Thu bạc triệu nhờ đót rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi những tia nắng ấm áp chìm dần sau rặng núi là lúc những người “săn đót” lại lục tục quay về làng, tiếng cười nói gọi nhau giòn tan trong gió. “Mùa đót, nếu chịu khó mỗi ngày cũng có thể kiếm được 150-200 ngàn đồng. Với bà con ở làng mình, thu nhập như vậy là khá lắm”-anh Đinh Văn Vương (làng Kruối, xã Phú An, huyện Đak Pơ) vui vẻ nói.
 

 Người dân chất đót lên xe đem bán. Ảnh: H.M
Người dân chất đót lên xe đem bán. Ảnh: H.M

Vào mùa thu hoạch đót, vợ chồng anh Hồ Sĩ Vị và chị Trần Thị Đức (làng Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) lại tất bật lên rừng hái đót. Gắn bó với nghề ngót 20 năm, anh chị có chút vốn liếng nên kiêm thêm việc thu mua đót của người dân trong làng. “Trước Tết Nguyên đán đã có nhiều người đi bứt đót để bán kiếm tiền mua quần áo mới cho con và mua sắm Tết. Giá đót năm nay cao hơn các năm trước 1-2 ngàn đồng/kg. Đót tươi hiện có giá 5-6 ngàn đồng/kg. Mua về phơi khô, bóc lớp vỏ áo bán cho thương lái giá 20-21 ngàn đồng/kg. Từ đầu vụ đến giờ, mình thu mua gần 2 tấn đót khô. Anh Vị đi bứt cũng được cả tấn đót tươi. Tiền bứt đót của chồng cũng được cả chục triệu đồng, chưa kể khoản lời từ thu gom đót của người làng”-chị Đức phấn khởi chia sẻ.

Hai mươi năm trước, vì cuộc sống ở Bình Định quá khó khăn, vợ chồng chị Đức quyết định đưa nhau lên Gia Lai làm thuê. Những ngày không có việc, vợ chồng chị theo người trong làng lên rừng bẻ đót về bán. Dành dụm được chút vốn, anh chị nghĩ tới việc đứng ra thu mua đót của bà con để bán lại cho thương lái. “Tích cóp và bán đót, vợ chồng tôi mua được mảnh đất, sau mua thêm rẫy. Chắt chiu 2 năm sau xây được nhà rồi tiếp tục mua xe máy, ti vi… Con gái khi ấy vừa đến tuổi lớn, nhờ nghề này, vợ chồng tôi có tiền lo cho cháu học nghề và sắm đồ mở tiệm cắt tóc, mua bò lai về nuôi. Con bò giống ấy giờ đã nhân lên thành 3 con. Phần tiền này dành lo cho đứa con đang học đại học năm nhất”-chị Đức tâm sự.

Mỗi vụ đót về, người dân các làng: Chai, Kruối (xã Yang Bắc) và Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) hồ hởi rủ nhau lên rừng hái đót. Nhờ lộc rừng, nhiều gia đình có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Chở trên xe bó đót lớn, anh Đinh Văn Vương (làng Kruối, xã Phú An) cho hay, hôm nay chỉ có mình vợ đi bẻ đót. Tối về làng sợ nặng, anh đánh xe đón vợ và chở đót về. “Vợ tôi cân được 37 kg. Nếu bán với giá 5 ngàn đồng/kg cũng có gần 200 ngàn đồng đấy. Ở làng không dễ có việc gì thu nhập 200 ngàn đồng mỗi ngày như thế này đâu”-anh Vương cười lớn.

