Trở thành nữ 'tỷ phú' 9X nhờ khởi nghiệp với hoa hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bỏ qua nhiều cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường để theo đuổi đam mê trồng hoa, giờ đây cô gái 9X Phạm Thiên Trang đã trở thành “cô chủ nhỏ” của vườn hồng Vietgarden rộng hơn 2 héc ta giữa Hà Nội, nghiên cứu ra nhiều sản phẩm sinh học với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng.
 Phạm Thiên Trang trong vườn hồng đẹp như mơ của mình.
Phạm Thiên Trang trong vườn hồng đẹp như mơ của mình.
Từ đam mê hoa hồng...
Chúng tôi hẹn gặp Phạm Thiên Trang (sinh năm 1991) vào một buổi chiều cuối tuần, trong khu vườn hồng đẹp như thiên đường, rộng hơn 2 héc ta tại Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội). “Bà chủ” 9X của khu vườn nhanh nhẹn, hoạt bát vừa tất bật với tiếp khách, bàn giao các đơn hàng, vừa chăm sóc con nhỏ.
Yêu từng gốc hoa và luôn trăn trở, nỗ lực từng ngày đã giúp cô gái trẻ hái “trái ngọt” từ niềm đam mê tưởng chừng như phi thực tế.
Năm 2014, sau tốt nghiệp loại giỏi Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Phạm Thiên Trang đã dám “trái lệnh” bố mẹ, bỏ qua nhiều cơ hội việc làm tốt chỉ để theo đuổi ước mơ trồng hoa, cây cảnh. Cô sinh viện quê Hải Dương chấp nhận bắt đầu không có sự trợ giúp từ ai, với số vốn ít ỏi tích cóp được từ những năm sinh viên tập tành kinh doanh mở trung tâm dạy tiếng Anh và bán hoa qua Facebook.  Thiên Trang mạnh dạn thuê đất mở vườn trồng hoa tại bãi đất ngay cạnh khu vực trường bắn Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội).
Trong vòng 1 năm đầu, cô gái trẻ phải bắt tay vào trồng những dòng hoa phổ thông có giá rẻ dễ trồng như dạ yến thảo, ngọc thảo…, vừa làm vừa tìm hiểu về các kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa. Với suy nghĩ phải tìm được hướng đi riêng cho mình, Phạm Thiên Trang mạnh dạn nghĩ đến kinh doanh các giống hoa hồng cổ, dù ở thời điểm đó dòng hoa này còn ít người chơi nên khó có thể học hỏi kinh nghiệm. Và cô bắt đầu lặn lội đi đến những nơi có các giống hồng cổ đẹp như: Sapa, Hải Phòng, Đà Lạt… để tìm giống và đưa vào trồng thử. Nghe thì đơn giản nhưng đó là cả một quá trình dài cô phải từng bước một, vừa làm vừa mày mò tự rút kinh nghiệm cho mình qua những lần thành công và cả thất bại.
 Vườn hồng hơn 2 héc ta giữa lòng Hà Nội.
Vườn hồng hơn 2 héc ta giữa lòng Hà Nội.
Phạm Thiên Trang kể: “Khi bắt đầu đưa các giống hoa hồng cổ về trồng thử, tôi mới thấy không đơn giản chút nào và cũng đã từng phải trả giá rất nhiều. Mình là người đi đầu nên rất dễ đi sai và phải chịu chấp nhận những rủi ro đó. Tuy hồng cổ là loại cây có khả năng thích nghi tốt nhưng vì “lạ đất” nên trồng như thế nào để ra hoa, hoa có chất lượng tốt mới là khó. Tôi cứ vừa trồng vừa nghiên cứu tài liệu về kỹ thuật trồng, khí hậu, thổ nhưỡng… và có kinh nghiệm dần. Khách hàng của tôi cũng ngày càng đông hơn vì sự hấp dẫn của một kiểu chơi hoa mới, lại dễ dàng mua bán qua mạng”.
Nhưng khó khăn thực sự bắt đầu với cô gái trẻ khi bước sang mở rộng trồng hoa hồng ngoại. Sau khi đã có chút kinh nghiệm, Trang nghiên cứu cách đưa các giống hồng cổ từ các nước về trồng. Bắt đầu từ việc liên hệ với các shop nước ngoài để mua được giống hoa đã khó, khi trồng thực tế còn gian nan hơn nhiều.
“Dù đã chuẩn bị tinh thần vì sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng nhưng thời gian đầu tôi cũng phải chịu thiệt hại nhiều vì kết quả có khi không được như mong muốn. Ví dụ có loại được quảng cáo là nhiều hoa, có loại quảng cáo bông to, mùi thơm nhưng khi trồng thì hoa rất ít, chất lượng không đẹp, thậm chí cây chết nhiều. Có đợt tôi nhập tới 40- 50 cây hồng Nhật Juliet về chỉ sống được khoảng 10 cây nhưng cây không ra hoa, nhiều cây đành để chơi chứ không thể bán, việc nhập về test thử cũng gặp nhiều thất bại khiến đôi lúc tôi rất nản”, cô chia sẻ.
Khó khăn liên tiếp, khoảng năm 2016 khi vườn hồng của cô vừa chớm ổn định thì một trận bão lớn đổ bộ đã làm tan hoang hết cả. Không những hoa bị ảnh hưởng mà tất cả cọc giàn bị giật tung khiến cô phải dừng lại cả tháng chỉ để khắc phục.
Nhưng đã “làm lớn” thì không bỏ cuộc. Từ những thất bại đó, Trang lại tiếp tục nghiên cứu tài liệu cách trồng, khắc phục dần dần và tìm ra những cách riêng cho mình từ cách chăm bón.
