Tín hiệu tích cực từ tăng trưởng quý I

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một tín hiệu vui cho năm 2018 là tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong đó, công nghiệp-xây dựng, mà chủ yếu từ công nghiệp chế tạo, có mức tăng mạnh nhất (11,6%), trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Nếu nhìn lại mức tăng trưởng 5,1% của quý I-2017, cùng với thói quen “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng hai vào “mùa lễ hội”... thì con số tăng trưởng 7,38% quý I năm nay là một tín hiệu rất đáng mừng của nền kinh tế, ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc trong công tác điều hành của Chính phủ, cùng với sự chuyển động đồng bộ của cả bộ máy.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất nông nghiệp phục hồi rõ nét, sản xuất công nghiệp, dịch vụ tiếp tục đà tăng cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, đầu tư phát triển, dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu… đều tăng khá. Đặc biệt, ngành du lịch tăng trưởng khá, khách quốc tế đến nước ta trong quý I ước tính hơn 4,2 triệu lượt, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I năm 2018 tăng 2,82%, thấp hơn nhiều so với bình quân cùng kỳ năm 2017 (4,96%); lạm phát bình quân quý I tăng 1,32%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (1,69%).

Mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối tương đối ổn định, tỷ giá biến động linh hoạt, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, thị trường vàng ổn định, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, VN-Index đạt trên 1.170 điểm (tăng 19%), giá trị vốn hóa thị trường ước tăng 16,7% so với cuối năm 2017, tương đương 82% GDP năm 2017. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục hấp dẫn, thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội. Kim ngạch xuất khẩu tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017 với 8 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cán cân thương mại quý I ước thặng dư 1,3 tỷ USD.

Những tín hiệu tích cực của bức tranh kinh tế quý I là cơ sở cho các dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,83% (cao hơn 12 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra cuối năm 2017-6,71%).

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, không nên quá hứng khởi với thành tích này mà cần thận trọng, bình tĩnh chỉ ra những khó khăn mà nền kinh tế thế giới và trong nước đã, đang và sẽ gặp phải để có đối sách hợp lý như vấn đề chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, xen lẫn với đó là các cú sốc có thể xảy ra đối với thị trường tài chính, tiền tệ... Có dự đoán trước được những khó khăn thì chúng ta mới xây dựng được kịch bản ứng phó với mọi tình huống.

Đó là tình trạng tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, nhất là phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn, như cách đặt vấn đề của TS. Võ Trí Thành-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, khi ông cho rằng, nhìn tổng thể là tốt, nhưng đi vào cụ thể thì thực lực của nền kinh tế chưa bền vững. Ví như nếu không tính sự đóng góp của Samsung thì coi như tăng trưởng công nghiệp trong năm qua “không có gì đặc sắc cả”. Trong khi đó, còn rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Điều bất ổn dễ thấy nhất của nền kinh tế là tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động chưa cải thiện theo chiều sâu, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, thách thức về già hóa dân số, nguy cơ “chưa giàu đã già” và rơi vào bẫy thu nhập trung bình, việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh chưa đáng kể, nợ công cao… Đây là những nút thắt cần phải giải quyết để tạo ra đột phá, giúp củng cố đà phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế.

Mức tăng trưởng cao trong quý I là tiền đề để chúng ta kỳ vọng vào mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt mức 6,7% hoặc cao hơn. Điều quan trọng và dài hạn là tiếp tục cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, phát triển bền vững. Chính phủ đang quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác điều hành vĩ mô, cải thiện mạnh mẽ, đồng bộ môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; chủ động thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, tạo nguồn xung lực mới cho nền kinh tế đất nước.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.