Mùa đót chỉ kéo dài trên dưới 2 tháng, khi đót trổ bông gần như chạy đua với thời gian. Phải chọn những bông đót non màu xanh rêu, mềm mịn, nếu bông đót già ngả vàng và rẽ cành thì thương lái ít mua. Ở xã Phú An vẫn còn nhiều cánh rừng chưa bị con người xâm lấn canh tác, bởi vậy, người dân các làng xung quanh may mắn được “lộc rừng” là đót. Bứt đót thường mất cả ngày, phải chuẩn bị cơm, nước, bao tay, dây cột và các vật dụng cần thiết khác. Phải có đàn ông để mang vác, lái xe, mình phụ nữ sẽ rất cực. Đót năm nay ít hơn mọi năm, lại mọc rải rác, vì vậy mất rất nhiều công sức. “Riêng từ đầu vụ đót tới nay, mình hái bán được gần chục triệu đồng rồi”-anh Vương phấn khởi cho biết.

Vợ chồng anh Đinh Văn Bay (làng Kruối, xã Phú An) cũng hòa cùng dòng người lên rừng tìm đót. “Mỗi ngày, một người hái được 35-40 kg đót tươi. Vợ chồng mình tranh thủ hái đót lo cho hai đứa con ăn học. Đứa bé nhà mình đang học lớp 9, con trai lớn đang học Trường Trung cấp Nghề Gia Lai nên chi phí mỗi tháng không ít. Chỉ 6 sào mía, 8 sào mì thôi không đủ, nên phải lăn lộn làm thêm việc”-anh Bay chia sẻ.

Mùa đót về mang bao niềm vui cho người dân, song người tìm hái ngày càng đông trong khi rừng ngày càng hẹp lại. Muốn có nhiều đót, người hái phải vào những khu rừng xa, ít người tìm đến. Vất vả và hiểm nguy rình rập bởi đường sá xa xôi trắc trở, côn trùng, rắn rết có thể tấn công bất cứ lúc nào. Vậy nhưng vì cuộc mưu sinh, những người hái đót vẫn cần mẫn như những con ong chăm chỉ. “Có những hôm phải lặn lội 20-30 km đường rừng, xe máy leo ngược những con dốc, khe suối… mới tìm được chỗ nhiều đót. Hái đót vất vả và nguy hiểm nên phải đi cả vợ chồng để chia sẻ cùng nhau”-anh Bay nói.

Ông Đinh Văn Cao (Trưởng thôn Đê Chơ Gang, xã Phú An) cho biết, làng có 100 hộ với trên 500 nhân khẩu, phần lớn trồng lúa, mì, bắp, chăn nuôi bò, dê đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Mỗi khi mùa đót về, nhiều người vào rừng hái đót để có thêm thu nhập. “Hái đót cho thu nhập khá tốt, lại không làm ảnh hưởng tới tài nguyên rừng. Tuy nhiên để phòng-chống cháy rừng, thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân cẩn trọng củi lửa trong quá trình lên rừng hái đót bởi mùa thu hoạch đót trùng với mùa khô”-ông Cao nhấn mạnh.

 Hải Minh

Có thể bạn quan tâm

Chị Lê Thị Thúy Nga (tổ 1, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) tranh thủ mua sắm trong giờ nghỉ trưa. Ảnh: T.N

Săn sale dịp Tết

(GLO)- Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, nhiều người tiêu dùng có thói quen “săn sale” bởi đây là cách tiết kiệm hiệu quả cả về chi phí lẫn thời gian, nhất là vào những dịp lễ, Tết.

Người trồng hoa Tết thấp thỏm chờ giá tăng

Người trồng hoa Tết thấp thỏm chờ giá tăng

(GLO)- Nhờ gieo trồng đúng mùa và chăm sóc tỉ mỉ, những bông lay ơn, huệ, vạn thọ, cúc... đua nhau khoe sắc. Tuy nhiên, giá bán chỉ bằng một nửa so với mọi năm, các nhà vườn ở đây đang thấp thỏm mong chờ bán được giá cao những ngày sát Tết.

Gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (làng Ia Sa) đã vươn lên làm giàu nhờ trồng mía. Ảnh: Đ.Y

Nông dân Hbông làm giàu từ cây mía

(GLO)- 7 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã vươn lên làm giàu từ cây mía. Trong đó, nhiều hộ trồng mía có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.