Từ những trang ghi chép dông dài…(*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuối năm 2006, về nhận công tác ở Phòng Biên tập Sách Văn nghệ (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân), tôi được Trưởng phòng, Nhà văn Nguyễn Tiến Hải giao cho một số bản thảo để thẩm định, trong đó có một bản thảo gồm nhiều tập, dày đến cả ngàn trang đã được đánh máy trên giấy A4, kèm theo lá thư của tác giả Nguyễn Hoàng Khánh.

 

Đọc thư, tôi được biết, Nguyễn Hoàng Khánh là một cán bộ cách mạng đã từng vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương Bình Định của ông. Là một người chịu khó ghi chép, đến khi tuổi cao, có nhiều thời gian thì ông đã chắp nhặt rồi viết lại thành mấy tập bản thảo, thuê người đánh máy gửi đến Nhà xuất bản Quân đội nhân dân "nhờ các đồng chí nghiên cứu xem những ghi chép dông dài của tôi có thể in thành sách được hay không" (Trong thư ông viết vậy). Cũng một phần vì tên họ của ông giống tôi, hai nữa vì tôi cũng đã có lần vào Bình Định, nơi đơn vị cũ của tôi là Sư đoàn 3 - Sao Vàng đã từng có mười năm (1965 - 1975) sát cánh chiến đấu với quân và dân nơi đây, mà tôi đọc nhanh hết cả mấy tập bản thảo "ghi chép dông dài" ấy. Đọc xong, tôi viết nhận xét rất kỹ và khẳng định sẽ biên tập và xuất bản được để báo cáo Trưởng phòng đưa vào kế hoạch xuất bản tập đầu tiên. Được Trưởng phòng nhất trí, tôi điện thoại liên hệ với tác giả thông báo. Khỏi phải nói ông vui đến mức nào! Trong điện thoại, giọng nói Bình Định nằng nặng khó nghe hòa với niềm xúc động nữa khiến tôi phải chú ý lắm mới nghe được lời của ông. Ông bảo, tuổi cũng đã vào độ "xưa nay hiếm" rồi, sức khỏe cũng không được tốt, gửi bản thảo ra đã lâu mà ngại không dám điện thoại hỏi, nay được biên tập viên quan tâm đọc và đưa vào kế hoạch thì là một sự bất ngờ không thể tưởng tượng nổi, trong mơ cũng không dám nghĩ đến!

Tôi bắt đầu biên tập và thực sự đã gặp khó ngay từ những trang đầu tiên. Nội dung ông viết thì được, chân thực và nhiều chi tiết hay, xúc động, nhưng lời văn thì phải chỉnh sửa lại rất nhiều. Có lúc tôi cũng phát nản, bởi bản thảo chữ nhỏ, lề hẹp, lại in trên cả hai mặt giấy, nên biên tập chi chít, rất khó xem. Nhưng cứ mỗi lúc nghĩ đến giọng nói reo vui của ông, rồi lại nghĩ đến cái lần vào Bình Định, đi đến đâu gặp cán bộ, nhân dân cũng say sưa kể về thời đánh giặc, về bộ đội Sư đoàn tôi gắn bó máu thịt với nhân dân, bao người đã ngã xuống, máu nhuộm đỏ vùng đất đau thương mà anh dũng này, tôi lại tự nhủ, công sức của mình quá nhỏ bé so với những chiến công, sự hy sinh vô cùng cao đẹp đó, vậy nên phải quyết tâm để tác phẩm được ra đời... Tập này tác giả đã tái hiện "bức tranh" vùng An Lão (huyện miền núi phía tây của Bình Định), rồi rộng ra cả địa bàn tỉnh Bình Định (nơi các nhân vật chuyển vùng hoạt động trong từng giai đoạn) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất, do việc khủng bố trắng của địch đã đành, nhưng cái chính là cơ sở cách mạng còn mỏng yếu, đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng theo cách mạng còn "như lá mùa thu". Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là Khanh và Chánh, hai cán bộ cách mạng còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết. Tôi phần nào phỏng đoán được nhân vật Khanh chính là từ nguyên mẫu của tác giả, nhân vật Chánh thì sau này tác giả có viết thư cho tôi nói rằng đây là từ nguyên mẫu Thái Thị Chanh, nữ chiến sĩ binh vận xuất sắc miền Trung Trung Bộ. Nguyễn Hoàng Khánh lần đầu viết văn, mà lại là dưới dạng tiểu thuyết, âu cũng là một điều phi thường rồi, nhưng sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc lại chính là từ cái giọng kể thô mộc, đặc sệt chất quê Bình Định đó. Có lúc, chuyện được kể từ "tôi", nhưng có lúc lại là từ lăng kính khác. Cái khó cho biên tập là làm sao giúp tác giả nhất quán được cách thể hiện. Cái "tôi" bắt đầu ở đâu và dứt mạch ở đâu. Nhưng điều đó cũng không quan trọng khi câu chuyện có những tình tiết bất ngờ và gây xúc động người đọc chính là ở những sự đấu tranh giằng co trong nội tâm nhân vật với thực tế cuộc sống, chiến đấu trong cam go, thử thách. Và cũng như rất nhiều tiểu thuyết khác, trong tiểu thuyết của Nguyễn Hoàng Khánh có những câu chuyện tình vừa lãng mạn, vừa bi thương. Nổi bật nhất và xuyên suốt tác phẩm là mối tình đầy chất thơ và cũng đầy bi thương ngang trái của Khanh và Chánh. Nguyễn Hoàng Khánh không khéo léo miêu tả và cũng không cố ý đẩy cao cái chi tiết yêu đương để "câu khách", nhưng vẫn cứ khiến bạn đọc tò mò không biết mối tình ấy sẽ đi đến đâu, bởi có lúc với họ "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", nhưng có lúc lại như đã đổ vỡ, bế tắc... Tôi không tham kể lại nhiều về nội dung cuốn sách, chỉ phác ra vài điều như vậy để mở lòng với bạn đọc.

