Trở lại làng Kông Hoa huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi đã từng viết, và cũng có quá nhiều người đã từng viết về ngôi làng Kông Hoa nổi tiếng này. Ấy vậy mà mỗi lần về lại ngôi làng này, tôi lại thấy có cái gì đó mới hơn, và lại muốn... viết.
Tất nhiên, tôi sẽ không dám nói nhiều về bok Núp với chiếc nỏ làm nên cuộc "cách mạng" trong đồng bào Tây Nguyên, không nói đến những trận đánh, những chiến công của con dân làng Kông Hoa, bởi nhà văn Nguyên Ngọc và hàng ngàn bài báo đã nói quá nhiều rồi.
Làng Stơr
Làng Stơr
Từ trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai), xuôi theo quốc lộ 19 khoảng gần tám mươi cây số là đến Tượng đài chiến thắng Đăk Pơ. Con đường Đông Trường Sơn cắt ngang quốc lộ 19 ở đây để nếu rẽ phải là vào huyện Kông Chro - nơi có ngôi nhà sàn bên bờ sông Ba của cố Nghệ nhân Dân gian H'Ben - một trong ba người đàn bà đã đi qua cuộc đời của Anh hùng Núp. Còn nếu rẽ trái thì sẽ đi qua các xã và đến thị trấn huyện K'bang. Tất nhiên, trước khi đến trung tâm huyện là đi qua làng Kông Hoa huyền thoại của Anh hùng Núp.
Đường Đông Trường sơn thảm nhựa, êm tựa như đi trên... thảm. Con đường mềm mại lúc chênh vênh trên sườn đồi, khi như "trốn" hẳn trong những bạt ngàn là mía để sau đó, đột ngột "chui" ra, lao thẳng lên một đỉnh đồi bát úp nào đó. Cuối cùng, "chui" ra khỏi ruộng mía, làng Kông Hoa đã ở ngay trước mắt.
Kông Hoa là cái tên mà nhà văn Nguyên Ngọc đặt trong tác phẩm "Đất nước đứng lên". Kông - tiếng BahNar, nghĩa là núi. Người Tây Nguyên đặt tên làng, thường lấy một trong hai chữ đứng trước là "núi" (Kông) hoặc "nước" (Đăk) - tiếng BahNah (ví như huyện Kông Chro hay xã Đăk Ji Răng); hoặc với người J'rai thì "Chư" (núi) hoặc "Ia" (nước): Huyện Chư Prông hay huyện Ia Grai...
Còn với già làng Đinh Yom thì làng cũ thời chống Pháp ở tận trên núi cao, cách làng bây giờ khoảng bảy cây số. Làng ở gần dòng suối Đăk Tơr nên lấy tên con suối đặt cho làng - gọi là làng Stơr (ở Tây Nguyên, bất kỳ một ngôi làng truyền thống nào cũng nằm bên cạnh một con suối, hoặc sông). "Còn cái tên Stơr là do "người ta" viết theo cách đọc mà thôi!" - già làng Đinh Yom nói.
Tôi ghé vào Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (nằm trong "Tổng thể khu Di tích Lịch sử Làng Kháng chiến Stơr").
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp
Ngôi nhà được khởi công xây dựng ngày 26/3/2010, hoàn thành ngày 6/5/2011. Trong căn nhà hiện lưu giữ trên 75 bức ảnh và trên 80 hiện vật, một sa bàn lớn về ngôi làng Stơr cũ, tất cả đều thể hiện sinh động xung quanh cuộc đời - sự nghiệp của Anh hùng Núp và Làng Kháng chiến Stơr.
Võ Thị Quỳnh Như - Quản lý nhà lưu niệm kiêm hướng dẫn viên biết tôi đã đến đây nhiều, nên không hướng dẫn gì thêm, mà chỉ cho biết thông tin mới: 6 tháng đầu năm 2018, nơi đây đã đón trên 3.500 lượt khách đến tham quan, chủ yếu là khách tự do. Em rót nước mời tôi uống, xong nhờ Đinh Mỡi đưa tôi vào làng.
Đinh Mỡi là trai làng chính gốc. Mỡi là nhân viên quản lý Khu Di tích, phụ trách ngôi làng phục dựng Làng Kháng chiến Stơr. Mỡi gọi điện thoại di động cho già làng Đinh Yom, nói một tràng bằng tiếng BahNar, đại ý: Ông ở nhà, khoan đi thả con trâu đã, có anh Lâm nhà báo đến chơi.
Trong lúc già làng Đinh Yom trải chiếu, rót nước, tôi lướt qua một loạt huân huy chương, bằng khen của các cấp, ngành tặng ông treo kín tường.
Tôi giật mình khi thấy trong những tấm bằng khen ấy ghi: "Đinh Yom, SN 1934". Vậy mà lúc mới bước vào nhà, tôi "chào anh" bởi cứ ngỡ ông mới... sáu mươi.
Già làng Đinh Yom (ngồi giữa), trai làng Đinh Mỡi (áo xanh) và tác giả
Già làng Đinh Yom (ngồi giữa), trai làng Đinh Mỡi (áo xanh) và tác giả
Ông già BahNar tám mươi lăm tuổi vạm vỡ, nhanh nhẹn. Ông thuộc việc làng cứ như việc nhà mình vậy. Già làng mà! Ông cho biết, làng Stơr trong kháng chiến chống Pháp nằm trên đỉnh núi cách ngôi làng này bảy cây số

"Làng Stơr (hay Stâr cũ) nằm trên đỉnh núi (núi - tiếng BahNar gọi là "Kông").Trong kháng chiến chống Pháp, làng luôn đi đầu trong mọi phong trào, do vậy nhà văn Nguyên Ngọc đặt tên trong tác phẩm "Đất nước đứng lên" là làng Kông Hoa: Những bông hoa trên đỉnh núi, hoặc đỉnh núi nở ngàn vạn đóa hoa" - Quỳnh Như giải thích về cái tên "Kông Hoa" như vậy.


