Thử nghiệm ca phẫu thuật từ xa đầu tiên trên Trạm vũ trụ ISS

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Virtual Incision nhấn mạnh ca phẫu thuật được coi là một thành công lớn và gần như không có trục trặc nào, cho thấy một bước tiến mới phát triển kỹ thuật phẫu thuật không gian.
Cánh tay robot tham gia ca phẫu thuật từ xa. Nguồn: Virtual Incision

Cánh tay robot tham gia ca phẫu thuật từ xa. Nguồn: Virtual Incision

Vào cuối tuần qua, các bác sỹ phẫu thuật ở Trái Đất đã điều khiển từ xa một robot nhỏ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên như vậy trên quỹ đạo, cho dù chỉ là thử nghiệm trên các mô mô phỏng làm từ cao su.

Robot tham gia cuộc thử nghiệm này, được gọi là SpaceMIRA, do nhà sản xuất công nghệ y tế Virtual Incision (VIC) và Đại học Nebraska phát triển.

Robot được đặt trong một chiếc hộp nhỏ gọn có kích thước bằng lò vi sóng và được đưa lên ISS vào cuối tháng 1 năm nay thông qua một tên lửa đẩy SpaceX.

Vào ngày 8/2 vừa qua, phi hành gia Loral O'Hara của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) - người có mặt trên ISS từ tháng 9 năm ngoái - đã lắp đặt robot này.

Ca phẫu thuật thử nghiệm được tiến hành vào ngày 10/2 từ trụ sở chính của Virtual Incision ở thành phố Lincoln, bang Nebraska.

Thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng 2 giờ với 6 bác sỹ phẫu thuật vận hành robot được trang bị camera và 2 cánh tay.

Virtual Incision cho biết cuộc phẫu thuật này thử nghiệm các kỹ thuật phẫu thuật tiêu chuẩn như nắm, thao tác và cắt mô.

Mô mô phỏng được tạo thành từ các dây cao su. Khó khăn chính là độ trễ thời gian - khoảng 0,85 giây - giữa trung tâm điều hành trên Trái Đất và ISS.

Đối với thí nghiệm đối chứng, quá trình tương tự sẽ được thực hiện với cùng các thiết bị, nhưng trên Trái Đất.

Trong một video được chia sẻ, có thể thấy một cánh tay robot được trang bị kìm đang nắm chặt và kéo căng dải băng, trong khi cánh tay còn lại được trang bị kéo thực hiện một vết cắt - mô phỏng quá trình phẫu thuật.

Virtual Incision nhấn mạnh ca phẫu thuật đặc biệt này được tất cả các bác sỹ phẫu thuật và nhà nghiên cứu coi là một thành công lớn và gần như không có trục trặc nào, cho thấy một bước tiến mới phát triển kỹ thuật phẫu thuật không gian.

Phương pháp này có thể hữu ích đối với các trường hợp cấp cứu y tế trong những hành trình khám phá không gian có người lái kéo dài nhiều năm, chẳng hạn như tới Sao Hỏa.

Thậm chí, phương pháp này còn có thể được sử dụng để phát triển các kỹ thuật phẫu thuật điều khiển từ xa trên Trái Đất, nhằm phục vụ các khu vực hẻo lánh.

NASA, đơn vị hỗ trợ một phần tài chính cho dự án, cho biết với các sứ mệnh không gian có thời gian dài hơn, nhu cầu chăm sóc khẩn cấp có thể tăng lên, bao gồm các hoạt động điều trị y tế từ khâu vết rách đơn giản đến các phẫu thuật phức tạp hơn.

Có thể bạn quan tâm