Trần Đức Trung trên hành trình hút đinh xuyên Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với chiếc xe hút đinh tự chế, anh Trần Đức Trung (SN 1989, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đang thực hiện ước mơ đi đến tất cả 63 tỉnh, thành để góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp.

Chàng trai “gàn dở”

Giữa cái nắng như đổ lửa những ngày tháng 4, chúng tôi gặp anh Trung đang nhanh chân vượt đèo Chư Sê. Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt chàng trai có nước da đen nhẻm, vóc dáng rắn rỏi, nhanh nhẹn với chiếc xe lôi đẩy bằng tay tự độ chế nặng hơn 70 kg. Sau những ngày đi dọc An Khê, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa và Phú Thiện, anh Trung ngược lên phố núi Pleiku.

Anh Trung chia sẻ, sau khi hoàn thành chương trình THPT, anh ở nhà phụ giúp cha mẹ kinh doanh cám các loại. Nhà ở mặt đường lớn nhiều xe qua lại nên anh chứng kiến không ít cảnh tượng éo le và đau xót. Đó là những vụ va quẹt, tai nạn hay những chiếc xe hết xăng, bị thủng xăm. Nhiều người phải dắt bộ giữa trời nắng gắt, mưa to hoặc đêm hôm khuya khoắt.

“Có lần gặp người chở cụ già đến bệnh viện nhưng xe bị thủng xăm phải dắt bộ, tôi thấy thương vô cùng. Những hình ảnh đó thôi thúc tôi mở một trạm dừng chân nhỏ ở nhà để cung cấp nước, xăng, áo mưa và vá xe miễn phí cho những người không may gặp phải khó khăn”-anh Trung trải lòng.

Anh Trần Đức Trung cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến Gia Lai. Ảnh: Lê Gia

Anh Trần Đức Trung cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến Gia Lai. Ảnh: Lê Gia

Anh Trung thừa nhận mình thích đi du lịch và khám phá những điều mới mẻ. Anh yêu tha thiết dải đất hình chữ S nên quyết tâm trải nghiệm tất cả 63 tỉnh, thành trước khi nghĩ đến du lịch nước ngoài. Dành thời gian tìm hiểu, anh được biết, nhiều người đã đi bộ xuyên Việt nhưng hầu hết lựa chọn cung đường thẳng khi chỉ đi qua khoảng 30 tỉnh, thành với quãng đường 3-4 ngàn km.

Để đánh dấu cột mốc cho cuộc đời mình cũng như ghi dấu ấn trong hành trình du lịch xuyên Việt, anh đã chọn đi bộ. Cùng với đó, anh mong muốn lan tỏa thông điệp về an toàn giao thông trong cả nước với việc chế tạo và kéo theo chiếc xe lôi để hút đinh, kim loại sắc nhọn vương vãi trên đường. Chiếc xe được thiết kế tối giản với thùng xe có thể đựng nhiều vật dụng như: lều, võng, chăn, màn, áo quần, bếp ga mini… Đặc biệt nhất là cục nam châm dài khoảng 60 cm, nặng 10 kg đặt dưới gầm xe để hút đinh, dị vật bằng sắt.

Anh Trung chia sẻ: “Tôi đã mất khoảng 1 năm để chuẩn bị kinh phí, hành trang cho hành trình này. Nhiều người nói tôi gàn dở, vô công rồi nghề, thậm chí phản đối. Tôi phải động viên, thuyết phục cha mẹ rất nhiều. Cha mẹ hiểu nên ủng hộ, dõi theo tôi trên từng chặng đường”.

Ấn tượng với Gia Lai

Đúng sinh nhật lần thứ 33 của mình (ngày 18-9-2022), anh Trung bắt đầu hành trình từ cột mốc tại đất mũi Cà Mau. Anh dự định hoàn thành chuyến đi trong khoảng 2-3 năm với quãng đường gần 15 ngàn km.

“Tôi chọn xuất phát từ đồng bằng sông Cửu Long vì nơi đây có địa hình tương đối bằng phẳng, giúp cơ thể làm quen nhịp độ đi bộ vất vả thay vì đồi núi dốc cao như ở Tây Bắc. Tuần đầu tiên thực sự là thử thách lớn vì chân bị rộp lên rồi sưng to, đi lại khá đau. Sau một thời gian thì tôi tự tin chinh phục tất cả cung đường đèo dốc, nhất là khi lên Đà Lạt”-anh Trung hồ hởi nói.