Theo trí nhớ của ông thì hồi đó, làng xơ xác lắm. Xơ xác là phải bởi Stơr là ngôi làng đi đầu cả vùng trong phong trào đuổi giặc giữ làng, trồng lương thực để ăn và để phục vụ kháng chiến...
Vậy nên Stơr là cái gai trong mắt của giặc. Mà đã là "cái gai" thì phải "nhổ": Bao nhiêu trận càn quét với súng ống, lựu đạn, rồi máy bay thả bom...
Chín lần phải dời làng, nhưng Stơr vẫn cứ là Stơr: Những người con BahNar nơi đây vẫn kiên trung bám làng, nghe lời bok Núp đánh đuổi giặc ngoại xâm để giữ làng, giữ nước.
Già làng Đinh Yom nhớ lại: Khi ông Núp cõng con trai tập kết ra Bắc, cả làng lo lắm, không biết ông sống chết thế nào. Ch'rơ - người vợ "nối dây" của ông lúc ấy mới hơn mười tuổi thì ngày đêm thương nhớ.
Thế rồi, giữa chiến tranh chống Mỹ, ông đột ngột quay về làng, cả làng vui như mở hội. Về làng, Núp luôn nhắc nhở dân làng phải kiên trung đánh giặc, không được đầu hàng dù khó khăn gian khổ đến đâu. Ngoài ra, phải chịu khó trồng lúa, trồng khoai để có cái ăn, đói thì lên rừng đào củ mài, thiếu muối thì đốt cỏ tranh thay muối...
Những cư dân nhí làng Stơr
Những cư dân nhí làng Stơr
Mỡi đưa chúng tôi lên thăm ngôi làng phục dựng Làng Kháng chiến Stơr, ngay bên cạnh ngôi làng đang ở. Ngôi làng phục dựng hiện có bảy căn nhà sàn với mái tranh, cột gỗ, sàn gỗ, vách bằng vỏ cây, một ngôi nhà Rông làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Ở đây, những ngôi nhà sàn truyền thống bám quanh sườn đồi bát úp, dành cho những hộ là nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm. Khách đến thăm có các món ăn đặc sản truyền thống như cơm lam được nấu từ gạo lúa rẫy, gà nướng lửa than, rượu cần... Khách có nhu cầu ngủ lại thì có nhà nghỉ cũng là nhà sàn truyền thống, tối có đội cồng chiêng, có đội múa xoang phục vụ, có khu nhà vệ sinh sạch sẽ...
Từ ngôi làng phục dựng trên đỉnh đồi này, nhìn xuống dưới là cánh đồng lúa nước rộng lớn, là bạt ngàn mía. Xa hơn nữa, dãy Konkakinh mờ ảo ẩn hiện trong sương sớm, trong khói lam chiều...
Ông Đinh Ngơn - nghệ nhân đan lát cùng cháu ngoại đang ngồi đan rổ trong ngôi nhà sàn của mình. Đinh Ngơn đã đi qua bảy mươi mốt mùa rẫy, đã nếm đủ mọi đắng cay thăng trầm, đói cơm lạt muối trong chiến tranh. Ông nói: "Giờ thì sướng lắm rồi vì không thiếu gạo, thiếu muối nữa. Dân làng ngoài làm ruộng và chăn nuôi, còn được Nhà máy Đường An Khê đầu tư trồng mía, cho thu nhập cao. Nhà nào cũng tivi, xe máy, ai cũng dùng điện thoại di động...".
Nghệ nhân đan lát Đinh Ngơn
Nghệ nhân đan lát Đinh Ngơn
Sau năm 1975, Nhà nước dời làng cũ về đây sinh sống. Làng Stơr bây giờ cứ như một thị trấn với đường nhựa, đường bê tông, với quán xá rộn rã. Tất cả đều đã có nhà kiên cố xây phía trước ngôi nhà sàn truyền thống. Với những nghệ nhân như ông thì ngoài việc ruộng rẫy, còn tranh thủ làm thêm các sản phẩm truyền thống để bán cho khách du lịch, có thêm tiền cho con ăn học...
Chiều, Đinh Mỡi "gạ": "Anh ở lại làng tối nay nhé, em sẽ phục vụ cơm lam gà nướng, có cả cồng chiêng, cả múa xoang nữa!". Nhưng tôi phải về, hẹn Mỡi, hẹn với Kông Hoa một ngày không xa, sẽ cho "lũ nhóc" nhà tôi về đây, để chúng không chỉ biết về Anh hùng Núp và làng Kông Hoa qua sách vở, qua phim ảnh...

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang - anh Nguyễn Văn Dũng, cho biết về định hướng phát triển du lịch của huyện: Kbang là địa phương có tiềm năng du lịch rất lớn. Huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp tích cực đầu tư làm đường đến các khu du lịch. Ngoài ra huyện còn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thổ nhưỡng khí hậu, gắn liền với phát triển kinh tế - du lịch như cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng.

Trần Đăng Lâm (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.