Đìu hiu mùa Black Friday

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không còn tâm lý hồ hởi như những năm trước, Ngày thứ sáu đen (Black Friday) năm nay khá ảm đạm.

Chạy khuyến mãi từ sớm cũng "không ăn thua"

Mọi năm, khung giờ trưa thứ sáu mùa Black Friday là dịp tung tăng mua sắm của giới văn phòng. Nhóm "ngũ long công chúa" làm việc cho các công ty nước ngoài tại khu vực Q.1 (TP.HCM) gồm Anh - Khánh - Trang - Ngọc - Vân năm nào cũng rủ nhau sắm tết sớm dịp này. "Thích nhất là đi lượn từ dưới 2 tầng hầm lên 3 tầng nổi của trung tâm thương mại (TTTM), mua sắm thỏa thích; trưa vào quán ăn khoe "chiến lợi phẩm". "Mùa mua sắm mọi năm là vậy, năm nay thì khác. Nhu cầu giảm đi nhiều trong khi khuyến mãi quanh năm, mua giờ nào chả được, đâu chờ đến mùa Black Friday", Khánh nói. Còn Trang thì chia sẻ, lương giảm, việc giảm nên nhóm ít mua sắm ngẫu hứng mà chỉ khi thật cần thiết mới tham gia.

Nhiều nơi giảm giá mạnh đến 80% Ngày thứ sáu đen
Nhiều nơi giảm giá mạnh đến 80% Ngày thứ sáu đen

Đó cũng là tâm lý của nhiều người khiến mùa siêu khuyến mãi năm nay ảm đạm. Tại TP.HCM, ngày 29.11 đúng "thứ sáu đen", trên các tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Ba Tháng Hai (Q.10), Nguyễn Trãi (Q.1), Lê Văn Sỹ (Q.3)…, rất nhiều cửa hàng bán áo quần, giày dép, túi xách… trưng bảng giảm giá trên 50%, có nơi giảm đến 80%. Thế nhưng cao điểm trưa khi chúng tôi "quét một vòng", hầu hết cửa hàng đều vắng lạ. Quản lý cửa hàng thời trang K-Highclass trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) thở dài cho biết: Đã duy trì khuyến mãi sâu từ dịp 11.11 (Ngày độc thân) đến nay, nhưng lượng khách mua sắm so với mọi năm giảm khoảng 20 - 25%. Lúc chúng tôi nói chuyện, chỉ có 2 khách tạt vào coi hàng chớp nhoáng rồi đi ngay, không chọn món nào.

Cửa hàng thời trang H.P cùng tuyến đường này cũng đìu hiu không kém, dù giảm giá từ 60 - 80% trong 9 ngày, từ 22 - 30.11. Cầm đôi giày thể thao hiệu Ecko Unltd đang giảm đến 66% còn 680.000 đồng, bà Phương nâng lên đặt xuống mấy lần trước khi quyết định mua. "Đôi này mới tháng trước sắm cho con 2 triệu đồng tại cửa hàng này. Nhưng mua sắm bây giờ là vì nhu cầu thực sự, chứ mua vì rẻ thì không", bà Phương giải thích.

Khách đìu hiu trong giờ cao điểm ngày Thứ sáu đen
Khách đìu hiu trong giờ cao điểm ngày Thứ sáu đen

Trong các TTTM, không khí mua sắm giảm hẳn so với mấy năm trước. Dạo một vòng các cửa hàng thời trang trong Vạn Hạnh Mall (Q.10), chúng tôi chứng kiến cảnh nhàn nhã của nhân viên bán hàng. "Hầu như tháng nào cũng có chương trình giảm giá, nên có thể ngày Black Friday không còn quá hấp dẫn như trước. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, đa số chọn mua sắm online... nên cũng ảnh hưởng đến lượng khách", quản lý một cửa hàng cho hay.

