"Tình làng nghĩa phố"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ông bà xưa có câu: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”. Thật may mắn khi giữa tất bật của cuộc sống, tình nghĩa xóm giềng vẫn được gắn kết, bền chặt. 
Tôi lớn lên ở huyện vùng biên. Ngoài các làng đồng bào Jrai sống thành từng khu riêng biệt thì dọc trên tuyến đường chính là hàng chục hộ dân từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc lên xây dựng kinh tế mới. Tuy không cùng quê, chẳng phải họ hàng, song chẳng mấy chốc, người đến trước và người đến sau nhanh chóng trở nên thân thiết, chia sẻ buồn vui. Tôi vẫn còn nhớ những lần mẹ sai đi mượn gạo hay đem tô canh củ mì, chén chè đậu đen sang cho hàng xóm cùng thưởng thức. Nhà có quả mít chín, mẹ cũng chia làm 4-5 phần, tôi có nhiệm vụ đem cho mỗi nhà một miếng. Luộc được một nồi bắp ngon, mẹ tôi cũng để dành cho hàng xóm. Có qua có lại, các gia đình khác cũng thường chia sẻ những món ăn ngon, sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi có ai đó trong xóm gặp khó khăn. Những đứa trẻ chúng tôi khi ấy như những “bưu tá nhỏ”, chuyên vận chuyển tấm lòng thơm thảo, thắt chặt thêm tình nghĩa xóm giềng. 
Hơn 1 năm nay, gia đình nhỏ của chúng tôi chuyển đến khu dân cư gần trung tâm thành phố. Nơi tôi ở chẳng có mấy ngôi nhà, nhưng lúc nào hàng xóm cũng rôm rả, khác xa với những gì mọi người vẫn thường nói về tình nghĩa láng giềng ở phố vốn thờ ơ, lạnh nhạt. Sáng sáng, các gia đình trong xóm tập trung cùng uống cà phê, trò chuyện. Những ngày nghỉ, cả xóm lại cùng nhau tổ chức nấu nướng, ăn uống. Riêng gia đình tôi với nhà hàng xóm cạnh bên gần như là một. Mỗi khi có món gì ngon, anh chị đều gọi nhà tôi sang ăn cùng và ngược lại. Khi gia đình có chuyện gì, anh chị hàng xóm cũng đều giúp đỡ hết mình. Sự gần gũi, thân thiết ấy khiến chúng tôi thấy ấm lòng, yên tâm và yêu hơn nơi mình đang sống. 
Nhiều năm nay, tôi cảm nhận được sự lan tỏa ấm áp của “tình làng nghĩa phố”, nhất là dịp lễ, Tết. Từng góc phố nhỏ thỉnh thoảng lại râm ran tiếng nói cười vọng lại từ những bữa tiệc tất niên. Đặc biệt, khi chưa có dịch Covid-19, vào Tết Thanh minh, khắp các ngả đường, bà con lối xóm chung tay chuẩn bị mâm cúng, cầu mong bình an đến với các gia đình trong khu phố. Sau đó, mọi người lại quây quần cùng nhau ăn uống.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhộn nhịp, cuốn con người lao vào vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền. Sau một ngày dài mệt mỏi kiếm sống trở về, chúng ta chỉ muốn tìm kiếm một không gian yên bình, tĩnh lặng trong ngôi nhà nhỏ. Thế nhưng, trò chuyện, chia sẻ với hàng xóm cũng là một cách để chúng ta giải tỏa căng thẳng hữu hiệu. Đó không chỉ là sợi dây gắn kết tình cảm, đoàn kết xóm làng mà còn là điểm tựa mỗi khi gia đình ai đó có việc gấp, chuyện không may xảy ra, cần sự giúp đỡ.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã giúp gắn kết cộng đồng dân cư qua các mô hình “Con đường tự quản”, “Giúp nhau giảm nghèo”… Hay ngay trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, giữa các cụm dân cư đã hình thành tổ Covid cộng đồng. Họ vừa là tấm chắn góp phần ngăn chặn dịch, vừa đảm nhận phần việc tuyên truyền, vận động, tiếp nhận và phân phối hàng hóa, thực phẩm đến từng hộ dân khó khăn. Nếu không có tinh thần vì việc chung, mong muốn gìn giữ bình yên cho bà con lối xóm, hẳn đã không có những người sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân như vậy. Do đó, dù ở làng quê hay phố xá, tình nghĩa xóm giềng vẫn rất cần được trân trọng, xây dựng và duy trì.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Kẹt xe kéo dài gần 20 km tại đèo An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Kẹt xe kéo dài gần 20km trên quốc lộ 19 tại đèo An Khê

(GLO)- Ngày 12-12, tại đèo An Khê nối tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, hàng trăm chiếc ô tô con, xe khách, xe tải, container bị mắc kẹt kéo dài gần 20 km nhiều giờ liền. Nguyên nhân giữa đèo có hố nước sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.