Triển khai thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2024, nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được triển khai thi công đã mở ra nhiều cơ hội để các địa phương bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. 
Triển khai thi công tỉnh lộ 669-đoạn từ thị xã An Khê đi huyện Kbang. Ảnh: Minh Phương

Triển khai thi công tỉnh lộ 669-đoạn từ thị xã An Khê đi huyện Kbang. Ảnh: Minh Phương

Đầu năm 2024, dự án tuyến đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa (tỉnh lộ 666), nối các xã Kon Chiêng, Kon Thụp, Lơ Pang, Đak Djrăng (huyện Mang Yang) với xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) được khởi công xây dựng khiến người dân ở những nơi này vô cùng vui mừng.

Ông Huỳnh Ngọc Nghĩa (làng Gít, xã Kon Chiêng)-cho hay: Tuyến đường từ xã Kon Chiêng qua xã Kon Thụp hướng ra trung tâm huyện Mang Yang còn một đoạn đường đất khoảng 10 km đi lại rất khó khăn, mùa mưa thì lầy lội, còn mùa nắng thì bụi mù mịt. Tuyến đường này khi được hoàn thành sẽ gỡ bỏ thế bế tắc về giao thông, giúp việc vận chuyển nông sản của bà con được thuận lợi hơn, giảm tình trạng bị thương lái ép giá, học sinh đến trường cũng đỡ vất vả.

Còn ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang)-khẳng định: Đây là tuyến đường huyết mạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, tuyến tỉnh lộ 666 có tổng chiều dài 60,5 km, có điểm đầu nối quốc lộ 19 và điểm cuối giao với đường Trường Sơn Đông. Hiện trên tuyến vẫn còn một số đoạn chưa thi công hoàn thiện, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân nên khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi mọi mặt về giao thông cho các xã, huyện vùng khó.

“Chính quyền địa phương và người dân ở đây rất đồng tình, ủng hộ việc mở rộng, nâng cấp tuyến đường này. Trước đây, tuyến đường xuống cấp nặng nề, khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con rất khó khăn, nhất là mùa mưa bão. Việc tuyến đường sớm được nâng cấp, sửa chữa sẽ tiếp thêm động lực để địa phương phát triển”-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng nói.

Dự án đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi mọi mặt về giao thông của các xã, huyện vùng khó. Ảnh: Minh Phương
Dự án đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi mọi mặt về giao thông của các xã, huyện vùng khó. Ảnh: Minh Phương

Theo thông tin từ Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, trong năm 2023, đơn vị đã thực hiện hoàn thành 15 dự án, trong đó 5 dự án lĩnh vực giao thông gồm: Đường liên huyện Chư Pưh-Chư Sê-Chư Prông có chiều dài 32,75 km với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng; cầu qua sông Ayun vào xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) có kinh phí 90 tỷ đồng; đường Nguyễn Chí Thanh, TP.pleiku (đoạn Trường Chinh-Lê Duẩn) với mức đầu tư là 185 tỷ đồng; dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 663 (huyện Chư Prông) có mức đầu tư 150 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 664 (huyện Ia Grai) với kinh phí 150 tỷ đồng.

Ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-cho biết: Năm 2024, Ban đã khởi công xây dựng dự án đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa có chiều dài xây dựng 33,3 km; đ­ường tỉnh 669 (đoạn thị xã An Khê-huyện Kbang) dài 29,4 km và đường từ TP. Pleiku đi trung tâm huyện Đak Đoa dài 6,9 km. Tổng mức đầu tư của các dự án trên là 650 tỷ đồng.

“Hiện đơn vị đang triển khai thi công tỉnh lộ 666, 669 và nhiều công trình giao thông trọng điểm khác, dự kiến hoàn thành trong năm 2026. Riêng tuyến đường TP. Pleiku-Đak Đoa đang chờ điều chỉnh dự án”-ông Điệp thông tin.

Trong khi đó, tại các địa phương, nhiều dự án giao thông trọng điểm cũng đang được tích cực triển khai xây dựng. Ông Huỳnh Thế Phong-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ia Grai-cho hay: Năm 2024, các tuyến đường liên xã Ia Tô đi Ia Pếch; đường từ tỉnh lộ 664 đi đường liên huyện; đường quy hoạch mở rộng thị trấn về phía Bắc sẽ được đầu tư với tổng mức kinh phí gần 50 tỷ đồng.

Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng tuyến tỉnh lộ 664 đang được các đơn vị liên quan triển khai thi công có tổng chiều dài 5,8 km, dự kiến hoàn thành năm 2024. Đây là dự án nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, kết nối liên vùng, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực tuyến đường đi qua.

“Tuyến tỉnh lộ 664 được nâng cấp, mở rộng sẽ nối với tuyến đường Hồ Chí Minh-đoạn tránh Pleiku và các tuyến đường liên huyện khác rồi cùng với quốc lộ 14C tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn với nhiều vùng kinh tế trong tỉnh, tạo thành vành đai kinh tế TP. Pleiku-Ia Grai”-ông Phong nhấn mạnh.

Mạng lưới giao thông phân bố hợp lý, tạo được sự liên kết về mặt địa lý giữa tỉnh với các huyện, giữa thành phố với các thị xã, thị trấn. Ảnh: Minh Phương
Mạng lưới giao thông phân bố hợp lý, tạo được sự liên kết về mặt địa lý giữa tỉnh với các huyện, giữa thành phố với các thị xã, thị trấn. Ảnh: Minh Phương

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh đến năm 2030.

Ngành Giao thông tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, cố gắng và phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để hoàn thành và đưa hàng loạt dự án giao thông trọng điểm về đích. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các trục quốc lộ, đường tỉnh được đầu tư, nâng cấp, mở mới các tuyến đường liên huyện, các đường vành đai đô thị, đường huyện, đường xã được triển khai thực hiện theo quy hoạch của ngành giao thông vận tải và của các địa phương.

Tỉnh lộ 666 có điểm đầu nối quốc lộ 19 và điểm cuối giao với đường Trường Sơn Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết các xã, huyện vùng khó. Ảnh: Minh Phương

Tỉnh lộ 666 có điểm đầu nối quốc lộ 19 và điểm cuối giao với đường Trường Sơn Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết các xã, huyện vùng khó. Ảnh: Minh Phương

Cụ thể, đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường bộ trọng yếu đến năm 2025 như: Đường Hồ Chí Minh-đoạn tránh Pleiku, đường Hồ Chí Minh-đoạn tránh thị trấn Chư Sê; đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông; dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19); dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25; đường từ TP. Pleiku đi trung tâm huyện Đak Đoa; các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh như 662B, 663, 664, 665, 666, 669…

“Việc xây dựng hệ thống giao thông vận tải phải bảo đảm được sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, đối nội, đối ngoại tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Mạng lưới giao thông phân bố hợp lý, tạo được sự liên kết về mặt địa lý giữa tỉnh với các huyện, giữa thành phố với các thị xã, thị trấn, đồng thời nối với mạng lưới giao thông quốc gia và các tỉnh lân cận, tạo đà cho các địa phương trong tỉnh thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.