“Thủ lĩnh tinh thần” của làng Siu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- “Các vụ việc mâu thuẫn trong làng ngày một giảm và tất cả đều được hòa giải thành công. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, làng Siu không có trường hợp tảo hôn, một số hủ tục khác cũng dần được đẩy lùi. Có thể nói vai trò của ông Mrơp là rất lớn”-ông Siu Nam-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Vê (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) giới thiệu về Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm già làng Rah Lan Mrơp.

Mỗi khi tiếp nhận vụ việc cần hòa giải, ông Mrơp thường dựa vào tính chất vụ việc để xác định thời gian, thành phần tham gia. Ông thông báo với tổ hòa giải mà bản thân cũng là thành viên để cùng tham gia và tiến hành hòa giải vào buổi sáng. Với những mâu thuẫn nhỏ, ông tranh thủ chiều muộn đến nhà, gặp gỡ từng người để phân tích đúng-sai. “Sau một ngày, công việc gác lại, tiết trời mát mẻ giúp con người bình tâm, bớt nóng nảy”-ông Mrơp nói về lý do lựa chọn thời điểm hòa giải. Và tất cả những mâu thuẫn trong làng dù đơn giản hay phức tạp, chỉ cần có sự tham gia của ông đều được giải quyết êm thấm, không kéo dài quá 2 ngày.

“Người Jrai mình khi xảy ra mâu thuẫn có thể cãi nhau, thậm chí đánh nhau nhưng khi đã uống rượu, bắt tay làm hòa là không còn xích mích gì nữa. Trước đây, đất đai chưa có bìa đỏ, ranh giới lại không rõ ràng, rồi nhận thức của bà con còn hạn chế nên cứ 2-3 ngày lại xảy ra mâu thuẫn. Mình ăn cơm, uống rượu hòa giải còn nhiều hơn cơm nhà. Giờ khác rồi, vài ba tháng mới có 1 vụ, chủ yếu mâu thuẫn gia đình do người chồng uống rượu, thiếu kiềm chế lời nói, hành động... Những lúc như thế, mình phải tách cả hai ra, chờ bình tĩnh lại mới phân tích, giải thích để họ hiểu”-ông Mrơp chia sẻ về vai trò “cầm cân nảy mực” ở làng.

“Thủ lĩnh tinh thần” của làng Siu ảnh 1

Tranh thủ mọi lúc mọi nơi, ông Rah Lan Mrơp (thứ 2 từ trái sang) tuyên truyền, vận động dân làng tập trung lao động sản xuất, chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Phương Dung

Đặc biệt để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, giúp thế hệ tương lai của làng phát triển khỏe mạnh, ngoài tuyên truyền, vận động, ông còn họp làng, thống nhất một số hình phạt mang tính răn đe. “Hộ nào có con tảo hôn sẽ chịu phạt trước làng 2 triệu đồng, người mai mối cũng bị phạt với số tiền tương tự. Sau khi nộp phạt, nếu vẫn cố tình tổ chức đám cưới, làng sẽ báo sự việc lên xã và những đám cưới như thế, cán bộ của làng tuyệt đối không tham gia, dù có là người thân quen. 2 năm nay, làng chưa phạt hộ nào vì không có trường hợp vi phạm”-ông Mrơp khiêm tốn nói.

Tự hào khi nói về “thủ lĩnh tinh thần” của làng, ông Kpuih Blin cho hay: “Có tin tưởng thì dân mình mới bầu ông làm già làng chứ. Cái gì chưa biết, chưa hiểu, mình đến nhà hỏi mà đã hỏi thì phải nghe. Nhờ có ông ấy dân làng đã thay đổi nhiều, người chết không còn chôn chung; đám tang trước đây tổ chức cả tuần giờ giảm xuống chỉ còn 2 đêm”.

Ghi nhận những đóng góp cho cộng đồng, năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho ông Mrơp vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư giai đoạn 2020-2022.

Với thâm niên hơn 20 năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận và 13 năm giữ trọng trách già làng nhưng ông Mrơp nhận thấy bản thân phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Ông bộc bạch: “Lúc trước thì đi nhiều, còn giờ mình phải đọc nhiều, học nhiều. Mình phải có kiến thức, phải hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới truyền đạt đầy đủ, chính xác đến bà con; người dân thắc mắc mình mới giải đáp, trả lời được. Vì vậy, khi có giấy triệu tập tham gia các lớp tập huấn, mình gác hết mọi việc để tham gia”.