Hàng nhái trên sàn uy hiếp hàng thật ở chợ

Có một lý do khiến mùa mua sắm cuối năm ảm đạm mấy năm gần đây là do thương mại điện tử (TMĐT) lên ngôi. Một khảo sát từ Cục TMĐT và kinh tế số cho thấy, 80% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tháng, và 60% trong số đó cho biết không còn thấy Black Friday đặc biệt nữa vì các chương trình giảm giá diễn ra quanh năm. Đáng nói, nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái trên mạng cũng được cảnh báo liên tục.

Mới đây, lướt các trang Facebook, TikTok để mua quần áo thể thao, anh Minh Khang, ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), đặt đơn hàng trị giá hơn 1 triệu đồng với nhãn hiệu L. khá nổi tiếng. So sánh giá trên thị trường thì đơn hàng này rẻ chưa tới 50%. Sau khi nhận hàng, anh Khang cho biết chỉ sử dụng được vài lần, logo trên quần áo đã bong tróc. Anh chia sẻ: "Tôi có ít thời gian đi mua sắm nên chủ yếu mua qua mạng, không ít lần gặp phải tình trạng hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là hàng quần áo, gắn nhãn hiệu thời trang nổi tiếng, về chỉ dùng được 2 lần đành bỏ".

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành

Trao đổi với PV Thanh Niên, chị N.D.H, chủ một shop kinh doanh quần áo online, ngụ TX.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), thừa nhận đa số là hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, thi thoảng mới có một cửa hàng kinh doanh quần áo tự thiết kế, tự may. "Hàng "fake" tương đối tốt, uy tín của cửa hàng cũng được nâng cao. Đổi lại, gặp lô hàng tệ quá, bán một lần là mất khách luôn", chị H. nói.

Từ đầu tháng 11 tới nay, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) liên tục kiểm tra, phát hiện lượng lớn hàng giả, hàng nhái tại nhiều cửa hàng trong TTTM, chợ truyền thống. Tại chợ Bến Thành (Q.1), 6 quầy sạp kinh doanh đồng hồ, mắt kính, túi xách được QLTT xác định có dấu hiệu vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu nổi tiếng thế giới như LV, Dior, Gucci, Prada…

Với kênh bán hàng qua online, mới đây, Đội QLTT số 19 (TP.HCM) theo dõi trang Zalo "Giày dép P.L" do ông V.T.P là người đại diện, có dấu hiệu kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại VN. Kiểm tra kho hàng của hộ này tại H.Củ Chi (TP.HCM), QLTT phát hiện 40 đôi dép giả nhãn hiệu Nike được bảo hộ tại VN, tổng trị giá theo giá niêm yết là 6 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ. Đội QLTT số 4 cũng phát hiện và tạm giữ hơn 300 chai nước hoa ngoại nhập, không hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu Gucci, Lacoste, Burberry... với tổng trị giá gần 1,2 tỉ đồng.

"Việc kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái tiếp tục được lực lượng QLTT triển khai trong thời gian tới, nhất là vào những tháng cuối năm 2024, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Mục đích đảm bảo an toàn mua sắm, sức khỏe của người dân; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ người kinh doanh chân chính", Cục QLTT TP.HCM cho biết.

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, chính sách kích cầu, giảm giá đôi khi "bất lực" trước chi phí mà người dân đang gánh chịu, khiến mua sắm giảm giá bị giảm nhiệt. Chưa kể những tỷ lệ phần trăm giảm giá đôi khi chỉ là bề ngoài, bản chất của thị trường là giá cả hàng hóa đang âm thầm tăng. Bên cạnh đó, việc bán hàng online đang nở rộ, hàng gian, hàng giả len lỏi khắp nơi, không bảo đảm chất lượng, cũng khiến việc mua sắm giảm lại.

Vấn nạn hàng gian, hàng giả đang thui chột ý chí mua sắm của người tiêu dùng, làm mất niềm tin, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong giới kinh doanh. Lực lượng QLTT cần triệt phá hành vi gian lận thương mại một cách công tâm, đều đặn và có trách nhiệm nhất có thể.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại

Có thể bạn quan tâm

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.