Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 2-2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Phiên họp tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Gia Lai chủ trì phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh.

Tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng cán bộ, công chức làm công tác CCHC của Sở Nội vụ.

Các đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: P.D

Các đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: P.D

Tại phiên họp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Thị Thanh Trà nêu báo cáo tóm tắt: Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác CCHC của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các nội dung. Trong năm, các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đề ra 4.142 nhiệm vụ trong kế hoạch CCHC và xác định cụ thể trách nhiệm, thời gian triển khai cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 5.586 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC đã đề ra.

Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, thông thoáng, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được chú trọng. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác cải cách TTHC và phân công Phó Thủ tướng là Tổ trưởng Tổ công tác để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến rõ nét. 20/20 bộ, cơ quan ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 bộ, cơ quan ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Tại các địa phương đã giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương; riêng năm 2023 các địa phương đã giảm 236 đơn vị sự nghiệp công lập.

Về quản lý và tinh giản biên chế, trong năm đã tinh giản 7.151 biên chế, trong đó Trung ương là 146 người, địa phương là 7.005 người. Căn cứ kết quả rà soát số liệu biên chế viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm là công chức tại các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh, bổ sung biên chế với một số bộ, ngành do được giao thêm nhiệm vụ, theo đó đã bổ sung gần 10.500 biên chế công chức cấp xã, bổ sung trên 28.700 biên chế giáo viên cho các địa phương.

Liên quan đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.

Bên cạnh kết quả đạt được, tại phiên họp, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC ở một số nơi còn hạn chế, chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo và chậm đổi mới; người đứng đầu ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC thuộc phạm vi quản lý, dẫn đến hiệu quả chưa cao; một số nơi còn lúng túng, thiếu linh hoạt trong việc chỉ đạo xử lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn... Đồng thời trao đổi, thảo luận, chia sẻ về một số kinh nghiệm sắp xếp các đơn vị hành chính; chuyển đổi số gắn kết với cải cách thủ tục hành chính; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp,...

Tham luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh, công tác CCHC được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và trong năm, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra và duy trì nhiều hình thức tuyên truyền. Tuy nhiên, công tác CCHC tại tỉnh vẫn còn những khó khăn, đến nay, tỉnh chưa hoàn thành việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; một số sở, ngành, địa phương chưa hoàn thành số hóa dữ liệu gốc trong năm 2023, ảnh hưởng đến việc liên thông dữ liệu...

Về nhiệm vụ thời gian tới, tỉnh đã ban hành kế hoạch CCHC năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ, số hóa, kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”; xác định 52 nhiệm vụ trong 7 lĩnh vực và phân công trách nhiệm thực hiện cho từng cơ quan, đơn vị địa phương. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin-Truyền thông thực hiện hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Gia Lai hoàn thành trong quý I-2024 và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: P.D

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: P.D

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện công tác CCHC thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới, yêu cầu công việc cao, nhiệm vụ nhiều, mong muốn của người dân lớn, do đó các bộ, ngành, địa phương cần bám sát nhiệm vụ được giao để tăng tốc và bứt phá, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ đạo, người đứng đầu các bộ, ban, ngành, địa phương cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phải có trọng tâm, trọng điểm nhằm tăng cường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, do đó các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC ở cả 6 lĩnh vực: cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Theo đó tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất-kinh doanh; tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức; trong cải cách chế độ công vụ, tăng cường văn hóa công sở, xây dựng đạo đức công vụ và trách nhiệm người thực thi công vụ; tập trung cho tăng thu, giảm chi thường xuyên, chống tham nhũng, tiêu cực trong sử dụng tài chính công và cơ cấu lại, tăng chi cho đầu tư phát triển; tiếp tục xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đối số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của đại biểu tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo trước khi ban hành.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

(GLO)- Sáng 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.