Cuối chiều, khu vườn ngập tràn hương thơm,  cùng những màu sắc mê hồn: Màu đỏ quyến rũ của những bông hồng cổ Sơn La; màu vàng tươi rực rỡ của giàn Hồng leo Golden Celebration, hay màu vàng cam của giống hồng Crown Princes Magareta.... Nhìn cách cô giá trẻ nâng niu những bông hoa đủ biết cô đã gửi gắm tâm huyết của mình vào khu vườn này như thế nào. Nhờ những nỗ lực đó, hiện nay Phạm Thiên Trang đã sở hữu khu vườn với hơn 950 giống hồng khác nhau, mở rộng các vườn trồng tại nhiều tỉnh như: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định… xây dựng hệ thống chuyên nghiệp với đội xe chuyên chở hàng và hàng chục nhân viên chăm sóc.

 Phạm Thiên Trang với sản phẩm phân đậu tương do cô nghiên cứu.
Phạm Thiên Trang với sản phẩm phân đậu tương do cô nghiên cứu.
…đến nghiên cứu ra các sản phẩm sinh học
Nghe kể về các sản phẩm phân, thuốc sinh học của Phạm Thiên Trang được xuất khẩu sang Thái Lan tưởng như không mấy liên quan đến những khóm hồng xinh đẹp. Nhưng đó lại là một thành quả nổi bật trong quá trình trồng hoa của cô. Những bài học từ thất bại khi trồng và chăm sóc hồng đã khiến Phạm Thiên Trạng nung nấu ý tưởng nghiên cứu các sản phẩm sinh học như: Phân bón, thuốc trừ sâu… an toàn, thân thiện với môi trường mà hiệu quả cao.
Từ việc thấy cây bị cỗi nhanh và đất chai lại khi sử dụng nhiều phân hoá học; sản phẩm đầu tiên mà Trang bắt tay vào nghiên cứu là phân đậu tương. Cũng là con nhà nông nên cô quan sát thấy các loại phân hữu cơ từ cây đậu tương rất tốt cho cây. Tự mày mò công thức làm, sản phẩm ban đầu đã ra lò, biết là tốt nhưng chính cô cũng không dám tưới vì phân có mùi rất khó chịu. Lại tiếp tục học hỏi từ các hội nông nghiệp sạch để nghiên cứu giải quyết mùi của phân đậu tương, đến nay cô đã có sản phẩm Bio Soye hoàn chỉnh với mùi chỉ như bỗng rượu.
Ban đầu Trang chỉ dùng loại phân tự chế này để phục vụ việc chăm sóc trong vườn của mình nhưng thấy cây phát triển tốt, nhiều khách hàng hỏi, cô đã thương mại hoá sản phẩm của mình và được đánh giá cao, bán rất chạy.
“Để có được loại phân này, tôi dùng các hạt đậu tương trồng hữu cơ ở quê, đường mật loại 1 và những chủng vi sinh vật đặc biệt nhập khẩu từ nước ngoài, thuỷ phân qua 2 lớp khác nhau và phải mất cả nghìn tiếng đồng hồ mới cho ra sản phẩm”, Trang chia sẻ.
Phòng nghiên cứu sản phẩm vi sinh.
Phòng nghiên cứu sản phẩm vi sinh.
Quá trình nghiên cứu các sản phẩm vi sinh chưa dừng lại ở phân đậu tương. Phạm Thiên Trang đã dựng riêng phòng nghiên cứu và xưởng sản xuất cho riêng mình. Cô nghiên cứu ra 6 sản phẩm phân bón cho toàn bộ quá trình chăm sóc cây từ bón gốc, chăm sóc rễ đến hoa, lá, quả… và các sản phẩm thuốc hoá học phòng trừ sâu bệnh. Các sản phẩm này không chỉ dùng cho hoa hồng mà ứng dụng rộng rãi cho nhiều loại cây ăn quả. Hiện nay nhiều nhà vườn đã sử dụng sản phẩm vi sinh cho kết quả tốt. Các sản phẩm đã đi tới các vườn dâu ở Mộc Châu (Sơn La), vùng trồng cam sạch tại Lục Ngạn (Bắc Giang)…
Với sự phát triển không ngừng, hiện nay mỗi tháng doanh thu của Trang đã lên tới hơn 1 tỷ đồng/tháng. Trong đó, kinh doanh hoa hồng chiếm một nửa và một nửa là từ các sản phẩm vi sinh.
Để có được những thành công như ngày hôm nay, cô gái trẻ đã phải dám liều với ước mơ của mình, không ngại vươn lên từ thất bại.
“Nói đến khởi nghiệp, với nam giới đã khó, với phụ nữ càng khó hơn rất nhiều. Tôi cho rằng phụ nữ khởi nghiệp cần có đủ bản lĩnh, ý chí bởi họ thường bị những rào cản về tâm lý “an phận thủ thường”, phải kiếm một người chồng tốt để dựa vào, thậm chí rất sợ khởi nghiệp… Thiên chức trong gia đình của phụ nữ cũng khiến phụ nữ đôi khi phải lựa chọn và chịu thiệt thòi trong công việc. Vì vây nếu có ý tưởng, tôi khuyên các bạn nữ hãy khởi nghiệp càng sớm càng tốt, tận dụng tuổi trẻ cho những đam mê, hoài bão của mình, các bạn sẽ được toàn tâm toàn ý với nó và thành công sẽ đến”, Phạm Thiên Trang chia sẻ.
Tạ Nguyên (baotintuc)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.