Thường trực Chính phủ thảo luận về dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần cơ bản thông xe toàn tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ngành làm việc với tỉnh Tiền Giang nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ngành làm việc với tỉnh Tiền Giang nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Sáng 30/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã họp, nghe báo cáo và bàn thảo, thống nhất biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dự án tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và tỉnh Tiền Giang - cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của dự án và nhà đầu tư, ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho dự án.

Sau khi lắng nghe các ý kiến về tình hình triển khai dự án, các vướng mắc cũng như giải pháp tháo gỡ, phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa kinh tế, chính trị của tuyến đường này đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố và hơn 20 triệu dân.

Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì với các bộ liên quan nghiên cứu một tuyến đường sắt tốc độ cao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh tuyến đường bộ; đồng thời chỉ đạo tiếp tục khai thác hệ thống giao thông đường thủy, hệ thống logistics và các cảng biển ở khu vực này.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ với vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án, tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Chính phủ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này.

Về tiến độ, Thủ tướng yêu cầu cần cơ bản thông xe toàn tuyến vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021. Bên cạnh bảo đảm tiến độ thì yêu cầu về chất lượng đặt ra hàng đầu; tránh trường hợp vì đẩy tiến độ mà triển khai với chất lượng thấp, giám sát thi công cẩu thả...

Đối với những thủ tục có liên quan đến thẩm định thiết kế, thiết kế cơ sở, đơn giá vật liệu, tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, cơ quan liên quan có cuộc họp để thống nhất giải quyết dứt điểm trên cơ sở pháp lý: phải xử lý nhanh những thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay mà trước hết là phê duyệt tổng mức đầu tư.

Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng hoan nghênh Tiền Giang đã tích cực triển khai công tác này, đã giải phóng được 99,4%, chỉ còn mấy chục hộ; đồng thời đề nghị tỉnh tập trung hoàn thành nốt công tác này trên cơ sở giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân để có mặt bằng sạch, thi công liên tục.

Thủ tướng gửi gắm, lưu ý công trình này với "9 từ" là bảo đảm "tiến độ", "chất lượng", hiệu quả", không "tham nhũng", "tiêu cực", "công khai", "minh bạch", "trách nhiệm giải trình".

Thủ tướng nhấn mạnh các đơn vị tập trung phương tiện, thiết bị thi công với tiến độ hợp lý, chặt chẽ, bảo đảm chất lượng. Ngân hàng có trách nhiệm cung ứng đủ vốn, kịp thời.

Thủ tướng yêu cầu phải phối hợp tốt hơn nữa, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý liên tục để bảo đảm công việc thông suốt.

Hằng tháng, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Tiền Giang báo cáo Thủ tướng tiến độ, các công việc có liên quan tới dự án.

QV (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.