Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Trạm Y tế phường Thống Nhất (TP. Pleiku), Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai vừa tổ chức khám sàng lọc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) và bệnh hen phế quản, đồng thời cấp thuốc miễn phí cho người dân trên địa bàn. Chương trình được người dân đánh giá là hết sức thiết thực.
Mục tiêu của chương trình là tầm soát, sàng lọc và phát hiện sớm bệnh hen phế quản và BPTNMT. Không chỉ khám sàng lọc, các bác sĩ còn tư vấn giúp người dân có thêm kiến thức trong dự phòng hoặc nhận biết, phát hiện bệnh sớm. Kinh phí của đợt khám, cấp thuốc là trên 32 triệu đồng trích từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu y tế-dân số năm 2018.
Tư vấn cho người dân về bệnh hen phế quản và BPTNMT. Ảnh: N.N
Tư vấn cho người dân về bệnh hen phế quản và BPTNMT. Ảnh: N.N
Bác sĩ Ye Thiên Pẩu-Trưởng phòng Kế hoạch-Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi) cho biết: “Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức. Chúng tôi phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương thông báo kế hoạch chương trình khám sàng lọc đến người dân trước đó 2 tuần lễ. Trước 1 tuần thì phát phiếu sàng lọc đến các gia đình và sau đó là phiếu hẹn ngày giờ đến khám để người dân chủ động, tránh ảnh hưởng đến kế hoạch và công việc thường nhật. Qua 5 ngày diễn ra, các bác sĩ đã thăm khám cho 106 trường hợp, phát hiện 8 trường hợp hen phế quản và 5 trường hợp BPTNMT. Nhiều trường hợp bị BPTNMT đã lâu nhưng do trước đó không có biểu hiện rõ ràng cộng với sự chủ quan dẫn đến không phát hiện và điều trị bệnh sớm”.
Bị khó thở, đi khám uống thuốc nhiều lần không khỏi, bà Nguyễn Thị Tự (tổ 13, phường Thống Nhất) cho biết: “Nhiều lúc làm việc nặng, đi bộ lên xuống cầu thang, leo dốc hoặc có chuyện áp lực là tôi lại lên cơn khó thở. Mấy năm nay tuy có đỡ nhưng thời gian gần đây lại bị nhiều. Đến khám tôi mới biết mình bị hen phế quản”.


Bác sĩ Lê Anh Thể: “Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây BPTNMT. Để phòng tránh nguy cơ bị BPTNMT, mọi người nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá; tránh tiếp xúc môi trường khói bụi, hóa chất; nếu có tiếp xúc cần đeo khẩu trang, bảo hộ lao động”.


Được Tổ trưởng tổ dân phố thông báo, sáng 23-11, bà Vũ Thị Kiên (tổ 14, phường Thống Nhất) đã có mặt tại Trạm Y tế phường để khám bệnh. “Tôi hay bị ho, đau họng, đi khám nhiều lần nhưng đều được chẩn đoán là viêm họng hạt và viêm phế quản, uống thuốc không khỏi. Nay đến khám, tôi mới biết mình bị hen phế quản. Không chỉ được khám bệnh, tôi còn được cấp thuốc miễn phí; nhân viên y tế rất nhiệt tình, chu đáo. Tôi đánh giá cao ý nghĩa thiết thực mà chương trình mang lại”-bà Kiên nói. Cũng đến khám trong đợt này, ông Nguyễn Ngọc Tải (tổ 14, phường Thống Nhất) bày tỏ: “Mong là chương trình có thể tổ chức 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần để người dân có điều kiện thăm khám thuận lợi”.
Việc khám phát hiện sớm hen phế quản và BPTNMT giúp điều trị bệnh kịp thời, phòng tránh biến chứng. Bác sĩ Lê Anh Thể (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi) khuyến cáo: Khi lên cơn hen có thể gây suy hô hấp, co thắt phế quản dẫn đến tử vong. Dấu hiệu nhận biết bệnh là khó thở thành cơn, khò khè, ho khạc đờm dai dẳng, khó thở về đêm và khi thay đổi thời tiết… Người bệnh cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích phát cơn hen; nhận biết dấu hiệu của cơn hen để xử lý phù hợp; sử dụng thuốc đúng hướng dẫn, dùng thuốc xịt dự phòng hàng ngày và tái khám định kỳ.
Còn BPTNMT là bệnh làm tắc nghẽn đường thở và không hoàn toàn hồi phục. Tỷ lệ tử vong của bệnh này xếp hàng thứ tư trên thế giới. “Những người trên 40 tuổi, có hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường khói bụi… nên đi tầm soát để phát hiện bệnh sớm. Triệu chứng của bệnh là ho dai dẳng, liên tục phải khạc đờm, thường xuyên khó thở… Do ban đầu biểu hiện bệnh không rõ ràng nên nhiều người chủ quan không tầm soát sớm, khi đi khám mới biết đã bị bệnh một thời gian dài. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị bằng cách uống thuốc hàng ngày, lâu dài nên có tình trạng người bệnh bỏ thuốc làm bệnh thêm nặng”-bác sĩ Thể thông tin thêm.
Trong một nghiên cứu gần đây của bác sĩ Nguyễn Thị Thu An (Khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thực hiện từ tháng 1-2018 đến tháng 6-2018 trên 84 bệnh nhân trên 60 tuổi bị BPTNMT (bệnh nhân nam chiếm 81%) thì số bệnh nhân mắc bệnh có hút thuốc lá chiếm đến 83,3%. Điều đáng nói là 72,6% bệnh nhân ý thức được rằng thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây BPTNMT. Qua nghiên cứu cho thấy, chỉ có 21,4% biết mình mắc BPTNMT; 38,1% không biết mắc bệnh; còn lại 40,5% chỉ biết là bệnh phổi.
Như Nguyện
------------------------------------
Chuyên đề có sự phối hợp của Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe tỉnh

Có thể bạn quan tâm

Ngành Y tế Gia Lai hướng đến mục tiêu hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người dân

Ngành Y tế Gia Lai hướng đến mục tiêu hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người dân

(GLO)- Đề án “Phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030” nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống y tế phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái xung quanh vấn đề này.