đó, Tuấn Anh dần trở thành biểu tượng mới ở sân Pleiku với tình yêu và tâm huyết cùng đội bóng-nơi anh ra sân với tư cách của một đội trưởng. Trong những lần tập trung đội tuyển quốc gia vừa qua dưới thời huấn luyện viên Troussier, Tuấn Anh cũng là cầu thủ duy nhất của LPBank HAGL được triệu tập.
Đầu năm 2024, LPBank HAGL công bố đội hình xuất sắc nhất trong lịch sử 23 năm của Câu lạc bộ, trong đó có 3 cái tên thuộc thế hệ vàng của Học viện HAGL Arsenal JMG. Công Phượng và Văn Thanh đã rời đội bóng vào cuối năm 2022, người còn lại chính là Tuấn Anh.
Những người khác trong đội hình cống hiến cho đội bóng ở thời điểm đỉnh cao phong độ rồi rời đi khi đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp có Kiatisak, Tawan Spripan, Sakda, Lee Nguyễn, Evaldo… Còn Công Phượng, Văn Thanh hay Tuấn Anh vẫn đang ở độ tuổi sung mãn.
Tuấn Anh (thứ 2 từ trái qua) đã chính thức rời đội bóng Phố núi. Ảnh: Văn Ngọc. |
Lần giở quá khứ, HAGL từng lập thành tích “vô tiền khoáng hậu” khi vừa lên hạng đã có 2 lần liên tiếp giành chức vô địch quốc gia. Tuy nhiên, thời điểm đó, không ít người chỉ trích cách làm bóng đá từ ngọn của bầu Đức khi dùng tiền mang về hàng loạt ngôi sao Thái Lan cũng như trong nước. Điều này được cho là không thực sự tốt cho nền bóng đá cũng như đội tuyển quốc gia. Đó là một trong những lý do bầu Đức quyết định bỏ hàng chục héc ta cao su để xây dựng Học viện HAGL Arsenal JMG dưới chân núi Hàm Rồng.
Không gì khác là bầu Đức muốn đào tạo ra một thế hệ cầu thủ có thể giúp HAGL làm được điều tương tự như những gì Kiatisak và đồng đội đã làm năm xưa. Chẳng vậy mà, khi Công Phượng, Tuấn Anh mới chỉ 19-20, ông đã sốt sắng đôn toàn bộ lứa cầu thủ này lên chơi ở V.League để thay thế lứa cầu thủ của những Hoàng Thiên, Anh Tuấn, Thái Dương…
Song sau 9 mùa giải đã qua, những gì mà HAGL thu lại chỉ là mùa giải V.League 2021 đang dẫn đầu bảng nhưng bị hủy do Covid-19. Các mùa giải khác, họ là đội bóng tầm trung với không ít lần rơi vào tình trạng báo động cho cuộc chiến trụ hạng. Đến nỗi, tiền vệ Minh Vương than thở một dòng tin mang tính biểu tượng sau này là “dành cả thanh xuân để trụ hạng”.
Bầu Đức thay đổi rất nhiều huấn luyện viên từ nội đến ngoại, song không ai có thể giúp dẫn dắt thế hệ vàng vô địch V.League. Ông cũng cho các cầu thủ của mình như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn ra nước ngoài thi đấu để học hỏi, nâng cao trình độ. Nhưng đó đều là những lần xuất khẩu cầu thủ không thể đánh giá là thành công.
Tuấn Anh rời đội bóng, giấc mơ “xưng bá” ở V.League với những cầu thủ “nhà trồng” có lẽ vẫn chỉ dang dở, nếu không muốn nói là xa vời với đội bóng Phố núi.