Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Sáng 26-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân dẫn đầu đoàn Đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, thăm chính thức Hàn Quốc và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai tại Hàn Quốc theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak.
Tham gia đoàn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ; Thứ trưởng các Bộ Ngoại giao, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo một số địa phương.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai tại Hàn quốc diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-3 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp hơn liên quan đến an ninh, an toàn hạt nhân, trong đó có sự cố hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản.
Theo dự kiến, với sự tham dự của trên 50 nước (nhiều hơn Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất được tổ chức tại Hoa Kỳ vào năm 2010, với 47 quốc gia có năng lực hạt nhân tham gia), Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai sẽ là cơ hội để các nước cùng nhìn lại những nỗ lực triển khai các cam kết, khuyến nghị đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất; đồng thời thảo luận những biện pháp tăng cường an ninh, an toàn hạt nhân trong tình hình mới; là diễn đàn để các nước duy trì, củng cố ý chí chính trị đối với việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, thúc đẩy sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân; thảo luận về cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân.
Hội nghị cũng là cơ hội để các nước, nhất là các nước đang phát triển tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp cận công nghệ tiên tiến trong sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân.
Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm khẳng định chính sách nhất quán về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, quảng bá các nỗ lực, biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện sau Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân; qua đó tạo sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ của các nước.
Song song đó, Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng thông qua các cuộc tiếp xúc bên lề Hội nghị. Việt Nam sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai một cách tích cực, chủ động, thể hiện là thành viên có trách nhiệm, đóng góp vào nỗ lực giải quyết một vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị sau Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất tại Hoa Kỳ năm 2010, trong đó có việc nghiên cứu tham gia các điều ước/có chế quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân và tích cực hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các nước trong triển khai chương trình sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 29-3 nhằm tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc.
Chuyến thăm được diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược năm 2009.
Trong thời gian qua, các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra thường xuyên. Hai bên đã quyết định tổ chức “Năm Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc” vào năm nay nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước tiếp tục diễn ra sôi động và duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Liên tục trong nhiều năm, Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Hiện Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký hơn 23 tỷ USD và là đối tác thương mại lớn thứ 4 ở Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương hai nước trong năm 2011 đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng trên 39% so với năm trước; hai nước đang tiếp tục đẩy mạnh quan hệ thương mại, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD vào năm 2015.
Về ODA, Hàn Quốc là nước cung cấp ODA lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật Bản và Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Năm 2011, Hàn Quốc tuyên bố coi Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA và chọn là một trong 26 nước thuộc “Đối tác chiến lược hợp tác ODA” với 3 trọng tâm là tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo TTXVN