Tiền tỉ tan tành còn bất lực nhìn chồng cưới nhân tình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

18 năm làm vợ chồng, có con chung, chị cứ nghĩ chỉ cần gia đình hạnh phúc, thì tờ giấy đăng ký kết hôn kia, có hay không cũng không ý nghĩa.

Nhưng rồi, lòng người thay đổi, khi "chồng hờ" quay lưng lại với gia đình, đường đường chính chính cưới một cô gái trẻ, chị mới hốt hoảng nhận ra, quyền và lợi ích hợp pháp của một người vợ là chị - không được pháp luật bảo vệ, vì chị "thiếu" mất tờ giấy đăng ký kết hôn.

18 năm “quên” đăng ký kết hôn

18 năm trước, anh (SN 1976) và chị (SN 1967, cùng ngụ TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) khăn gói về chung một nhà, góp gạo thổi cơm chung, nhưng “quên” không đăng ký kết hôn. “Vợ chồng” sống với nhau hạnh phúc, sinh được hai đứa con, một trai một gái. Cả hai hòa thuận, yêu thương nhau, cùng nhau dạy dỗ con cái, san sẻ công việc. Những ngày tháng cứ thế trôi qua trong yên bình như bao gia đình khác.

 
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Không ít người nhắc nhở chị cần phải đến UBND phường làm thủ tục đăng ký kết hôn, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, danh chính ngôn thuận trở thành vợ chồng, là một gia đình đúng nghĩa trước pháp luật. Nhưng chị cho rằng, chẳng qua đó chỉ là “một tờ giấy”, hôn nhân hạnh phúc hay bất hạnh, không thể vì tờ giấy kia mà định đoạt tất cả.

Chị nghĩ đơn giản, miễn sao anh chị sống bên nhau hạnh phúc, yêu thương đùm bọc nhau mà sống, cùng nhau nuôi dạy con cái nên người là được. Đăng ký kết hôn ư? Nếu vợ chồng hết tình cảm, chẳng phải lại “mất công” kéo nhau ra tòa để “xé” tờ giấy kia. Vậy đăng ký kết hôn hay không cũng chẳng quan trọng gì.

Ngày đó, chồng chị chỉ là một người phụ hồ. Công việc của anh làng nhàng, tiền kiếm được cũng chẳng được mấy. Gia đình chị lúc ấy hầu hết đều sang Lào làm ăn. Nên khi anh chị về chung một nhà, cả hai cũng khăn gói sang Lào làm ăn. Chị vốn siêng năng cần cù, nên suốt ngày chỉ biết cắm cúi làm việc, chẳng để tâm sửa sang, chưng diện.

Vợ chồng cùng nhau làm ăn. Bao nhiều tiền kiếm được, chị đều đưa hết cho anh xây dựng nhà cửa khang trang. Chị bán cơm, anh buôn gỗ. Thoáng chốc mà gần hai mươi năm trôi qua như cái chớp mắt. Con gái lớn đã tròn 18, con trai út cũng lên 17 tuổi. Anh chị cũng đã tạo dựng được tài sản, có nhà cửa khang trang, xe cộ đàng hoàng, giá trị tài sản tiền tỉ.

Nhưng rồi thời gian đó, anh thường xuyên lấy cớ ốm đau, để đi đi về về giữa hai nước. Trong một lần đứa con trai vô tình nghe bố nói chuyện điện thoại với một người phụ nữ khác, giọng điệu, ngôn ngữ quá mức tình cảm, cậu con trai 17 tuổi nóng nảy xông vào giật điện thoại của bố, vụ việc mới vỡ lở, bung bét. Hóa ra, khoảng thời gian anh đi đi về về, không phải là để chữa bệnh như anh nói, mà cốt yếu là gặp gỡ, dây dưa với người phụ nữ khác. Mà oái oăm thay, tình địch của chị là một cô gái còn rất trẻ, chỉ nhỉnh hơn con gái hai người vài tuổi, còn là hàng xóm thân thiết của gia đình chị.

