Trước đây, cũng như nhiều hộ dân ở vùng đất khó Ia Rong, cuộc sống của gia đình bà Nay H’Jui gặp nhiều khó khăn. Cái đói, cái nghèo luôn rình rập từng ngày dù vợ chồng bà rất chịu khó, đi làm thuê khắp nơi. Bà H’Jui cho hay: “Lúc ấy, vợ chồng mình có 2 sào ruộng và 5 sào đất trồng cây ngắn ngày nhưng thu nhập không đủ ăn. Dù vợ chồng mình cật lực đi làm thuê nhưng cũng không thể lo cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn”.
Với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, năm 2013, bà vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển kinh tế. Theo bà H’Jui, thời điểm đó, hồ tiêu là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình đầu tư trồng 100 trụ với hy vọng đổi đời. “Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của các hộ xung quanh nên vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 3 năm, vườn hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch với năng suất khá cao, mỗi trụ được hơn 5 kg, với giá bán tại thời điểm đó gần 200 ngàn đồng/kg, mình không chỉ trả được nợ ngân hàng mà còn đầu tư mở rộng thêm diện tích. Tuy nhiên, sau 2 năm thu hoạch thì vườn hồ tiêu bắt đầu nhiễm bệnh chết hàng loạt, nguồn thu nhập chính không còn, đời sống gia đình tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn”-bà H’Jui kể lại.
Gia đình bà Nay H’Jui thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm từ trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh: Quang Tấn |
Không nản lòng, bà H’Jui lại tiếp tục tìm tòi, học hỏi những cách làm hay của những hộ dân trên địa bàn để tìm cách phục hồi kinh tế gia đình. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bà nhận thấy mô hình nuôi dê sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Nghĩ là làm, năm 2018, bà mua 10 con dê sinh sản để nuôi. Đến nay, bà đã mở rộng quy mô chuồng trại, nhân đàn lên hơn 20 con. Trung bình mỗi lứa bà xuất bán 7-10 con dê với giá dao động 120-150 ngàn đồng/kg, lãi gần 100 triệu đồng.
Không chỉ nuôi dê sinh sản, bà H’Jui còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ diện tích cây hồ tiêu chết, bà chuyển sang trồng cà phê, cây ăn quả và áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc. Nhờ đó, năng suất cây trồng luôn đạt cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. “Bên cạnh nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi dê, gia đình cũng bắt đầu có thêm nguồn thu từ cây ăn quả xen trong vườn cà phê. Với 400 cây cà phê, 60 cây sầu riêng, 80 cây nhãn và 300 cây chuối, hàng năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu về khoảng 300 triệu đồng”-bà H’Jui phấn khởi cho biết.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà H’Jui còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động do địa phương tổ chức. Đặc biệt, hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà tiên phong cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ xã tích cực tuyên truyền, vận động dân làng. Đồng thời, bà cũng sẵn sàng hỗ trợ người dân trong làng về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhất là vốn để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Bà Kpuih H’Linh-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rong-cho hay: “Bà Nay H’Jui là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế của làng Bê Tel nói riêng và xã Ia Rong nói chung. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà rất phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ học hỏi kinh nghiệm từ bà Nay H’Jui nói riêng và các điển hình phát triển kinh tế nói chung. Từ đó, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hay, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”.