Mạch ngầm trong lòng đất nóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- 37 năm tuổi Đảng và trải qua 5 vị trí công tác, ông Kpă Jao (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) như mạch nước ngầm lặng thầm mang đến cho vùng đất của cây lúa rẫy những đổi thay có tính cách mạng trong nếp nghĩ, cách làm.

Nào có xa xôi gì, chỉ mới cuốc bộ được chừng nửa cây số mà lưng áo tôi đã dâm dấp mồ hôi. Krông Pa mùa này chỉ sang trưa một chút là đã có cảm giác bức bối. Trên đường tìm đến nhà Kpă Jao, tôi đã phải chật vật lục tìm trong trí nhớ, rằng hình như tôi đã gặp ông? Cuối cùng thì ký ức cũng chợt lóe lên. Phải, tôi đã gặp ông nhưng mà đã hơn hai chục năm rồi. Chẳng là dạo đó, cái tin Kpă Jao tiên phong đưa cây lúa nước, cây mì, thuốc lá về xã rồi bỏ công thuyết phục, chỉ bảo cho từng nhà làm theo đã làm tôi tò mò pha lẫn chút ngạc nhiên. Vậy là, không chút do dự, tôi xuống tìm ông. Rủi cho tôi hôm đó ông phải đi có việc gấp, vậy là chỉ kịp bắt tay hẹn dịp khác. Chẳng ngờ cái “dịp khác” ấy lại kéo mãi cho tới bây giờ.

Vẫn là khu vườn cũ nhưng một bên hông nhà mát rượi bóng tre Bát Độ, trông ra cánh đồng lúa ngăn ngắt xanh. Không gian rười rượi những cơn gió lướt về từ cánh đồng ăm ắp nước. Một nơi sống thật lý tưởng giữa vùng đất nắng gió lại càng có ý nghĩa khi nó cũng chính là nơi ông đã khởi động cho bà con những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm.

Ông Kpă Jao và cánh đồng lúa nước "lịch sử". Ảnh: Ngọc Tấn

Ông Kpă Jao và cánh đồng lúa nước "lịch sử". Ảnh: Ngọc Tấn

“Vạn sự khởi đầu nan”

Những năm mới giải phóng, buôn Chính Đơn (tên cũ của buôn Chính Hòa) đói lắm. Chưa đến mùa phát rẫy mà nhà ai cũng hết lúa ăn. Cứ chiều chiều, nơi mấy gốc cây có bóng mát trong buôn, người già, con nít lại xúm hết lại đưa cặp mắt bồn chồn ngó ra đường ngóng người nhà đi đào củ mài về. Ngóng cho đỡ buồn con mắt chứ biết tìm củ mài khó lắm, phải vào trong núi nên con gà vừa nhảy xuống đất kiếm ăn đã phải đi. Trước còn đỡ, giờ nhiều nhà đi, chỗ nào cũng chi chít hố sâu như con mắt đói. Đào cả ngày có khi chỉ được mươi củ bằng cán dao, đủ nấu được bữa cháo muối. Bao nhiêu năm rồi, tình cảnh ấy dường như ai cũng chỉ còn biết chấp nhận, bấm ngón tay chờ đến lúc ông trời đổ mưa.

Giọng ông Kpă Jao thoáng một chút trầm buồn khi nhớ về chuyện cũ: “Chẳng phải riêng bà con trong buôn, vợ chồng mình bấy giờ cũng đói. Cùng đi bộ đội về rồi cưới nhau, vợ chồng với 4 đứa con lít nhít mà cũng như dân làng chỉ biết trông vào cây lúa rẫy. Năm nào giỏi làm, được mùa thì cũng thiếu ăn 3-4 tháng. Vẫn biết cứu cánh chỉ có thể là cây lúa nước nhưng ngặt nỗi bấy giờ lại chẳng biết gì về nó. Thật may, giữa lúc đó, xã có ý cử mình đi Kon Tum học sơ cấp nông nghiệp. Mình đồng ý đi liền. Cơ hội này mà bỏ lỡ thì không bao giờ còn mong hết đói được nữa”.

