Lan tỏa yêu thương
Đang đêm, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Phương (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) gọi điện thoại cho tôi chia sẻ về trường hợp bệnh nhân Siu Char (SN 1968) ở xã Ia Vê, huyện Chư Prông. Ông Char bị bệnh tâm thần, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Vừa qua, ông chẳng may bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, gãy chân, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe của ông Char ổn định nên được xuất viện.
“Trường hợp này khổ quá em ạ. Chị đang gọi điện xin mọi người hỗ trợ cho ông. Em biết ai thì vận động giúp nhé”-chị Phương nói qua điện thoại.
Hầu như ngày nào, chị Phương cũng gọi vài cuộc điện thoại xin hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. Nhiều người không hiểu nói chị vơ việc vào người, có biết bao nhiêu bệnh nhân nghèo khó khăn, làm sao mà giúp hết được... Tuy nhiên, chị vẫn âm thầm làm tốt công việc của mình và hết lòng giúp đỡ bệnh nhân. Dần dà, việc làm của chị được mọi người hiểu ra, Mạnh Thường Quân tin tưởng, không cần chị gọi điện mà định kỳ chuyển tiền để chị giúp đỡ bệnh nhân nghèo.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Phương trao tiền hỗ trợ của Mạnh Thường Quân cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: Như Nguyện |
Gắn bó với nghề điều dưỡng hơn 20 năm nay thì cũng chừng ấy thời gian chị Phương đồng hành cùng bệnh nhân nghèo. “Nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng lại không có thẻ bảo hiểm y tế, mình xin tiền đóng viện phí, mua thẻ bảo hiểm y tế cho họ. Bệnh nhân không có tiền xe chuyển viện thì đề nghị Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Không chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà cả bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Tâm thần kinh cần giúp đỡ mình cũng liên hệ với các Mạnh Thường Quân để họ hỗ trợ”-chị Phương chia sẻ.
Là một trong những bệnh nhân được chị Phương giúp đỡ, anh Nguyễn Hữu Thành (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) xúc động nói: “Tôi là bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã 6 năm nay, mỗi tuần chạy thận 3 lần. Hàng ngày, chị Phương đều kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ tặng quà cho bệnh nhân. Chúng tôi cảm kích tấm lòng của chị ấy lắm”.
Đồng hành cùng bệnh nhân nghèo
Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có hơn 200 bệnh nhân suy thận mãn tính đang điều trị. Nhiều bệnh nhân gắn sự sống của mình với bệnh viện bởi căn bệnh suy thận mãn tính bắt buộc họ phải chạy thận hàng tuần. Người ít thì 2 lần/tuần, người nhiều thì 3-4 lần/tuần. Do bệnh tật phải điều trị liên tục nên nhiều trường hợp rơi vào cảnh khó khổ, thậm chí là suy kiệt. Nhiều hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo, không có tiền thuê chỗ trọ, phải chọn cách tá túc tại hành lang bệnh viện.
Bác sĩ Huấn (bìa phải) thăm hỏi các bệnh nhân suy thận mãn tại khu nhà ở mới được cải tạo. Ảnh: Như Nguyện |
Bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Trong quá trình khám-chữa bệnh, với những hoàn cảnh khó khăn, đội ngũ y-bác sĩ thường tìm cách liên hệ với các Mạnh Thường Quân nhờ hỗ trợ về tài chính. Bác sĩ Huấn, điều dưỡng viên Phương là những người đi đầu trong công tác từ thiện nhân đạo, làm cầu nối để giúp đỡ bệnh nhân khó khăn. Việc làm ấy thật đáng trân trọng, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người thầy thuốc tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân.
Chứng kiến nỗi khổ của những bệnh nhân nghèo, bác sĩ Nguyễn Công Huấn (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đề xuất với Ban Giám đốc Bệnh viện cho cải tạo khu bếp cũ để làm bếp ăn phục vụ bữa cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo, đồng thời sửa chữa làm nơi nghỉ ngơi cho bệnh nhân và người nhà.
Sau một thời gian chuẩn bị, với sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, từ tháng 6-2022, khu bếp cũ đã được cải tạo, sửa sang, có giường, nệm, quạt, có nơi nghỉ ngơi tránh mưa gió và có cả những bữa cơm ấm lòng duy trì đều đặn ngày 2 lần từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Ban đầu, bếp ăn phục vụ khoảng 100 suất ăn miễn phí/ngày, nay tăng lên khoảng 350 suất phục vụ bệnh nhân nghèo suy thận mãn tính và những bệnh nhân ung thư, bệnh hiểm nghèo.
Chị Ksor Hri (làng Plei Tel A, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) cho hay: Hai chị em chị đều bị suy thận mãn tính và chạy thận đã 3-4 năm nay, 1 tuần chạy 3 lần. Nhà xa nên 2 chị em tá túc tại bệnh viện. “Có sự tiếp sức của bác sĩ Huấn nên chị em tôi cũng yên tâm phần nào. Chúng tôi biết ơn bác sĩ nhiều lắm”-chị Hri tâm sự.
Nói về việc mình làm, bác sĩ Huấn cho rằng anh chỉ là cầu nối. Bởi nếu không có các nhà hảo tâm giúp đỡ thì cũng chẳng thể làm nên việc. “Mong mọi người tiếp tục đồng hành, duy trì bữa ăn giúp bệnh nhân đỡ phần vất vả lo toan khi điều trị tại bệnh viện”-bác sĩ Huấn bày tỏ.