(GLO)- Sáng 13-4, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng của tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên, cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác Trung ương có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, đại diện một số ban, sở, ngành, địa phương của tỉnh.
Gia Lai có nhiều khởi sắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác Trung ương một số kết quả đạt được của tỉnh trong thời gian qua. Theo đó, kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, năm 2016 đạt 7,48%. GRDP bình quân đầu người tăng đều qua các năm, năm 2016 đạt 38,2 triệu đồng (bằng 78,6% so với bình quân chung cả nước). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp-dịch vụ nhanh hơn ngành nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng năm 2016 đạt 102,15% kế hoạch. Công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng đều đạt và vượt kế hoạch. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tích cực; đến nay, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn, chiếm 16,3% tổng số xã. Tỉnh đặc biệt chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,18%, đến cuối năm 2016 còn 16,55% (tương đương 54.925 hộ).
Song song với đó, công tác xây dựng Đảng luôn được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Đảng bộ tỉnh hiện có 22 Đảng bộ trực thuộc với 1.013 tổ chức cơ sở Đảng và 52.055 đảng viên. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên được quan tâm gắn với thực hiện tốt việc xây dựng chi bộ. Chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm được đánh giá đúng thực chất, khách quan. Số tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 61,29%. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường. Thi hành kỷ luật trong Đảng được thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục. Duy trì, thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; tăng cường bám cơ sở, kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề bức xúc, nảy sinh trong nhân dân.
Tỉnh cũng đã thực hiện tốt việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong sinh hoạt Đảng. Chú trọng đổi mới trong việc ban hành nghị quyết; coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát… Đồng thời, chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc, các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của Đảng bộ tỉnh. Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khẳng định: “Trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức cơ sở Đảng, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm. Tập trung công tác vận động, tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững”.
Cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm bên Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Đức Thụy |
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật của tỉnh Gia Lai trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta hãy phân tích, làm rõ những thuận lợi cũng như khó khăn lớn của Gia Lai hiện nay là gì? Đồng thời, nhìn nhận lại những thành quả đã đạt được. Từ đó, xem xét những giải pháp cụ thể cho sự phát triển của Gia Lai”.
Theo đó, Tổng Bí thư chỉ rõ: Gia Lai là địa bàn chiến lược về quốc phòng-an ninh của cả nước và nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia; có diện tích rộng với đất đỏ bazan phù hợp cho các cây công nghiệp. Tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển thủy lợi và du lịch. Thời gian qua, bộ mặt của Gia Lai có nhiều thay đổi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách tăng mạnh. Việc có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong một tỉnh còn khó khăn như Gia Lai là kết quả đáng khen ngợi. Tuy nhiên, sự phát triển của tỉnh vẫn chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, môi trường đầu tư chưa tốt, tình hình an ninh chính trị còn chưa ổn định…
Về nhiệm vụ sắp tới, Tổng Bí thư lưu ý: “Gia Lai cần tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị mà sự lãnh đạo của Đảng là hạt nhân vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng để vươn lên thành tỉnh phát triển trung bình của cả nước. Quan trọng hơn nữa là phải tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng ý chí vươn lên mạnh mẽ”. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh: Trọng tâm của tỉnh là phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến; chú trọng công tác bảo vệ rừng, phát triển du lịch; quan tâm hơn nữa tới giáo dục-đào tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; chú ý giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; giữ gìn quốc phòng-an ninh và quan hệ tốt với nước bạn. Đặc biệt, chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, then chốt là công tác cán bộ, chống suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hoa trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Đức Thụy |
Trước đó, sáng cùng ngày, Tổng Bí thư cùng đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).
Nhân dịp này, tỉnh Gia Lai đã có một số đề xuất, kiến nghị với Tổng Bí thư và đoàn công tác Trung ương: Tiếp tục quan tâm áp dụng chính sách ưu đãi đặc thù để có giải pháp giảm nghèo bền vững đối với người dân tộc thiểu số, đồng thời có cơ chế đầu tư riêng cho các xã nghèo, xã đồng bào dân tộc thiểu số, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để người dân dễ dàng tiếp cận hơn; xây dựng phương án đầu tư tuyến đường sắt cho các tỉnh Tây Nguyên; triển khai dự án nâng cấp quốc lộ 19 đoạn qua Bình Định-Gia Lai; bổ sung công trình thủy lợi Ia Tul (huyện Ia Pa) vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xác định Gia Lai là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia và có những chính sách riêng để huy động các nguồn lực đầu tư cho du lịch Gia Lai; đưa điểm khảo cổ sơ kỳ đồ đá cũ An Khê là di tích khảo cổ học đặc biệt cấp quốc gia; bổ sung nội dung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào biểu điểm đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên hàng năm để làm căn cứ đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên… |
M.Thi-.T.Dung-Q.Tấn