Tin Kpă Jao bừa đất làm lúa nước khiến cả buôn Chính Đơn xôn xao. Ai cũng đến tận nơi xem thử. Nhìn Kpă Jao quần áo lấm lem bùn đất, hết hùng hục bừa đất, rắc phân rồi cắm cúi cấy lúa, ai cũng lắc đầu. Có người bảo: Làm lúa nước nhiều việc mà việc nào cũng khó thế này, làm cây lúa rẫy chỉ chọc cái lỗ, bỏ hạt xuống rồi làm cỏ là có ăn, không sướng hơn à? Người khác thì nói: Làm lúa nước người lúc nào cũng như con trâu vấy bùn, cực nhọc lắm. Nhưng ông Kpă Jao vẫn quyết tâm làm. Vận dụng những kỹ thuật học được, ông quyết chăm cho 7 sào lúa thật tốt, tin chắc kết quả nhìn thấy tận mắt sẽ thay cho sự thuyết phục, vận động dù có đến trăm lần cũng chỉ như nước đổ lá môn.

Những con trăng dài như leo núi đi qua rồi cũng tới ngày lúa chín. Hôm thu hoạch, Kpă Jao báo tin cho mọi người trong buôn đến xem. Lúa rẫy, ai giỏi làm cũng chỉ được 5 tạ/ha nhưng 7 sào lúa nước của Kpă Jao được tới 60 bao, tức 3 tấn. Nhìn đống lúa to lù trước mặt, những lời bàn tán sôi lên như họp chợ. Kpă Jao quyết định làm một bữa rượu mừng lúa mới đãi dân làng. Rượu ngấm, ý nghĩ cũng ngấm: Muốn no thì phải chịu khó làm theo cái mới thôi. Ông Ma Nhúi-anh ruột Kpă Jao là người đầu tiên giơ tay xin làm theo. Rồi sau đó là lần lượt những cánh tay khác.

Ông Kpă Jao vui vẻ: Ai chịu làm sẽ đến tận ruộng chỉ từng việc như đã hứa lúc đầu. Vậy là phải gác bỏ việc nhà, thậm chí lúc ăn cơm cũng không được yên. Vợ trách: “Đang không lại làm cái việc “ôm rơm vào bụng”, ông chỉ cười. Ông hiểu đã nhen lên được phong trào, một người thất bại, thoái chí cũng làm lây người khác. Sự nhiệt tình của ông đã biến điều tưởng như không thể hóa dễ với mọi người. Kịp đến khi có nguồn nước của công trình thủy lợi Ia Mlah thì phong trào làm lúa nước đã lan ra toàn xã.

Thành công với cây lúa nước, ông Kpă Jao bắt đầu nghĩ đến điều xa hơn. Làm lúa chỉ giải quyết được cái đói chứ không hết nghèo được. Muốn thoát nghèo phải trồng cây mì, cây thuốc lá như các nơi khác đang làm. Lúc này, ông lại đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã nên thấy mình càng phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc giúp bà con thoát nghèo. Cây mì thì bà con đã trồng từ bao đời nay nhưng là giống mì gòn, chỉ dùng để ăn và ủ rượu. Nay nghe Kpă Jao vận động trồng giống mì mới ai cũng nghi ngại. Nói sang cây thuốc lá lại càng khó hơn. Nào tưới nước, bón phân, phun thuốc; lại còn làm lò sấy, giữ lửa sao cho lá thuốc đẹp màu… mới nghe đã nhức hết cả đầu. “Lại cũng như lúa nước, mình phải làm gương trước thôi”-ông Kpă Jao tự nhủ.

Nhân có ông Tri ở Phú Cần đang tìm người có đất để hợp đồng trồng cây thuốc lá, ông Kpă Jao lập tức đến rủ ông. Qua 2 mùa, nhờ sự chỉ bảo tận tình của ông Tri, ông Kpă Jao đã nắm chắc được kỹ thuật canh tác. Để không mất thời gian đến chỉ bảo từng người như làm lúa nước, ông “tập huấn tập thể” bằng cách kêu người đi làm công cho mình. Cứ mỗi ngày công “tập huấn”, mỗi người được Kpă Jao trả 1 kg gạo, 5 ngàn tiền công. Có tiền, có gạo lại được bày tỉ mỉ cách làm mì, làm thuốc lá, ai cũng tranh nhau xin làm. Mỗi ngày, khoảng 10-12 người được “tập huấn” bằng cách như thế, chẳng bao lâu phần lớn buôn Chính Đơn đã thành thạo cách trồng cây thuốc lá, cây mì.

“Những năm ấy, tôi làm ăn hăng say lắm. Không chỉ làm cho mình hết nghèo, còn phải làm để nêu gương cho bà con nữa. Năm cao nhất, tôi trồng 4 ha thuốc lá, 1 ha lúa rẫy, 9 sào lúa nước, hơn chục ha mì, chăn nuôi hàng chục con bò. Mỗi năm, gia đình thu hàng trăm triệu đồng. Riêng thuốc lá, có năm thu 150 triệu đồng, tương đương 20 cây vàng thời điểm bấy giờ”-ông Kpă Jao kể.