Đến nơi đâu anh Trung cũng nhận được sự chào đón niềm nở của người dân. Ảnh Nhân vật cung cấp

Đến nơi đâu anh Trung cũng nhận được sự chào đón niềm nở của người dân. Ảnh Nhân vật cung cấp

Với chiếc xe kéo gắn lá cờ Tổ quốc phấp phới cùng dòng chữ “Hành trình đi bộ xuyên Việt hút đinh 63 tỉnh, thành” và “Vì một Việt Nam tươi đẹp”, đi đến đâu, anh cũng nhận được sự quan tâm dõi theo của đông đảo người dân. Mỗi ngày, anh gặp khoảng 300-400 người trò chuyện, xin chụp ảnh, mời nước, tặng quà… nên thường đi được khoảng 20-30 km; những đoạn đường ít dân cư thì đi được 40-50 km.

Sau 4-5 ngày, anh lột tấm vải bọc thanh nam châm ra để lấy đinh, mảnh sắt cho vào một túi ni lông rồi tặng người thu mua phế liệu dọc đường. Với hành trang mang theo, anh thường cắm trại ngủ ven đường, tự nấu ăn, đôi khi nghỉ tại hàng quán.

Khi từ tỉnh Bình Định vượt đèo An Khê để lên Gia Lai, anh đã vượt qua chặng đường gần 3.500 km. Đây cũng là lần đầu tiên anh đến Gia Lai. Anh Trung chia sẻ: “Xa nhà hơn 7 tháng nay, tôi cảm nhận được sự ấm áp tình thân khi đến Gia Lai. Nhiều người mời tôi về nhà chơi, sẵn sàng cho ngủ nhờ. Rất nhiều cái vẫy tay của các bác tài trên đường, những gói bánh, chai nước mà tôi phải từ chối vì xe đã nặng. Nhớ nhất là những cậu bé Jrai kéo tôi bằng được xuống tắm dòng sông Ba mát rượi với lời hứa lớn lên cũng sẽ đi xuyên Việt như tôi”.

Cùng với đó, cảnh sắc Gia Lai với những cung đường dốc dài miên man, cánh đồng điện gió, nương rẫy giữa lòng Tây Nguyên cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong anh Trung. Khi đến đây, anh còn được trải nghiệm những món ăn đặc trưng của người dân bản địa. “Đi nhiều nơi, tôi thấy Gia Lai là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong chuyến đi lần này, tôi cũng đã lên kế hoạch phối hợp với bạn bè ở Gia Lai phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo”-anh Trung tiết lộ.

Ông Đặng Xuân Cường-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) cho hay: “Khi bắt gặp Trung một mình với chiếc xe khá nặng đi qua địa bàn xã, chúng tôi rất mến và khâm phục cậu ấy. Không chỉ đi bộ để du lịch mà Trung còn đẩy xe đi hút đinh, xịt sơn cảnh báo ở những khu vực đường xấu, nguy hiểm… Người dân trong xã niềm nở chào đón Trung, hy vọng tấm gương của cậu ấy lan tỏa rộng hơn”.

Còn chị Lê Phương-thành viên Hội “Bạn hữu Solo Gia Lai” thì bày tỏ: “Chúng tôi chạy xe không biết bao lần bị cán phải đinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dịch vụ vì phải chậm trễ, chưa kể mất an toàn. Khi thấy Trung đi hút đinh xuyên Việt trên quốc lộ 25 giữa trời nắng gần 40 độ, tôi khâm phục vô cùng. Nếu mỗi người có tấm lòng như Trung thì sẽ hạn chế được bao rủi ro, tai nạn trên các cung đường”.

Có thể bạn quan tâm

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Gia đình nạn nhân trong vụ mắc kẹt giữa dòng lũ trên sông Ayun đến cảm ơn lực lượng Công an

Gia đình nạn nhân trong vụ mắc kẹt giữa dòng lũ trên sông Ayun đến cảm ơn lực lượng Công an

(GLO)- Chiều 30-9, người nhà của anh Phan Minh Thắng-nạn nhân trong vụ mắc kẹt giữa dòng lũ trên sông Ayun đã đến Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) để gửi lời cảm ơn đến toàn thể cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ giải cứu anh Thắng an toàn.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...