Tại phiên họp đầu tiên của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 ngày 7-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu về vai trò APEC trong củng cố hệ thống thương mại đa phương trong tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay. Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu:
"Hội nghị của chúng ta diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng. Kinh tế thế giới và hệ thống quản trị kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Cách đây gần hai thập kỷ, chúng ta chứng kiến những bước ngoặt trong cục diện quốc tế với sự hình thành Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hợp tác APEC được nâng tầm bởi các Mục tiêu Bogor.
Tất cả những chuyển biến đó đã góp phần tích cực thúc đẩy xu hướng hợp tác, liên kết hướng tới mục tiêu chung là thương mại tự do và phát triển vì chất lượng cuộc sống của người dân. Và hôm nay, có thể nói rằng, đúng 5 năm sau cuộc khủng hoảng trầm trọng và kéo dài nhất trong hơn một thế kỷ, kinh tế thế giới vẫn phục hồi yếu, thất nghiệp cao, nợ công và tài chính tiếp tục là những vấn đề lớn. Các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… diễn biến phức tạp và cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế của các quốc gia.
Mặc dù hợp tác và liên kết kinh tế là xu thế chủ đạo, song cạnh tranh trở nên gay gắt và chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Đây chính là những nhân tố sâu xa làm cho thương mại quốc tế phục hồi thiếu bền vững, hệ thống thương mại đa phương tiếp tục khó khăn và Vòng đàm phán Doha trì trệ sau hơn một thập kỷ.
Tuy là đầu tàu phục hồi kinh tế toàn cầu, tăng trưởng của châu Á - Thái Bình Dương nói chung và thương mại ở khu vực nói riêng cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh đó và chỉ còn chưa đầy hai tháng sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 cũng tại Bali, chỉ bằng hành động chung mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, cụ thể hơn, chúng ta mới có thể củng cố hệ thống thương mại đa phương và tăng cường đóng góp thực chất của APEC vào nỗ lực chung.
Do đó, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của chúng ta hiện nay là phấn đấu hết sức mình để Hội nghị WTO sắp tới đạt kết quả cụ thể. Đây là vấn đề then chốt nhằm khôi phục lòng tin vào hệ thống thương mại đa phương trong thời điểm hiện nay. Có như vậy, mới có bước đột phá trong thúc đẩy thương mại đa phương và Vòng đàm phán Doha, góp phần tạo động lực mới cho kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng và phát triển ổn định.
Hai là, để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần chung sức hành động mạnh mẽ và thể hiện sự linh hoạt cần thiết. Tôi đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ đề xuất của nước chủ nhà Indonesia về việc chúng ta thông qua Tuyên bố riêng, khẳng định cam kết của APEC cùng hành động để củng cố hệ thống thương mại đa phương và bảo đảm Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 thành công.
Việt Nam hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực linh hoạt nhằm đạt thỏa thuận Gói Bali cân bằng, trong đó ưu tiên những vấn đề then chốt của phát triển là nguyên tắc dành sự đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước kém và đang phát triển, và tăng cường hợp tác về an ninh lương thực. Đồng thời, chúng tôi cũng nhất trí tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, trong đó quan tâm thích đáng hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi của các nước đang phát triển nhằm củng cố tính bền vững của thương mại quốc tế.
Ba là, cần tiếp tục ưu tiên thực hiện các Mục tiêu Bogor nhằm tạo xung lực cho liên kết kinh tế khu vực, góp phần củng cố thương mại đa phương. Trong gần hai thập niên nỗ lực thực hiện mục tiêu Bogor, thương mại nội khối của APEC đã tăng khoảng 6 lần, góp phần nâng cao đời sống của người dân ở các nền kinh tế cũng như sự năng động và thịnh vượng của khu vực.
Tuy nhiên, cục diện kinh tế - thương mại thế giới hiện nay chuyển biến nhanh, sâu sắc với nhiều bước ngoặt phản ánh xu thế đa tầng nấc. Nổi bật là các chuỗi giá trị toàn cầu mở rộng nhanh chóng, đổi mới sáng tạo trở thành nền tảng cho phát triển, các thỏa thuận thương mại tự do được thúc đẩy, đang diễn ra sự chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng, cách thức quản trị, đến nội hàm và hình thái các mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa các quốc gia…
Lần đầu tiên, các nền kinh tế mới nổi trở thành động lực của tăng trưởng toàn cầu và gia tăng vai trò trong nền kinh tế thế giới. Những chuyển biến đó đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn trong việc triển khai các mục tiêu Bogor, thúc đẩy hợp tác trong những nội hàm phát triển của thời kỳ mới, hướng tới thiết lập Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Chúng ta cần cùng nhau tiếp tục phấn đấu xây dựng một cộng đồng APEC tự cường, đồng đều, gắn kết, công bằng và bền vững (RICES).
Bốn là, trước xu thế liên kết kinh tế đa tầng nấc ở khu vực và trên thế giới, APEC cần tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cải cách quản trị kinh tế, thương mại toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ, minh bạch và hiệu quả, phát huy vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Đồng thời, cần bảo đảm sự phối hợp và bổ trợ của các tầng nấc liên kết nhằm phát huy mọi tiềm năng để phát triển.
Trong cục diện quốc tế và khu vực chuyển biến hết sức sâu sắc, Việt Nam có lợi ích và sẵn sàng cùng các thành viên APEC triển khai mạnh mẽ liên kết kinh tế khu vực, đóng góp củng cố hệ thống thương mại đa phương. Với tinh thần đó và được sự ủng hộ của các thành viên APEC, Việt Nam quyết định sẽ đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 và các hoạt động của Diễn đàn APEC vào năm 2017. Đây sẽ là đóng góp thiết thực nữa của Việt Nam góp phần duy trì vai trò và vị thế của APEC, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ 21 tự cường, năng động và thịnh vượng - động lực của tăng trưởng toàn cầu".
Theo VOV