Vai nào cũng gánh

Căn phòng khách của gia đình ông Jao xà ngang, xà dọc lẫn 4 bức vách đều treo kín bằng khen, giấy khen. Bắt đầu là nhân viên thống kê rồi cán bộ Văn phòng UBND xã, tiếp đó là 4 năm làm Trưởng Công an xã, 10 năm là Xã đội trưởng, 15 năm là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã; 9 nhiệm kỳ là Đảng ủy viên và đại biểu HĐND xã. Bất kỳ nhiệm vụ nào được phân công, ông cũng sẵn sàng gánh vác. Đặc biệt, 15 năm giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, ông luôn được công nhận là cán bộ Mặt trận tiêu biểu.

Ông Kpă Jao. Ảnh: Ngọc Tấn

Ông Kpă Jao. Ảnh: Ngọc Tấn

Sự độc đáo trong nghệ thuật vận động, hòa giải của ông là kết hợp một cách khéo léo giữa luật tục truyền thống và pháp luật. Về điều này, ông kể cho tôi nghe một vụ việc tiêu biểu: Một thanh niên bên buôn Prông mới mua chiếc điện thoại. Mấy người bạn ở buôn Hòa Mỹ muốn xem nhưng cậu này không cho. Nghĩ rằng cậu này lên mặt hợm của, họ giật lấy chiếc điện thoại và “tước” luôn 400 ngàn đồng. Tức khí, cậu này chạy về buôn kéo mấy chục thanh niên cầm dao, gậy sang buôn Hòa Mỹ “hỏi tội”. Không chịu lép, thanh niên bên Hòa Mỹ cũng tập hợp mấy chục người đánh lại. Cuộc hỗn chiến làm náo động cả 2 buôn. Phó Chủ tịch UBND xã đến can thiệp cũng không sao vãn hồi được trật tự.

Nghe tin, ông Kpă Jao lập tức tìm đến. Thái độ bình tĩnh, lý lẽ cứng rắn mà mềm dẻo của ông làm 2 đám thanh niên dịu dần rồi phải chịu giải tán. Để giải quyết triệt để mâu thuẫn, ông yêu cầu bên có lỗi phải chịu phạt bằng việc tổ chức uống rượu hòa giải; sau đó hai bên ký cam kết xóa bỏ xích mích.

“Chẳng có gì là to tát đâu, mình chỉ làm những điều mình thấy phải làm thôi mà”-ông Kpă Jao cười khiêm tốn. Tôi tò mò ngắm thân hình chắc nịch, gương mặt khoáng đạt đầy kiên nghị của ông. Gió từ cánh đồng lúa nước ông tạo dựng buổi ban đầu vẫn miên man trong cái nắng trưa bức bối. Tôi cảm giác những cơn gió như thổi qua bao mạch đất từng thấm vị mồ hôi mặn vì buôn làng của một con người.

Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Cán bộ cơ sở “hai giỏi”

Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Cán bộ cơ sở “hai giỏi”

(GLO)- Không chỉ sản xuất giỏi, ông Nguyễn Văn Nghĩa-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Hòa (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết, thực hiện tốt các phong trào, hoạt động ở địa phương.
Công ty 75 giúp dân ổn định cuộc sống

Công ty 75 giúp dân ổn định cuộc sống

(GLO)- Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty 75 (Binh đoàn 15) đã có những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp để giúp người dân trên địa bàn đứng chân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng vùng biên giới vững mạnh, bình yên.
Ông Phạm Đình Luyến: Từ lính đặc công đến giải thưởng “Phú Riềng Đỏ”

Ông Phạm Đình Luyến: Từ lính đặc công đến giải thưởng “Phú Riềng Đỏ”

(GLO)- Cuối năm 2022, tại lễ kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Ngày truyền thống ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929-28/10/2022), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trao giải thưởng “Phú Riềng Đỏ” cho 13 cá nhân, trong đó có ông Phạm Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh. Đây là giải thưởng tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc và cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển Tập đoàn.
Hiệu trưởng hết lòng với học sinh khó khăn

Hiệu trưởng hết lòng với học sinh khó khăn

(GLO)- Gần 19 năm gắn bó với ngành Giáo dục huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), thầy giáo Bùi Công Năm luôn chủ động góp sức làm cầu nối kêu gọi Mạnh Thường Quân tài trợ kinh phí, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến trường.

