Chiều 20-6, Hội nghị giao ban của Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên đã diễn ra tại Trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak.
Cùng dự có Thượng tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên.
Khó khăn và trở ngại
Sáu tháng đầu năm 2016, Tây Nguyên đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của hạn hán kéo dài, gây thiệt hại trên 5.400 tỷ đồng đối với sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, kim ngạch xuất khẩu giảm sút. Giá nhiều loại nông sản biến động mạnh ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nhân dân. Song nhìn chung, với nỗ lực của các tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khu vực Tây Nguyên tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 6,0% so với cùng kỳ năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. |
Sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động do hạn hán nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục được đẩy mạnh; nhiều mô hình thâm canh, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, chè, càphê, rau, hoa... đã góp phần nâng giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác.
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trước mắt và lâu dài, Tây Nguyên đang đứng trước nhiều trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế. Ở toàn vùng, quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của doanh nghiệp nói riêng nhỏ, yếu.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhiều ngành và lĩnh vực có tiềm năng nhưng chưa phát triển được vì thiếu nguồn lực và sự liên kết. Môi trường đầu tư chậm cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp. Nông nghiệp có lợi thế và có nhiều chuyển biến nhưng khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu hàng hóa và giải quyết đầu ra cho nông sản.
Qua đợt hạn hán đầu năm cho thấy, tài nguyên rừng, đất đai, nguồn nước ở Tây Nguyên đều suy giảm nhanh chóng, đã và đang dẫn đến những ảnh hưởng quá lớn cả trước mắt lâu dài về môi trường sinh thái. Đây cũng là nguyên nhân chính của khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán diễn ra gay gắt trên diện rộng và sa mạc hóa khó tránh khỏi ở khu vực này.
Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi ở Tây Nguyên chưa đáp ứng được nhu cầu tưới; công tác quản lý nguồn nước chưa tốt; việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến và nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước tưới tiết kiệm còn bất cập.
Một số lĩnh vực vốn là thế mạnh của Tây Nguyên như sản xuất càphê, cao su, hồ tiêu... tiếp tục bộc lộ khó khăn, hạn chế, nhất là phát triển tự phát ngoài kế hoạch, chưa kiểm soát được dịch bệnh (cây tiêu). Công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, chủ yếu mới tập trung vào việc hỗ trợ sản xuất, đời sống, tạo thu nhập trước mắt, chưa có nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm phát triển ngành nghề, giảm nghèo bền vững.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đang phải đối mặt với một khó khăn lớn, tồn tại từ nhiều năm nay đó là tình trạng di cư tự do, đang gây sức ép lớn đến các vấn đề an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế của vùng.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ xây dựng Đề án phát triển kinh tế-xã hội và hạ tầng cho Tây Nguyên, trong đó có tính tới các giải pháp bền vững, lâu dài, sống chung với biến đổi khí hậu; có chính sách riêng cho việc bảo tồn văn hóa, tiếng nói, chữ viết vùng đồng bào Tây Nguyên.
Đại diện các bộ ngành đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên chú trọng hơn đến công tác dạy nghề để góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các cơ quan Trung ương cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa chiến lược của phát triển nông nghiệp đang chiếm hơn 80%GDP của kinh tế Tây Nguyên; đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tập trung phát triển những loại nông sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao để tăng thêm thu nhập cho người dân.
Giảm nghèo vẫn là nhiệm vụ chính trị trọng yếu
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Tây Nguyên có vị trí địa chính trị mang tầm chiến lược, quan trọng của đất nước. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dồn sức, ưu tiên để hỗ trợ chính quyền, người dân Tây Nguyên vươn lên phát triển mạnh mẽ, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… đạt được những thành tựu to lớn; tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc được duy trì tốt, mà minh chứng cụ thể là kết quả có tới trên 99% tỷ lệ cử tri toàn vùng tham gia đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua.
Hoan nghênh những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp các địa phương Tây Nguyên và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Thủ tướng cũng cho rằng, Tây Nguyên còn nhiều hạn chế cần vượt qua để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tiếp theo.
Khẳng định giảm nghèo vẫn là nhiệm vụ chính trị trọng yếu của Tây Nguyên, Thủ tướng nhấn mạnh: “Không có khu vực nào nghèo, không sợ nghèo mà lo nhất là thiếu ý chí cho phát triển.”
Thủ tướng đề nghị phát huy lợi thế so sánh, nhất là về đất đai màu mỡ khí hậu ôn hòa của vùng Tây Nguyên.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nhất là nông nghiệp tại Tây Nguyên.
Các địa phương trong vùng cũng phải tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương đã ban hành đối với vùng; tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở mục tiêu tăng trưởng. Trong quản lý, điều hành, phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; giải quyết tốt vấn đề đất đai, vấn đề nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân; không khuyến khích người dân di cư tự do từ các vùng miền khác nhau đến sinh sống tại Tây Nguyên, thực hiện các biện pháp hiệu quả để xử lý tình trạng này.
Nhắc lại chủ trương của Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2016 theo Nghị quyết Quốc hội đã đề ra, Thủ tướng mong muốn các tỉnh Tây Nguyên tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, nhất là các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp, công nghiệp…
Mong muốn chính quyền các cấp, đồng bào các dân tộc vùng đất Tây Nguyên a nh hùng tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, Thủ tướng cũng gợi ý các địa phương trong vùng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế đặc thù phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh gắn chặt với triển khai hiệu quả cơ chế liên kết vùng để hình thành những ngành hàng, sản phẩm mũi nhọn, giá trị kinh tế cao; không ngừng mở rộng thị trường tiềm năng, nhất là những thị trường lân cận như Lào, Campuchia.
Thủ tướng cũng yêu cầu 5 tỉnh Tây Nguyên chú trọng hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số cạnh tranh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19/CP và Nghị quyết 35/CP của Chính phủ, từ đó huy động mọi nguồn lực phục vụ tăng trưởng. Các tỉnh Tây Nguyên chủ động phương án, biện pháp chuẩn bị tốt cho việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA; sẵn sàng cho hội nhập thành công.
Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng lưu ý các tỉnh trong vùng thực hiện tốt việc duy trì, bảo tồn và xúc tiến hoạt động văn hóa, duy trì truyền thống đậm đà bản sắc các dân tộc Tây Nguyên để Tây Nguyên luôn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Theo TTXVN