Thổi hồn cho tượng gỗ Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những bức tượng gỗ mô tả về đời sống, sinh hoạt của người Tây Nguyên bên hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt) những ngày này đã thu hút sự chú ý của  đông đảo du khách. Từ đôi bàn tay và khối óc, những nghệ nhân đã tạo ra được những bức tượng chỉ bằng những dụng cụ giản đơn, thô sơ nhất.

Nghệ nhân A Gông và A Ya (người Xơ Đăng) trình diễn nghệ thuật tạc tượng bên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt
Nghệ nhân A Gông và A Ya (người Xơ Đăng) trình diễn nghệ thuật tạc tượng bên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt


Đến với không gian Thiên đường Tây Nguyên trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2022, người dân Đà Lạt và du khách đã được chìm đắm trong không gian văn hóa bản địa Tây Nguyên với những ngôi nhà truyền thống được vận chuyển, lắp đặt kỳ công; chiêm ngưỡng bộ sưu tập hơn 5.000 cổ vật văn hóa và chứng kiến sự kết hợp đầy nghệ thuật của tranh, đầy màu sắc của tơ lụa Vietnam Silk House lần đầu tiên được dệt tay bởi người đồng bào dân tộc Tây Nguyên để tạo ra những sản phẩm mới mang giá trị của thời trang cao cấp và nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật đặc sắc.
 
Vượt khoảng cách gần 500km, từ huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, những nghệ nhân đã đem đến triển lãm ngôi nhà rông Măng Đen, hình ảnh người phụ nữ dệt thổ cẩm, đan lát, nghệ nhân đẽo tượng gỗ… Một sự kết hợp quy mô, ý nghĩa của hai địa phương Nam - Bắc Tây Nguyên.

 

Mỗi bức tượng được tạc là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo
Mỗi bức tượng được tạc là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo

 
Vừa chăm chú từng động tác vừa kiên nhẫn với những tò mò của du khách, nghệ nhân ưu tú A Gông (Người dân tộc Xê Đăng) giải thích, trong kho tàng văn hóa đời sống của nhân dân các dân tộc ở Kon Tum, tạc tượng gỗ dân gian được biết đến như một loại hình nghệ thuật độc đáo. Nghệ thuật tạo hình mang sắc thái riêng được thể hiện qua những qua kiến trúc nhà rông, nhà ở, những hình ảnh đời sống của con người lao động, gần gũi với thiên nhiên, hay cả những vật nuôi gần gũi với đời sống của con người...
 
Vì là nghệ thuật dân gian, tượng gỗ được sử dụng rộng rãi, dùng để trang trí trong nhà hoặc trưng bày, tô điểm cho nhà rông, các điểm giao lưu văn hóa địa phương… Và dẫu những pho tượng gỗ dân gian được tạc đẽo thô mộc, nhuốm màu của thời gian, mưa nắng vẫn mang trọn vẹn sắc thái, hồn cốt của con người và những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, thể hiện thông điệp về tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên cây cỏ…


 

Những tác phẩm điêu khắc tượng gỗ về tập tục, văn hoá Tây Nguyên được gói gọn trong phạm vi một cây gỗ tròn, mọi chi tiết thể hiện tác phẩm đều không được chắp nối
Những tác phẩm điêu khắc tượng gỗ về tập tục, văn hoá Tây Nguyên được gói gọn trong phạm vi một cây gỗ tròn, mọi chi tiết thể hiện tác phẩm đều không được chắp nối
Các nghệ nhân đẽo tượng cho hay, mỗi bức tượng gỗ là một câu chuyện sinh động về văn hóa, một lát cắt lịch sử trong tiến trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc
Các nghệ nhân đẽo tượng cho hay, mỗi bức tượng gỗ là một câu chuyện sinh động về văn hóa, một lát cắt lịch sử trong tiến trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc


 
Gần 20 năm cầm rìu đục, với nghệ nhân A Gông, cái khó nhất vẫn ở khâu định hình, phác họa chủ đề trên khối gỗ sao cho kích thước cân đối, sắp đặt hợp lý các bộ phận của cơ thể và đặc biệt là thể hiện cái hồn trên gương mặt tượng gỗ.
 
