Thủ tướng khẳng định quan điểm vắcxin cùng với Thông điệp 5K là biện pháp quan trọng hàng đầu để ngăn chặn một cách hiệu quả dịch bệnh COVID-19 cho gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Sáng 2/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2021, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội trong tháng đầu tiên của năm mới Tân Sửu.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp đánh giá kết quả công tác chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Chính phủ; cho rằng công tác tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán của Chính phủ thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, lo cho người dân, hướng về người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, vùng khó khăn, vùng thiên tai để đảm bảo mọi nhà, mọi người đều có Tết đầy đủ, không để bất cứ một người nào, gia đình nào khó khăn, đứt bữa.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, giá cả ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được đảm bảo. Các chương trình văn hóa và nghệ thuật, truyền thông và những hoạt động khác trong dịp Tết được tổ chức tốt. An ninh trật tự trong những ngày Tết được giữ vững.
Số vụ phạm pháp hình sự, những vụ án nghiêm trọng, trọng án ít hơn năm trước, tình trạng đốt pháo được hạn chế.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ biểu dương sự cố gắng lớn lao của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, các địa phương đã tổ chức cho nhân dân đón Tết cổ truyền dân tộc chu đáo.
Cùng với đó, ngay sau Tết, nhiều cuộc phát động ra quân đầu năm thi đua sản xuất kinh doanh; phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
Nhận xét kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tại Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, trực tiếp một phần của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho rằng, với nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay căn bản chúng ta đã kiểm soát được tình hình, trừ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, vẫn còn xuất hiện một số ca nhiễm mới, những địa phương trọng điểm đã được kiểm soát tốt, nhất là những thành phố lớn.
“Đây là một thành công tiếp theo của công cuộc phòng, chống COVID-19 của Việt Nam,” Thủ tướng nói và nhấn mạnh đến Nghị quyết của Chính phủ sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ Chính trị về chủ trương nhập khẩu vắcxin. Nhờ đó, vắcxin nhập khẩu đã về đến Việt Nam.
Thủ tướng tiếp tục khẳng định quan điểm vắcxin cùng với Thông điệp 5K là biện pháp quan trọng hàng đầu để ngăn chặn một cách hiệu quả dịch bệnh COVID-19 cho gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ những kinh nghiệm từ “chống dịch thần tốc, thần tốc hơn nữa” đã được áp dụng mạnh mẽ, nhiều địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ này.
Các ngành Y tế, Công an, Quân đội đã điều động nhiều cán bộ, chiến sỹ đến các địa phương, lăn xả vào công việc để xử lý tình hình dịch bệnh.
Lấy mẫu xét nghiệm cho tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm giai đoạn 2. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Thủ tướng cũng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôn vinh những chiến sỹ áo trắng đi đầu trong trận tuyến phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan. Nếu phát hiện những dấu hiệu nghi nhiễm, cần nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, thần tốc hơn nữa.
"Vắcxin phải được nhanh chóng tiêm cho các đối tượng mà Nghị quyết Chính phủ đã nêu, trước hết là người nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng dễ lây nhiễm," Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Y tế triển khai rộng rãi chủ trương quan trọng này: "Chúng ta sẽ cố gắng tiêm vắcxin tối đa cho người dân Việt Nam. Chúng ta đảm bảo ngân sách, thậm chí có những biện pháp hỗ trợ ngân sách trực tiếp để mọi người dân được tiêm vắcxin. Đây là một yêu cầu rất cần thiết. Ngành y tế các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc vấn đề này một cách nhanh chóng, nhất là những đối tượng mà Chính phủ đã có Nghị quyết."
Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục khoanh ổ dịch ở Kim Thành, Hải Dương mạnh mẽ hơn nữa để cả nước không còn vùng lây nhiễm. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng đầu năm và cả năm 2021. “Ngay trong quý II này là phải có kết quả tích cực,” Thủ tướng yêu cầu.
Đề cập đến những tín hiệu đáng mừng về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tháng 2, Thủ tướng cho biết, sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá. Đặc biệt, xuất nhập khẩu của 2 tháng đầu năm 2021 đạt gần 96 tỷ USD, tăng gần 25%; trong đó xuất khẩu tăng gần 24%.
Tình hình phát triển doanh nghiệp khá tích cực, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4% với số vốn đăng ký tăng 52%.
Những hoạt động kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại sôi động trong trạng thái bình thường mới trên tinh thần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan của Chính phủ, chính quyền các cấp đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ngay sau Tết, trong công tác đối ngoại, Việt Nam đã có những hoạt động ở Liên hiệp quốc với các đối tác quan trọng.
Đề cập đến việc thực hiện chương trình công tác của Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung bàn về những công việc quan trọng, cấp bách cần thực hiện ngay của Chính phủ; đồng thời đề nghị trong phạm vi trách nhiệm của mình, các Bộ trưởng phải tập trung xử lý, giải quyết những công việc còn tồn tại, không để kéo dài.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 2/2021, CPI tăng 1,5% so với tháng trước, đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 2/2021 diễn biến tương đối thuận lợi. Công tác trồng rừng và triển khai “Tết trồng cây” đầu Xuân được tổ chức thiết thực tại nhiều địa phương.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).
Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ sẽ thảo luận về các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là phòng chống hiệu quả dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về các nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2021; kết quả thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, về việc tiếp tục sử dụng số vốn còn lại chưa giải ngân và chưa phân bổ để thực hiện các dự án đầu tư cơ quan đại diện ở nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước…
Theo Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)