Và khi đã nộp duyệt bản thảo, tôi lại điện thoại với ông về cái tên tập đầu của tác phẩm, nếu để "Sông An Lão hai mùa mưa nắng" thì hiền quá, mà trong đó tái hiện bao sự gian khổ, hy sinh một mất một còn giữa lực lượng vũ trang, cán bộ cách mạng và nhân dân ta với kẻ thù, nên chăng phải là "Sông An Lão một thời bão lửa"? Ông hoan nghênh ngay ý tưởng này. Và tôi cũng đề nghị không ghi là tập 1, bởi biết đâu có gì trục trặc (do tôi hoặc một biên tập viên khác không kiên trì chẳng hạn!) thì có thể sẽ chỉ dừng lại ở tập này thôi. Ông cũng lại nhất trí. Ông còn dặn thêm rằng, biên tập cứ toàn quyền xử lý giúp. Tôi cũng cố gắng sửa chữa những từ cần sửa, còn thì vẫn phải giữ cho được cái "hồn cốt" của tác giả. Từ bản thảo, bản bông, rồi bản can... hình hài một cuốn sách đã ngày một rõ ràng, và tôi không ngần ngại khi điền hai chữ "Tiểu thuyết" vào bên dưới cái tên sách.

Cầm trên tay cuốn sách "Sông An Lão một thời bão lửa" lúc mới được in xong, dù là người biên tập nó mà tôi cũng không khỏi vui mừng như vừa trải qua một cuộc chạy việt dã! Tôi lại điện cho ông báo tin, lại giọng nói khó nghe òa lên niềm vui, niềm xúc động đến nghẹn lòng. Năm chục cuốn sách tôi đặt mua giúp bằng số tiền nhuận bút của ông "khẩn cấp" gửi vào, mong ông nhanh chóng được thấy "đứa con tinh thần" của mình, bởi tôi biết, sức nặng của nó phải đổi bằng bao mồ hôi, xương máu, nước mắt! (Vậy nhưng không may dạo đó bão lớn ở miền Trung, giao thông bị hư hại nặng, thế là phải mất quãng thời gian hơn một tháng sau mới đến được tay tác giả!).