Ôm di ảnh vào đám cưới đòi chú rể

Bàng hoàng trước sự thật quá mức phũ phàng, chị còn chưa kịp “trở tay” để níu kéo “chồng” về, mẹ con chị đã tá hỏa khi “chồng”, cha của mình tổ chức đám cưới hoành tráng tại khách sạn Duy Tân (đường Hùng Vương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với cô gái trẻ kia vào một ngày cuối năm 2015. Cho rằng mình chính là người vợ hợp pháp, quá sốc trước hành động “không thể chấp nhận được” của “chồng”, mẹ con chị cùng gia đình bên ngoại kéo nhau đến đám cưới làm một phen náo loạn.

Đó là một ngày đáng nhớ của những người trong cuộc, cũng như nhiều người dân thành phố. Khi đám cưới đang diễn ra long trọng thì chị cùng con gái, đầu chít khăn tang, ôm “di ảnh” lạnh lẽo của chú rể trên tay, xông thẳng vào hôn trường đòi người.

Cuộc “viếng thăm tang tóc” của mấy mẹ con chị khiến hôn trường hôm ấy náo loạn, dư luận xôn xao. Cô dâu, chú rể phải luồn theo cửa sau, bỏ đi mất. Hàng trăm vị khách đến dự đám cưới bị đôi tân lang, tân nương bỏ rơi chỏng chơ, đành phải khăn gói ra về khi rượu mừng còn chưa kịp uống. Hàng chục người thân trong gia đình chị hôm ấy cũng theo đến đám cưới, “yểm trợ” ba mẹ con đánh ghen. Vụ việc lộn xộn đến nỗi cảnh sát 113 đã cấp tốc có mặt để vãn hồi trật tự, nhưng đến tối mịt, đám đông mới dần dần giải tán.

Nhưng dù chị có “quậy” đến đâu, thì cũng không thể thay đổi được sự thật, trước pháp luật, chị và anh không phải là vợ chồng. Cho nên, dù chị và người đàn ông kia đã chung sống với nhau ngót nghét 18 năm trời, và đã có con chung, thì chị cũng không được Luật Hôn nhân và Gia đình bảo vệ. Đến lúc này, chị mới ngậm ngùi nghĩ đến “tờ giấy” kia - tờ hôn thú mà chị từng cho rằng không có giá trị.

Nhưng có lẽ đau đớn hơn cả, là anh đưa người mới về ở trong chính ngôi nhà mà chị và anh tạo lập nên trong thời gian hai người sống chung. Mấy mẹ con chị bỗng nhiên bị “chồng”, bị cha “đá” ra khỏi nhà. Bao nhiều tiền bạc lâu nay dành dụm được, chị đều đưa hết cho anh để mua nhà, sắm xe… giờ chị lại ra đi trong bàn tay trắng. Chị vốn nghĩ, của chồng công vợ. Nhà cửa dựng nên, chồng hay vợ đứng tên đều không quan trọng, bởi sau này đều là tài sản của con cái. Không ngờ vì chị “mù” luật, mà phải trắng tay, còn liên lụy đến hai đứa con không có nhà để về.

Lại nói về anh, để “dọn đường” cho cuộc hôn nhân với người vợ trẻ kia, anh đã gửi đơn đến tòa án yêu cầu pháp luật không công nhận anh và chị là vợ chồng. Anh muốn được “minh bạch” để kết hôn với người mới. Vụ án được tòa thụ lý, giải quyết đồng thời 3 “mối quan hệ” tình cảm, tài sản chung và con chung.

Theo đó, trong vụ án này, tòa án không công nhận nguyên đơn và bị đơn là vợ chồng, vì anh chị không đăng ký kết hôn. Đối với nhà đất hiện có (được định giá hơn 2 tỷ), chị cho rằng đó là tài sản chung do “vợ chồng” cùng nhau tạo lập sau hơn 18 năm chung sống. Thế nhưng nhà đất kia chỉ đứng tên mỗi mình anh. Chị không chứng minh được phần đóng góp của mình. Do đó, tòa bác yêu cầu chia đôi tài sản của chị. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, chị kháng cáo lên cấp trên.