“Blouse trắng” nặng lòng với bệnh nhân nghèo

“Blouse trắng” nặng lòng với bệnh nhân nghèo

(GLO)- Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn, vất vả của bệnh nhân nghèo, một số y-bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã chủ động kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng để hỗ trợ hàng ngàn lượt người bệnh.

Ông Trần Văn Tư: Làm Công đoàn như dâu trăm họ

Ông Trần Văn Tư: Làm Công đoàn như dâu trăm họ

(GLO)- Ông Trần Văn Tư-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Pleiku đã có nhiều cách làm hay trong vận động doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn và phát triển đoàn viên, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Với nhiều đóng góp, ông Tư được LĐLĐ tỉnh, Công đoàn cấp trên ghi nhận và đánh giá cao.

“Thủ lĩnh tinh thần” của làng Siu

“Thủ lĩnh tinh thần” của làng Siu

(GLO)- “Các vụ việc mâu thuẫn trong làng ngày một giảm và tất cả đều được hòa giải thành công. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, làng Siu không có trường hợp tảo hôn, một số hủ tục khác cũng dần được đẩy lùi. Có thể nói vai trò của ông Mrơp là rất lớn”-ông Siu Nam-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Vê (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) giới thiệu về Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm già làng Rah Lan Mrơp.

Bác sĩ Trần Kế Toán: Giỏi chuyên môn, giàu y đức

Bác sĩ Trần Kế Toán: Giỏi chuyên môn, giàu y đức

(GLO)- Với 30 năm công tác, bác sĩ chuyên khoa II (CKII) Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực y tế. Anh miệt mài học tập, nghiên cứu khoa học, đồng thời ứng dụng và triển khai các kỹ thuật mới, tiên tiến trong lĩnh vực tim mạch giúp người dân thuận lợi khi khám-chữa bệnh ngay tại tỉnh, giảm chi phí điều trị.

Bác sĩ Phạm Chí Quang vững chuyên môn, tâm huyết với nghề

Bác sĩ Phạm Chí Quang vững chuyên môn, tâm huyết với nghề

(GLO)- Gắn bó với ngành Y tế huyện Phú Thiện từ ngày đầu thành lập (năm 2009) đến nay, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đã góp sức tạo nên sự thay đổi mang tính bước ngoặt đối với hệ thống y tế địa phương.

“Chuyên gia sáng kiến” của Công ty Cao su Chư Prông

“Chuyên gia sáng kiến” của Công ty Cao su Chư Prông

(GLO)- 37 năm làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông (tỉnh Gia Lai) cũng là từng ấy thời gian ông Nguyễn Hoàng Tuấn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến của ông đều được đánh giá cao về khả năng ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị, được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng.
Những cô đỡ tận tụy vì cộng đồng

Những cô đỡ tận tụy vì cộng đồng

(GLO)- Hiện nay, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn thói quen sinh đẻ tại nhà. Chính vì vậy, đội ngũ cô đỡ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho thai phụ, giúp nhiều bà mẹ có thai kỳ an toàn và góp phần giảm thiểu tai biến sản khoa.

Chi hội trưởng phụ nữ giàu lòng thiện nguyện

Chi hội trưởng phụ nữ giàu lòng thiện nguyện

(GLO)- Không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong công tác, chị Trần Thị Huệ-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 2 (thị trấn Kbang) còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Những việc làm của chị đã giúp đỡ nhiều mảnh đời kém may mắn vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
“Người cha” của những sinh linh bị chối bỏ

“Người cha” của những sinh linh bị chối bỏ

(GLO)- Có lẽ vì chữ duyên, chữ nghiệp nên ông Nguyễn Phương Phụng đã gánh lấy công việc mà người bình thường chỉ nghĩ tới đã nổi gai ốc-chăm coi gần 40 ngàn mộ đồng nhi ở Nghĩa trang TP. Pleiku. Đó cũng là những sinh linh bị chối bỏ quyền sống từ khi trong bụng mẹ được ông và những người thiện tâm đưa về chôn cất, cho các cháu “một cõi đi về”.

“Mẹ hiền” của học trò vùng khó

“Mẹ hiền” của học trò vùng khó

(GLO)- Hồi trống tan trường vang lên, cô Nguyễn Thị Như Yến-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) lại đưa những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa thông thạo tiếng Việt về nhà dạy miễn phí. Công việc này đã được cô tự nguyện duy trì suốt 16 năm qua với ước mong thắp sáng tương lai cho học trò vùng khó.