Trong các cuộc họp, ông Mrơp nhắc các hộ dân phải tập trung lao động sản xuất, chung tay xây dựng nông thôn mới và giữ gìn an ninh trật tự trong làng. “Gia đình nào có con chưa đủ tuổi mà điều khiển xe gắn máy tham gia giao thông hoặc đủ tuổi mà chạy xe nẹt pô, đánh võng... ông đều đến tận nhà, gặp gỡ người thân và thanh-thiếu niên để nhắc nhở”-ông Blin nói thêm.

“Thủ lĩnh tinh thần” của làng Siu ảnh 2

Ông Mrơp (bên phải) trò chuyện cùng dân làng. Ảnh: Phương Dung

Làng Siu có 103 hộ, trong đó có 88 hộ dân tộc thiểu số. Đến nay, làng vẫn còn 26 hộ nghèo, 52 hộ cận nghèo. Số hộ nghèo, cận nghèo trong làng còn cao là điều khiến ông Mrơp luôn trăn trở.

“Làng đang huy động người dân đóng góp để làm hệ thống đèn đường nhưng vẫn chưa thống nhất được kinh phí. Nếu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ thêm thì công việc thuận lợi hơn. Trong làng không còn tình trạng chôn chung nhưng bà con chôn người chết tự phát ngoài rẫy, ảnh hưởng đến môi trường sống. Làng rất mong chính quyền sớm quy hoạch khu nhà mồ để phục vụ nhu cầu của dân”-ông Mrơp bày tỏ mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

“Người cha” của những sinh linh bị chối bỏ

“Người cha” của những sinh linh bị chối bỏ

(GLO)- Có lẽ vì chữ duyên, chữ nghiệp nên ông Nguyễn Phương Phụng đã gánh lấy công việc mà người bình thường chỉ nghĩ tới đã nổi gai ốc-chăm coi gần 40 ngàn mộ đồng nhi ở Nghĩa trang TP. Pleiku. Đó cũng là những sinh linh bị chối bỏ quyền sống từ khi trong bụng mẹ được ông và những người thiện tâm đưa về chôn cất, cho các cháu “một cõi đi về”.

“Mẹ hiền” của học trò vùng khó

“Mẹ hiền” của học trò vùng khó

(GLO)- Hồi trống tan trường vang lên, cô Nguyễn Thị Như Yến-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) lại đưa những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa thông thạo tiếng Việt về nhà dạy miễn phí. Công việc này đã được cô tự nguyện duy trì suốt 16 năm qua với ước mong thắp sáng tương lai cho học trò vùng khó.
Nữ cán bộ Đoàn đa năng

Nữ cán bộ Đoàn đa năng

(GLO)- Năng nổ, trách nhiệm và sáng tạo là nhận xét của nhiều giảng viên, học sinh, sinh viên (HS-SV) dành cho cô Nguyễn Thị Thảo-Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và hỗ trợ HS-SV, Phó Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Gia Lai. Trong 10 năm gắn bó với nhà trường, cô Thảo đã góp phần đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên đi vào nền nếp, hoạt động có chiều sâu.

Bệnh viện Quân y 15 vì sự hài lòng của người bệnh

Bệnh viện Quân y 15 vì sự hài lòng của người bệnh

(GLO)- Với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và người dân trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện Quân y 15 (Binh đoàn 15) không chỉ tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, đào tạo chuyên môn, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh (KCB) cho đội ngũ y-bác sĩ mà còn chú trọng rèn luyện y đức, kỹ năng giao tiếp, thái độ ứng xử, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
"Nhà tư vấn tâm lý" học trò

"Nhà tư vấn tâm lý" học trò

(GLO)- Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người“, cô Nguyễn Thị Đông Hải-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh. Để rồi, trên hành trình gian nan mà không kém phần hạnh phúc của nghề giáo, cô đã trở thành “nhà tư vấn tâm lý“ của nhiều học trò bằng chính trái tim bao dung và sẻ chia.