Trăng thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thuở nhỏ, những đêm trăng sáng mùa thu, tôi thường theo mẹ lên ngồi trước thềm nhà ngoại. Từng làn gió mát rượi ùa vào từ đồng bãi mênh mông, xua đi đàn muỗi quẩn quanh ở góc nhà. Ngoại, mẹ và tôi ngồi cạnh nhau trên chiếc sạp tre đã bạc màu năm tháng đặt dưới mái hiên. 
Trong nhà, ngoại tắt hết đèn điện, chỉ còn ngọn đèn dầu tỏa quầng sáng ấm áp trên gian thờ. Được nhỏ bé trong lòng mẹ giữa những ngọn gió đồng êm ả, tôi hay ngủ quên trước khi về. Giấc ngủ đến nhẹ tênh giữa tiếng mẹ và ngoại thủ thỉ, lẫn vào tiếng côn trùng trầm đều xa xa. Ngoài khoảng sân lá rụng, ánh trăng tràn loang loáng ảo mờ.
Đường về, tôi ngủ ngon lành trên lưng mẹ. Sáng tỉnh dậy trong tiếng mẹ lục đục khẽ khàng ở hiên sau, những dải nắng đầu ngày mong manh rọi qua song cửa, tôi không nhớ đêm qua mình đã ngủ quên tự lúc nào. Tôi học buổi chiều, ngồi trong lớp thỉnh thoảng quay mặt về phía cửa sổ, lơ đãng nhìn ra khoảng trời thu trong veo, lòng lại nôn nao đợi tới đêm trăng sáng. Những buổi tối đang học bài, đôi lúc ngẩng mặt nhìn lên, bắt gặp vầng trăng thấp thoáng sau bóng lá, tôi thường lẩm nhẩm câu thơ của Trần Đăng Khoa: “Trăng ơi... từ đâu đến? Hay từ cánh rừng xa. Trăng hồng như quả chín. Lửng lơ lên trước nhà”. Rồi cứ ngỡ vầng trăng cũng đang dõi theo từng con chữ tôi viết, lắng nghe tôi chăm chú đọc bài.
Có nhiều đêm trăng sáng, lũ trẻ con chúng tôi tụ tập ở khoảng sân rộng bàng bạc ánh trăng. Đã hẹn nhau từ trước, đứa đem theo quả ổi, quả mận mới hái lúc chiều, đứa để dành vuông kẹo đậu, túi bánh ống thảo thơm, giòn rụm, vừa chia cho nhau vừa cười đùa ríu rít. Hết đồng thanh vu vơ hát ca, chúng tôi lại chuyển sang thì thầm to nhỏ những câu chuyện kỳ bí, mở ra một vùng trời bao la của trí tưởng tượng. Rồi có đêm, chúng tôi rủ nhau vào sân trường làng chơi trốn tìm, mồ hôi nhễ nhại. Bọn con gái gom thật nhiều cọng thun kết thành một sợi dây dài để cùng chơi nhảy dây giữa ánh trăng ngập tràn. Nhà tôi ở cuối xóm. Có quãng đường về tôi phải đi một mình, ngang qua bụi tre già cót két đong đưa. Gió hiu hiu thổi, bất giác nghĩ đến những mẩu chuyện kỳ bí khi nãy rỉ tai nhau, tôi chạy ù về một mạch. Tới cổng nhà, tiếng chó sủa sau lưng còn vọng vang.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Những đêm thu ngồi đợi trăng lên, tôi thường nao lòng nhớ bao mùa Trung thu đã xa. Chiều về, chúng tôi nôn nao tắm rửa thật sớm, hối cả nhà ăn cơm tối để kịp theo đoàn lân đến từng nhà trong xóm nhỏ. Tiếng trống lân “tùng cắc” tưng bừng, giục những đôi chân mừng vui hòa vào dòng người ngoài con đường đất. Đoạn đường ven đồng gió thổi lao xao, ánh trăng rót xuống miên man trên những cuống rạ vừa xong vụ gặt. Trước đó mấy ngày, tiệm tạp hóa của làng treo trước cửa dãy đèn lồng sặc sỡ, lần nào đi ngang tôi cũng ước. Bắt gặp ánh mắt non nớt đầy niềm mong mỏi của tôi, cha lẳng lặng vót tre, cắt giấy rồi tỉ mẩn làm cho tôi chiếc đèn lồng năm cánh, bên trong thắp cây nến nhỏ. Để rồi sau này, dẫu có được mẹ mua cho những chiếc đèn lồng ngộ nghĩnh, lung linh, tôi vẫn nhớ hoài chiếc đèn lồng đầu tiên do cha làm. Những thứ đầu tiên thường khiến người ta nhớ sâu đậm. Mà nó lại còn được tạo nên từ bao yêu thương như suối nguồn chảy mãi, thiết tha…
Đêm nay mất điện, ngồi dưới trăng lòng bộn bề ký ức, bất chợt thấy sống mũi cay cay. Đám trẻ hồn nhiên thuở nào giờ mỗi đứa một phương. Chiếc sạp tre qua bao năm vẫn im lìm trước thềm nhà ngoại, cho những đôi chân mỏi ghé vào tìm chút bình yên. Những lần trở về, tôi nhẹ nhàng để dép ngoài bậc thềm, thảnh thơi ngồi lên chiếc sạp tre nghe cót két thanh âm của mưa nắng. Trong nhà, tiếng chân ngoại đi lại khe khẽ lẫn trong giọng nói đầm đẫm sương gió. Ngoại kể với tôi mà như đang nói với chính mình. Tất cả khiến tôi an lòng, vì còn được đắm chìm trong những thân quen thuộc về ngoại. Trăng vén mây soi lòng tôi rưng rức bao điều xa xưa cũ kỹ.
Tháng năm như chuyến tàu một chiều, tôi tự hỏi mình có bỏ lỡ điều chi?   
TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.