Tổng Bí thư: Đảng có trách nhiệm góp phần để Mặt trận làm tròn sứ mệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổng Bí thư: "Tôi đề nghị các cấp ủy đảng và cơ quan chính quyền cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận".

Sáng 26-9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:

“ Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

Thưa các vị khách quý,

Thưa toàn thể các cụ, các đồng chí, các vị đại biểu Đại hội,

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân cả nước. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi nhiệt liệt chào mừng Đại hội, chào mừng các vị khách quý, chào mừng hơn 1.000 đại biểu từ khắp mọi miền của Tổ quốc đã hội tụ về thủ đô ngàn năm văn hiến để tham dự Đại hội. Qua các vị đại biểu, các cụ và các đồng chí, tôi xin gửi đến toàn thể đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài những tình cảm sâu sắc và lời chúc mừng thân thiết nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong niềm vui của ngày hội lớn hôm nay, chúng ta xúc động tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với lòng biết ơn vô hạn. Người đã kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết - nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc ta. Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn, nhà chiến lược thiên tài, nhà tổ chức vĩ đại, Người sáng lập và là linh hồn của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.

 

Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo tại Đại hội


Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đánh giá cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và rất vui mừng trước sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của Mặt trận- hình ảnh của khối đại đoàn kết dân tộc, một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thưa Đại hội,

Năm năm qua, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm quý báu của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam suốt hơn 80 năm, qua các thời kỳ cách mạng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Mặt trận và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đóng góp quan trọng nhất của Mặt trận là đã ra sức hoạt động, góp phần mở rộng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên sức mạnh to lớn cho sự phát triển của đất nước. Mặt trận đã đoàn kết, tập hợp lực lượng và xây dựng khối đoàn kết toàn dân không chỉ bằng công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức, mà còn thông qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, nhiều cuộc vận động thiết thực, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Nổi bật là các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", cuộc vận động "Vì người nghèo", cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam",...

 

Mặt trận đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp trong các công việc ở địa phương, đồng thời góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bao gồm cả việc tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giám sát, phê bình cấp uỷ, cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Mặt trận đã làm tốt công tác tổ chức, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đã lắng nghe, tập hợp những kiến nghị và nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước, nhất là các vấn đề quan trọng về phát huy dân chủ, phát triển kinh tế, văn hoá, chăm lo đời sống nhân dân,... góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Mặt trận Tổ quốc cũng đã chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động nhân dân và là mối liên kết hiệu quả trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Vai trò chủ động của Mặt trận trong việc xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên đã giúp cấp ủy và chính quyền các cấp rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt trong lãnh đạo và chỉ đạo. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã động viên, phát huy tính sáng tạo của các đoàn viên, hội viên xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, khuyến học, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn,... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực sự trở thành mái nhà chung để mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc, tôn giáo, mọi lứa tuổi và kiều bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, ý chí, trí tuệ và khả năng của mình để xây dựng, bảo vệ đất nước, chăm lo cho cuộc sống của người dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước.

Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục xứng đáng là người đại diện của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở nước ta; đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Sao vàng (lần 2) đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận (1930 - 2010).

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà Mặt trận Tổ quốc các cấp đã đạt được; trân trọng cảm ơn tất cả các tầng lớp nhân dân cả nước đã nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, hưởng ứng, ủng hộ và nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm nên những thành tựu quan trọng của đất nước ta trong những năm qua.

 

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác mặt trận cũng còn những hạn chế, bất cập. Phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đoàn kết toàn dân vẫn chưa theo kịp những yêu cầu mới; Mặt trận chưa thường xuyên và thiếu cơ chế phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; các cuộc vận động, phong trào thi đua có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế. Tổ chức bộ máy của Ủy ban Mặt trận các cấp chậm được kiện toàn; đổi mới cơ chế hoạt động còn gặp nhiều khó khăn; chưa khắc phục được tình trạng hành chính hóa.

Thưa các vị và các đồng chí,

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời gian tới là: "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Đối với Mặt trận, Đảng ta xác định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo chính trị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Đại hội lần này đã quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan điểm nêu trong văn kiện Đại hội XI của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và bám sát thực tiễn đất nước để đánh giá đúng tình hình, đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực cho nhiệm kỳ 2014-2019. Tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.