Cò kè

Phiên tòa phúc thẩm do TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế xét xử vào một sáng cuối tháng 8/2017 vừa qua. Đã hết hè, nhưng sáng hôm ấy trời vẫn nắng chang chang. Đứng trên tầng 2 tòa án, chị chơ vơ trước ánh nắng bỏng mắt rớt trên sân tòa. Còn trong khán phòng, bên cạnh anh là người vợ mới trẻ trung mơn mởn.

Trước khi phiên tòa bắt đầu, chị đề nghị được thỏa thuận với anh về vấn đề tài sản, có sự chứng kiến của thẩm phán. Chị yêu cầu anh hỗ trợ 300 triệu đồng. Anh ngồi bên cạnh người vợ mới, bàn bàn tính tính. Mỗi một câu đều nhìn người vợ mới như ngầm hỏi ý kiến. Sau một lúc bàn tính với cô vợ trẻ, anh chỉ đồng ý con số 100 triệu đồng.

Thẩm phán cho rằng, tài sản giá trị hơn 2 tỷ đồng, anh nên nghĩ đến con chung mà hỗ trợ thêm cho mẹ con chị. Sau một lúc “cò kè bớt một thêm hai”, anh “dứt giá” cuối, đồng ý hỗ trợ chị 150 triệu đồng. Cả hai thống nhất. Vậy nhưng, sau đó chị lại thay đổi ý kiến, không đồng ý với mức hỗ trợ trên.

Hội đồng xét xử phúc thẩm bắt đầu làm việc. Trong quá trình xét xử, chị tỏ ra bức xúc, nhiều lúc không kìm nén được sự uất ức trong lòng, khiến chị mất khống chế, bật khóc. Cuộc tranh chấp giữa nguyên đơn là anh và chị - bị đơn trong vụ án lên đến đỉnh điểm khi chị lớn tiếng gào khóc, đến nỗi suýt ngất xỉu vì suy sụp, khiến phiên tòa phải tạm thời ngừng lại để chị ổn định tinh thần.

Chị nói cảm thấy mình bị “chồng” lừa, 20 năm thanh xuân của chị trôi qua thành vô nghĩa, bao nhiêu năm cật lực lao động, giờ lại trắng tay. Trong khi một người phụ nữ khác lại “nhảy vào” hưởng tất cả thành quả lao động mà chị cùng anh gây dựng trước đó. Nhìn anh ngồi trên tòa, cò kè từng đồng, chốc chốc lại hội ý cùng cô vợ trẻ, tâm can chị như có ai cầm dao đâm vào, cứ thế mà ứa máu.

Chị yêu cầu anh hỗ trợ chị 500 triệu đồng. Nghe cái giá chị đưa ra, anh tỏ ra “hoảng hốt”. Sau một lúc cò kè thêm bớt, “đất không nghe trời, mà trời cũng chẳng chịu đất”, nguyên đơn và bị đơn đi đến thống nhất, “xin” tòa cho phép được “ngồi lại”. Đôi bên được đưa vào phòng cách ly để “thống nhất giá cả”.

Sau một lúc bàn bạc, thỏa thuận, hai đương sự trong vụ án nhất trí, anh hỗ trợ chị 250 triệu đồng. Tại phiên tòa, anh “móc” ra 150 triệu đồng, “chồng tiền tươi” cho chị. Còn lại 100 triệu đồng sau khi phiên tòa kết thúc, anh sẽ tiếp tục thi hành án.

Nhìn anh sóng vai cùng cô vợ trẻ rời tòa, chị cứ thế như đứng chôn chân nơi hành lang, ngẩn ngơ nhìn bóng cả hai khuất sau ngã rẽ cầu thang.

Theo Pháp Luật Việt Nam

Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Báo Gia Lai thăm, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo Báo Gia Lai thăm, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

(GLO)- Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), sáng 20-11, đồng chí Lương Văn Danh- Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai đã đến thăm, chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị tỉnh.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) trao tặng phần quà cho buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Yến Thụy

Bình xét danh hiệu văn hóa: Công khai, minh bạch

(GLO)- Trên cơ sở Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11 của UBND tỉnh Gia Lai quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, các địa phương đã triển khai bình xét các danh hiệu nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch.

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.