Hơn 20 tượng gỗ mà anh mang đến triển lãm Thiên đường Tây Nguyên khá đa dạng với các chủ đề về con người, người mẹ mang gùi đến mẹ cho con bú, mẹ bồng con, cha mẹ đi làm rẫy, đàn ông cầm rìu đi rừng, ông già đánh cồng chiêng, ông già cầm giáo, bà già giã gạo, bà già xách nước…


 

Du khách thích thú chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm bên cả trăm bức tượng gỗ Tây Nguyên bên hồ Xuân Hương thơ mộng
Du khách thích thú chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm bên cả trăm bức tượng gỗ Tây Nguyên bên hồ Xuân Hương thơ mộng


“Mình rất vui khi được khách du lịch tìm hiểu rất nhiều về công việc này. Tượng gỗ giản dị, gần gũi vẫn được chế tác nhờ bàn tay khéo léo của nghệ nhân để sử dụng trong lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Ngoài năng khiếu nghệ thuật, óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo còn cần có đức tính cẩn thận, kiên trì và nhẫn nại. Và quan trọng nhất là phải đam mê để từ từ tập luyện sao cho mỗi bức tượng đều mang được trọn vẹn cái hồn qua hình dáng cơ thể và khuôn mặt”, anh A Gông nói.
 
Chị Hằng Nga, một du khách tới từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ “Mình không ngờ chỉ với một vài dụng cụ đơn giản mà các nghệ nhân có thể tạo ra những bức tượng có hồn, sinh động như vậy. Thật sự ngưỡng mộ tài năng của các nghệ nhân”.


 

Khi chiêm ngưỡng các bức tượng gỗ, du khách có thể nhận thấy các sinh hoạt, văn hoá, tập tục của bà con dân tộc Tây Nguyên được tái hiện sống động
Khi chiêm ngưỡng các bức tượng gỗ, du khách có thể nhận thấy các sinh hoạt, văn hoá, tập tục của bà con dân tộc Tây Nguyên được tái hiện sống động


Điểm đặc biệt của không gian Thiên đường Tây Nguyên trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần này chính là 5.000 hiện vật, trong đó có hàng trăm bức tượng gỗ sống động gây ấn tượng mạnh tới du khách, người dân thưởng lãm. Ông Đặng Minh Tâm - chủ nhân bộ sưu tập đồ sộ cho biết đó là quá trình 44 năm ông lặn lội khắp nơi sưu tập, trong đó có cả trăm bức tượng gỗ quý giá.
 
Không chỉ là một nhà sưu tập hiện vật văn hoá Tây Nguyên có tiếng trước nay, ông Tâm còn là một nghệ nhân điêu khắc tượng gỗ dân gian lành nghề. Ông đã đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết vào việc chế tác tượng về các hoạt động cộng đồng nguyên thủy của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và đến nay, số lượng lên đến hàng trăm tác phẩm.
 
Ông Tâm chia sẻ, tượng gỗ của đồng bào Tây Nguyên rất khác so với tượng của các dân tộc ở những vùng miền khác. Điểm khác biệt khi mình điêu khắc thì việc đẽo gọt tượng phải thể hiện một cách  đơn giản, thô sơ nhất. Tuy nhiên, khi nhìn ngắm lại toát lên được cái hồn của tượng, cái hồn của con người vùng đất Tây Nguyên trong từng sinh hoạt thường nhật, cho tới lễ hội, phong tục, cảnh vật hay muông thú.
 


http://baolamdong.vn/tin-anh/202211/thoi-hon-cho-tuong-go-tay-nguyen-3146260/

Theo HỒNG THẮM - CHÍNH THÀNH (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.