Trải nghiệm lên vườn sâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đường lên vườn sâm chưa bao giờ dễ dàng. Và có đi, có trải nghiệm, mới thấu hiểu được phần nào sự vất vả của người vun trồng, chăm sóc.

Cậu em đồng nghiệp phải lấy 2 tay quờ quạng xuống đất để kiếm lối đi dẫu trời đang sáng. Cặp kính cận dày cộm rớt lên rớt xuống, nhòe bẩn vì mưa, vì lem bùn đất. Biết cậu hoa mắt vì mệt, anh bạn đi cùng phải dìu vào một căn chòi bên rẫy để nghỉ ngơi, uống nước, lấy lại sức. Trời vẫn mưa, phía trước, những con dốc vẫn dựng đứng cheo leo. Con đường vẫn tiếp diễn, chỉ có điều, mọi người như có thêm động lực bởi lời động viên của một hộ dân trồng sâm: “Vườn sâm ở đằng kia rồi, ráng leo dốc thêm 30 phút nữa. Đường phía trước dễ đi hơn rồi”.

Không ít người dân ngăn cản khi tôi và cậu em đồng nghiệp có ý định muốn lên thăm vườn sâm Ngọc Linh. Thế nhưng, với mong muốn tận mắt mục sở thị cách trồng sâm để vươn lên thoát nghèo của người Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh, chúng tôi vẫn quyết đi, dẫu theo lời người dân, phải leo dốc, lội bộ khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ.

Cơn bão sắp đổ bộ khiến tiết trời ở Mường Hoong thêm âm u. Hơn 7h sáng, mưa phùn khiến trời thêm lạnh. Tư trang: ủng, tất, áo mưa và cả đồ ăn dự phòng đã sẵn sàng, cả đoàn bắt đầu chuyến hành trình.


 

 Vườn sâm được chăm sóc, bảo vệ hằng ngày. Ảnh: H.T
Vườn sâm được chăm sóc, bảo vệ hằng ngày. Ảnh: H.T


Không quen đi bộ nên việc leo dốc khá mất sức. Thế nhưng, đổi lại, không khí trong lành, cảnh vật hoang sơ như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh như tiếp thêm sức lực. Một bên đồi, “biển” mây bồng bềnh ôm lấy từng ngọn đồi, từng mái nhà sàn ở lưng chừng núi. Xung quanh, những cánh đồng lúa chín vàng, những rẫy bắp đang vào vụ thu hoạch, những rẫy sâm dây xanh rờn như tô điểm thêm cho cảnh sắc. Tiếng chim hót líu lo xé tan sự tĩnh mịch mang đến không khí bình yên, năng lượng mới cho người đi đường.

Đi trong rừng, mưa rả rích nhưng đã thấm qua lớp áo mưa, ướt cả ba lô bên trong. Cứ dăm ba phút, đoàn lại hỏi người dân: còn mấy con dốc nữa, mấy phút nữa là đến vườn sâm... Cứ thế, hơn 1 tiếng, hơn 30 phút, rồi 15 phút... vườn sâm vẫn nằm tít trên ngọn núi.

Những hộ dân trồng sâm bảo rằng, sâm Ngọc Linh chỉ thích hợp với khí hậu ở trên núi cao. Chính vì vậy, để trồng và chăm sóc, mỗi ngày người dân phải phân chia nhau cuốc bộ lên rừng. Đi mãi nên họ quen với cảnh mưa rừng, quen với những con dốc đá cheo leo, những cung đường sạt lở. Hơn thế, những câu chuyện của người dân Quảng Nam bên kia núi giàu nhờ sâm Ngọc Linh càng trở thành động lực giúp họ thêm nỗ lực vì cuộc sống ngày mai.

Những con dốc chỉ gây mất sức, còn khi vào khu rừng chuối âm u, mới có cảm giác rờn rợn người vì sợ rắn, rết. Nhưng cũng ở khu vực ấy, tâm trạng lại phấn khởi, bởi chỉ tầm 5-10 phút nữa là đến vườn sâm.

Sau hơn  2 tiếng đi bộ, cuối cùng, vườn sâm cũng hiện ra trước mắt. Lúc này, cảm giác như chẳng còn mệt mỏi. Cậu đồng nghiệp ngồi phệt xuống phía nhà chòi, hưởng lấy chút hơi ấm từ bếp lửa vừa được nhen nhóm.

Đúng thật, có đi lên tận nơi mới thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của người vun trồng. Bởi, những ngày đầu trồng sâm, đâu chỉ đi bộ, người dân còn phải khiêng các vật dụng để trồng; cõng từng cuộn dây rào, dây thép lên rào bọc, dẫn ống nước về khu vực trồng... Những cây sâm mọc lên bởi mồ hôi và cả nước mắt.  Nhiều người, phải chịu cảnh xa vợ con, ở ròng rã trên rừng để bảo vệ cả gia sản của gia đình.

Trời mưa, rừng tối âm u, sâm mọc thưa khiến những bức ảnh không thật sự như ý muốn. Nhưng chuyến đi cũng khá thành công vì mọi người trở về an toàn và hơn hết, hiểu được sự nhọc nhằn trong quá trình trồng, chăm sóc càng giúp tôi thấu hiểu hơn giá trị của cây sâm, của người trồng sâm và của cả việc bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Những vườn sâm phát triển dưới sự bao bọc, che chở của mẹ rừng và của cả công người chăm sóc. Với chúng tôi, về vườn sâm luôn là hành trình trải nghiệm đầy thú vị. Mong rằng, những vườn sâm sẽ mở ra những chân trời mới, giúp đời sống người dân ngày càng phát triển, để không bõ công họ ngày đêm vượt rừng, lội suối chăm sóc.

https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/trai-nghiem-len-vuon-sam-21130.html

Theo Hoài Tiến (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.