Tin vui cho người mắc bệnh Parkinson

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiệu quả của hướng điều trị mới đặt điện cực não là rất tích cực, giúp người bệnh cải thiện vận động từ 50%-80%
Ông N.M.P (63 tuổi, ở TP Đà Nẵng) mắc bệnh Parkinson (còn gọi là bệnh liệt rung) đã hơn 13 năm, đang điều trị bằng thuốc với liều lượng 300 mg (5 lần/ngày). Ông P. còn được bổ sung thuốc đồng vận và thuốc chống ảo giác. Tuy nhiên, mỗi cữ thuốc chỉ có tác dụng trong khoảng 2 - 3 giờ.
Hết khổ vì đơ cứng
Khi thuốc hết tác dụng, chân của ông P. cứng đờ không đi lại được, nếu tăng liều thuốc thì đi lại tốt nhưng lại bị ảo giác, hoang tưởng. TS-BS Trần Ngọc Tài - Phó trưởng Khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Rối loạn vận động Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM - cho biết ở giai đoạn đầu, việc điều trị cho người bệnh Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Khi bệnh mới khởi phát, thuốc thường phát huy hiệu quả suốt cả ngày. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn, hiệu quả của thuốc không thể kéo dài cho đến liều kế tiếp (còn gọi là hiện tượng "dao động vận động").
Khi thuốc không còn tác dụng, các triệu chứng đặc trưng của bệnh Parkinson như run, chậm vận động, đi lại khó khăn sẽ xuất hiện trở lại. Khi người bệnh uống liều thuốc kế tiếp, các triệu chứng sẽ cải thiện và khoảng thời gian này được gọi là giai đoạn "bật", còn khoảng thời gian mà triệu chứng nặng lên được gọi là giai đoạn "tắt". Người bệnh còn có thể xuất hiện các cử động không tự ý (như xoắn vặn, xoay) được gọi là loạn động. Những cử động này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Với trường hợp của ông N.M.P, Khoa Thần kinh BV Đại học Y Dược TP HCM đã đưa ra hướng điều trị mới cho ông P. là phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu để giảm liều thuốc uống, cải thiện triệu chứng vận động. Sau khi phẫu thuật, đến nay tình trạng sức khỏe của ông P. đã ổn định hơn, hết ảo giác, giảm đáng kể triệu chứng "bật - tắt", lượng thuốc cũng giảm chỉ còn 100 mg (3 lần/ngày).
Một trường hợp khác là ông N.V.M (66 tuổi, ngụ TP Hà Nội). Ông M. được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson cách đây 7 năm và được BV địa phương chỉ định điều trị bằng thuốc. Sau một thời gian, ông M. bị biến chứng dao động vận động, ngoài ra còn bị tác dụng phụ do thuốc như thường xuyên la hét vô cớ, xuất hiện các ảo giác, hoang tưởng ghen tuông và tình trạng bệnh ngày càng nặng. Được phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, điều chỉnh thuốc, sau 3 tháng, bệnh của ông M. đã khả quan hơn, có thể tự sinh hoạt tốt.
TS-BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh BV Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho biết hiệu quả của hướng điều trị mới đặt điện cực não là rất tích cực, giúp người bệnh cải thiện vận động từ 50%-80%.

TS-BS Trần Ngọc Tài thăm khám cho một người bệnh Parkinson điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
TS-BS Trần Ngọc Tài thăm khám cho một người bệnh Parkinson điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Xu hướng người trẻ mắc bệnh Parkinson
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, khoảng 5%-10% người bệnh có yếu tố gien. Một số trường hợp khác thì ghi nhận người mắc bệnh do tiền sử gia đình cũng có người bị bệnh Parkinson hay do tiếp xúc nhiều với hóa chất, thuốc trừ sâu (nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác). Các dấu hiệu thường gặp là run lúc nghỉ, chậm cử động và đơ cứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp, sau 5 - 7 năm, người bệnh sẽ có nguy cơ bị tàn phế.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Công, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, bệnh Parkinson là bệnh tương đối phổ biến với tỉ lệ mắc là 90-100/100.000 dân số. Thông thường, bệnh Parkinson xuất hiện ở lứa tuổi từ 50 trở lên nhưng hiện căn bệnh này đang ngày một trẻ hóa. Ghi nhận trong một số nghiên cứu cho thấy thời gian gần đây nhiều người mắc bệnh Parkinson ở khoảng 30-40 tuổi, có tới 10% khởi phát bệnh trước 45 tuổi.
TS-BS Trần Ngọc Tài cho biết nhiều người bệnh Parkinson hay có cảm giác lo lắng, sợ hãi, bi quan. Tuy nhiên, khi được theo dõi và điều trị phù hợp, không ít người bệnh Parkinson vẫn có thể tiếp tục làm công việc hiện tại của mình trong nhiều năm.
"Ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh Parkinson, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Người bệnh Parkinson nên giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ cũng như duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện" - BS Trần Ngọc Tài tư vấn.
Có thể nhận biết sớm bệnh Parkinson thông qua 4 triệu chứng chính: run khi nghỉ, đơ cứng, cử động chậm, rối loạn dáng đi và mất ổn định tư thế. Ngoài ra còn có các triệu chứng như viết chữ khó khăn, nhỏ dần; giọng nói thay đổi; thường xuyên bị táo bón, chảy nước dãi; tiểu gấp; giảm ham muốn tình dục, mất ngủ…
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.