Tập nhạc của cố Nghệ nhân Ưu tú-vợ Anh hùng Núp, liệu có lãng quên?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Tặng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai 1 tập dân gian này”-đó là lời đề tặng do chính tay cố Nghệ nhân Ưu tú H'Ben ( từng là vợ Anh hùng Núp) nắn nót ghi trong “Tập nhạc và bài hát dân ca-Một số làn điệu dân ca và bài hát dân ca các dân tộc” ngày 13-1-2016. Đến nay, tập nhạc được tác giả dày công sưu tầm qua hàng chục năm này vẫn còn bỏ ngỏ.
Nghệ sĩ H'Ben sinh ra và lớn lên ở làng Đe Dơng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro, Gia Lai). Khi chưa tròn 12 tuổi, H'Ben tự so thân mình vào cột nhà, thấy mình đã lớn nên xin cha mẹ lên đường theo bộ đội ngày tập vót chông, đêm biểu diễn văn nghệ… Có năng khiếu trời cho nên càng lớn giọng hát H'Ben càng thanh trong như tiếng suối reo. Năm 1955, H'Ben được cấp trên đưa ra miền Bắc vừa làm văn công vừa học văn hóa. 2 năm sau, H'Ben vinh dự là một trong những thanh niên tiêu biểu của Việt Nam được tham dự Đại hội Thanh niên thế giới tại Moskva (Nga). Sau lần đi Nga trở về, H'Ben càng học giỏi, càng hát hay. Tiếng hát trong trẻo của H'Ben đã vượt bao đại dương đến với các nước bạn ở Đông Âu…Bà kết hôn với Anh hùng Núp được một thời gian rồi 2 người chia tay, Anh Núp vào lại Tây Nguyên lãnh đạo kháng chiến, bà nuôi 1 người con với Anh hùng Núp và tái hôn.
  Nghệ nhân Ưu tú H'Ben lúc sinh thời bên tập nhạc mà bà dành nhiều tâm huyết.   Ảnh: Y Phương
Nghệ nhân Ưu tú H'Ben lúc sinh thời bên tập nhạc mà bà dành nhiều tâm huyết. Ảnh: Y Phương
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nghệ sĩ H'Ben về lại Gia Lai rồi được phân công làm Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên (nay là Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai). Ngày đến lớp, tối về bà dành thời gian sưu tầm, ghi chép các bài dân ca. Rồi mỗi khi đi công tác hay về làng, bất cứ lúc nào bà cũng nghĩ đến việc sưu tầm dân ca Tây Nguyên để lưu giữ cho thế hệ sau. Nghỉ hưu, bà về lại Kông Chro, cùng chồng và chiếc xe cà tàng lặn lội khắp nơi để sưu tầm những bản dân ca Bahnar, Jrai, Xê Đăng… Sau khi “nhặt” dân ca về, bà “dịch” lời, tu sửa cho hoàn chỉnh rồi chồng đàn, vợ hát thử, sau đó dạy cho học sinh của mình hát theo. Bà còn tự tay kẻ từng khuông nhạc, viết lời, lược dịch rồi tập hợp lại thành “sách” gồm 70 trang (chưa được biên tập).
Đó là tập nhạc, bài hát dân ca mà bà đã dành cả tuổi thanh xuân cùng niềm đam mê để sưu tầm với tổng cộng 143 bài. Chiếm số lượng nhiều nhất là dân ca Bahnar với hơn 40 bài, tiếp đến là dân ca Jrai (12 bài), Xê Đăng (1 bài), Ê Đê (1 bài). Số còn lại là những bài dân ca đã được các nghệ nhân đặt lời mới: “Một lòng theo Bác Hồ”, “Ná nhỏ”, “Sớm mai em đi giữ rẫy”, “Buôn em ngày nay”, “Đêm xoang”, “Đảng cho ta ấm no”, “Em chờ anh bên suối”, “Đoàn kết xây dựng quê hương”, “Chinh chiêng vang xa”, “Làm nhiều rẫy nương”, “Ước gì em là trái cây”… và gần 30 ca khúc. Đáng chú ý, nghệ sĩ H'Ben cũng là người đặt lời mới cho gần 60 bài dân ca. Đầu năm 2016, bà đã tặng một tập nhạc-bài hát dân ca cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Cuối năm 2017, bà qua đời trên mảnh đất Kông Chro yêu thương.
 
P
Có lẽ bản thân cố Nghệ nhân Ưu tú H'Ben cũng từng mong mỏi được xuất bản tập sách nhưng bởi một số lý do nào đó nên chưa thực hiện được… Đã công tác trong ngành Văn hóa suốt 20 năm qua, tôi biết rằng để ra mắt một tập nhạc là điều không đơn giản, nhất là về kinh phí. Tính tất cả các chi phí cho công tác sưu tầm, công tác phí, lược dịch, biên tập, mo rát, chủ biên, cộng tác viên dịch thuật song ngữ (Việt-Bahnar, Việt-Jrai…) đến khi ra tập nhạc đúng quy trình xuất bản với khoảng trên dưới 10 bài dân ca, ca khúc cũng mất trên dưới 30 triệu đồng. Nhưng trên hết, nếu chuyên môn không vững, tâm huyết chưa đủ thì tập sách cũng khó lòng xuất bản. Quay lại chuyện về tập nhạc-bài hát dân ca của nghệ sĩ H'Ben. Đây là tác phẩm hình thành bằng tâm huyết cả đời của người nghệ sĩ, qua đó góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc bản địa. Chỉ cần thêm sự quan tâm và hỗ trợ kinh phí của ngành chức năng là có thể ra mắt. Vậy nhưng đến nay, tập “sách” này vẫn bị bỏ ngỏ. Ai dám chắc công sức sưu tầm, sáng tác ấy không bị “thay tên đổi họ…” trong một “đề tài”, “đề án” nào đó sau 5, 10 năm nữa?
Mong rằng các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ sớm thể hiện trách nhiệm của mình trong việc quan tâm chỉ đạo để thực hiện và phát hành tập nhạc-bài hát dân ca này về các Phòng Văn hóa-Thông tin, trung tâm văn hóa, các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật… Đó là việc nên làm để lưu giữ những làn điệu dân ca đang ngày càng mai một trong cuộc sống hiện đại, hối hả hiện nay.
Y Phương

Có thể bạn quan tâm