1- Theo tôi, một trong những nhiệm vụ bao trùm quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc trong những năm tới là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là: Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc. Lúc này, chúng ta tiến hành đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức do đây là một sự nghiệp mới mẻ, chưa có tiền lệ, làm đảo lộn nhiều nếp nghĩ, nếp sống, cách làm, lại có sự chống phá quyết liệt dưới nhiều hình thức của các thế lực thù địch. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta lại càng phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Mặt trận Tổ quốc là hình ảnh sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận cần động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và giới doanh nhân, không ngừng tăng cường khối liên minh giữa công nhân - nông dân - trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung. Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2- Chúng ta đều biết phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm, rất quan trọng. Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong việc vận động tổ chức thực hiện sâu rộng và có hiệu quả nhiệm vụ này. Tiếp tục làm tốt các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư ", "Xây dựng nông thôn mới" và các phong trào thi đua yêu nước, khuyến khích mọi người, mọi thành phần kinh tế tích cực đóng góp trí tuệ, tiền của, công sức để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình, đồng thời nêu cao tính cộng đồng và truyền thống nhân ái, tham gia xoá đói giảm nghèo, chăm lo cho người có công với nước, làm việc thiện, giúp đỡ những hộ nghèo, những gia đình và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhau nâng cao chất lượng cuộc sống. Vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, tạo thêm nguồn lực đầu tư cho các công trình xây dựng, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam; trong đó có việc rất quan trọng là phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, nhân cách; xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, xoá bỏ những thói quen, tập tục lạc hậu; xây dựng, bồi đắp những giá trị văn hóa mới tiên tiến, hiện đại, phù hợp với bản sắc dân tộc. Tôi đề nghị Mặt trận Tổ quốc phối hợp chặt chẽ với các ngành và các cơ quan chức năng đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng xã hội học tập, gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, làm cho lối sống có văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng người dân, nhất là thanh thiếu niên và được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Coi trọng xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương, giữ gìn trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Kiên quyết phê phán, lên án những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, lối sống lai căng, bắt chước nước ngoài không chọn lọc; đấu tranh với những hành vi phi văn hóa, phản văn hóa.

3- Với vai trò là liên minh chính trị, là tổ chức rộng rãi của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức đảng và cơ quan chính quyền, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp; tích cực tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân và vì dân. Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn. Mới đây, tháng 12- 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Đây là các quy định cơ bản tạo điều kiện để Mặt trận triển khai hoạt động giám sát trong thời gian tới. Tôi rất mong và tin rằng Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tốt công việc này.

4- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật thiết thực, hiệu quả, tránh hành chính hoá. Các phong trào cần chú ý đáp ứng đúng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân, giải quyết những vấn đề sát sườn của dân; đoàn kết, tập hợp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ Đảng và Nhà nước; tham gia quản lý xã hội, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Coi trọng việc nhân rộng các điển hình tốt, phê phán những việc làm dở, khắc phục tính hình thức. Muốn thế, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là những cán bộ hoạt động chuyên trách ở các cấp; chú trọng việc phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chung. Công tác vận động quần chúng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nhưng Mặt trận đóng vai trò nòng cốt.

Thưa các vị và các đồng chí,

Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, đồng thời là thành viên quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng có trách nhiệm góp phần tích cực để Mặt trận làm tròn sứ mệnh của mình. Những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo Mặt trận thực hiện nhiệm vụ của Đảng và dân tộc. Tuy nhiên, ở một số nơi, cấp uỷ, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò của Mặt trận Tổ quốc, về tầm quan trọng của công tác Mặt trận, về nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vì vậy chưa quan tâm đúng mức đến công tác Mặt trận. Một số vấn đề về cơ chế, chính sách đối với Mặt trận chưa được giải quyết thấu đáo, do vậy hoạt động của Mặt trận còn có những khó khăn.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, tôi đề nghị các cấp uỷ đảng và cơ quan chính quyền cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận, hoàn thiện cơ chế hoạt động và chính sách đối với công tác Mặt trận nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong tình hình mới. Các cấp uỷ và tổ chức đảng, các cơ quan chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức hãy nêu cao trách nhiệm để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra; đồng thời phải trực tiếp lắng nghe, học hỏi, tiếp thu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dân, làm tốt công tác dân vận.

Với quyết tâm mới, khí thế mới của Đại hội lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng, trong những năm tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công !

Xin chúc các vị và các đồng chí sức khỏe, đoàn kết và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn”.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Phú Thiện: Cán bộ chủ chốt góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện

Phú Thiện: Cán bộ chủ chốt góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện

(GLO)- Sáng 11-12, Huyện ủy Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tiến hành hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030. Các đồng chí Thường trực Huyện ủy chủ trì hội nghị.

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĨNH HOÀNG

Không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết công tác PCTN, tiêu cực năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 2-12.

Cán bộ cấp cơ sở của huyện Ia Grai nghe quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ảnh: T.N

Ia Grai chuẩn bị đại hội Đảng các cấp gắn với xây dựng hệ thống chính trị

(GLO)- Huyện ủy Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đảm bảo theo các chỉ đạo, quy định và hướng dẫn của cấp trên.