Vậy là đã bốn năm kể từ cuốn đầu "Sông An Lão một thời bão lửa" (2007) ra đời, tôi và ông đã song hành để cho ra các cuốn tiếp theo: "Hoài Ân trong cơn gió lốc" (2010), "Mầm xanh trong lửa đỏ" (2011); và cuốn "Nợ tình hay nợ dòng sông" (2013) mà các bạn đang cầm trên tay, khép lại trọn bộ tiểu thuyết này. Có lẽ duyên nợ giữa tôi và ông không vì thế mà khép lại, bởi tôi biết, dù tuổi đã cao, sức đã yếu (trong thời gian cho ra đời bộ tiểu thuyết này, ông lại chịu nỗi đau khi mất người vợ yêu quý), nhưng có thể ông sẽ viết tiếp bởi như ông từng tâm sự: "Tôi không biết mình đã phải nhỏ bao nước mắt khi viết về miền quê thân yêu của tôi trong cuộc chiến tranh khốc liệt đã qua mấy chục năm rồi... Tôi muốn tặng cho vong linh đồng chí Thái Thị Chanh - nữ chiến sĩ Binh vận xuất sắc miền Trung Trung Bộ; Ngô Thị Phụ - một nữ liệt sĩ kiên cường dũng cảm; tặng cho bao đồng chí, đồng bào đã chiến đấu, hy sinh để làm nên cơn lốc cách mạng năm nào...". Cũng xin mượn mấy lời đó để khép lại vài lời giới thiệu cho bộ tiểu thuyết này của ông...

Nguyễn Hoàng Sáu

(*) Đọc bộ tiểu thuyết của Nguyễn Hoàng Khánh gồm 4 tập: “Sông An Lão một thời bão lửa”, “Hoài Ân trong cơn gió lốc”, “Mầm xanh trong lửa đỏ” và “Nợ tình hay nợ dòng sông”, Nxb. Quân đội nhân dân, các năm 2009, 2010, 2011 và 2013.

Có thể bạn quan tâm

"Núi trên đất bằng"

"Núi trên đất bằng"

(GLO)- Tiến sĩ Hà Thanh Vân đã nhận xét Tiểu thuyết "Núi trên đất bằng" của Võ Đình Duy là một tác phẩm văn chương đầu tay ra mắt năm 2025, đánh dấu bước chuyển đầy bất ngờ từ một kiến trúc sư trẻ sống ở Gia Lai sang hành trình kiến tạo thế giới văn chương.

NHÀ THƠ ĐÀO AN DUYÊN: Thiết tha giữ lại những xanh tươi cuộc đời

Nhà thơ Đào An Duyên: Thiết tha giữ lại những xanh tươi cuộc đời

(GLO)- Với nhà thơ Đào An Duyên, đọc và viết chính là hành trình nuôi chữ. Trong hành trình ấy, chị chọn một lối đi riêng, chắt chiu xúc cảm, gửi tiếng lòng vào từng con chữ với niềm mong giữ lại những xanh tươi cuộc đời, từ đó góp thêm một giọng thơ giàu hương sắc cho văn chương Gia Lai.

BẢO TỒN CÁC KỊCH BẢN TIÊU BIỂU CỦA HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH: Nên tìm hướng đi mới, phù hợp thực tế

Bảo tồn các kịch bản tiêu biểu của hát bội Bình Định: Nên tìm hướng đi mới, phù hợp thực tế

(GLO)- Hát bội Bình Định là một di sản văn hóa đặc sắc với nhiều vở tuồng kinh điển như: Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Ngũ hổ Bình Tây, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (còn có tên khác là Chém cáo, Cổ miếu vãn ca) của Nguyễn Diêu, Trầm hương các, Diễn võ đình và Cổ thành… của Đào Tấn.

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

(GLO)- Nếu như Tây Bắc có “tứ đại danh đèo”: Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ thì vùng duyên hải miền Trung lên đại ngàn Tây Nguyên cũng có “ngũ danh đèo”: An Khê, Phượng Hoàng, Khánh Lê, Ngoạn Mục, Violak.

default

Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. 
Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2025), sáng 29.6, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025: Góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo

Triển khai trong thời gian chưa tròn 1 năm, Cuộc thi thơ, truyện ngắn tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 - 2025 đã thu hút nhiều người yêu văn chương trong và ngoài tỉnh tham gia. Tác phẩm được gửi về không chỉ thể hiện sự đầu tư công phu về nội dung và hình thức, mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh vùng đất Bình Ðịnh giàu bản sắc văn hóa, chiều sâu lịch sử.
Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

null