Thiêng liêng mùa hiếu hạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ lâu, đại lễ Vu lan vào dịp rằm tháng 7 đã ăn sâu vào nếp sống gia đình của người Việt, thể hiện nét văn hóa hướng về cội nguồn. Những ngày này, đồng bào Phật giáo trong tỉnh Gia Lai tổ chức nhiều hoạt động phát huy giá trị nhân văn sâu sắc của Vu lan báo hiếu tứ ân, góp phần thực hiện nếp sống “tốt đời-đẹp đạo”.

Trò chuyện cùng P.V về sự tích ngày lễ Vu lan, Tiến sĩ-Hòa thượng Thích Tâm Tường-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Gia Lai, Thành viên Ban Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai-chia sẻ: “Xưa kia, ngài Mục Kiền Liên là một đại đệ tử của Đức Phật. Sau khi tu hành chứng được 6 phép thần thông, tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, ngài trở về và được Phật chỉ dạy chờ đến rằm tháng 7 là ngày tự tứ của chư tăng mười phương, với công đức sâu dày qua mùa an cư kiết hạ, thanh tịnh chuyên tâm tu hành, thỉnh nhờ chư tăng cầu nguyện cho vong linh mẹ thoát khổ đau, báo đáp công ơn. Nhờ công đức chí thành và đạo hạnh vô lượng của các bậc chư tăng, mẹ ông được siêu thoát về cảnh giới lành. Từ đó về sau, rằm tháng 7 trở thành đại lễ báo hiếu”.

Quang cảnh Đại lễ Vu lan Phật lịch 2567 tại tịnh xá Ngọc Như, huyện Chư Păh. Ảnh: T.N

Quang cảnh Đại lễ Vu lan Phật lịch 2567 tại tịnh xá Ngọc Như, huyện Chư Păh. Ảnh: T.N

Theo Hòa thượng Thích Tâm Tường, trong tất cả các ân nghĩa mỗi người thọ nhận thì ân nghĩa cha mẹ là sâu nặng hơn cả. Đức Phật dạy, ý nghĩa đúng đắn và đầy đủ của sự báo hiếu không những chỉ dừng ở lễ Vu lan. Công ơn cha mẹ như trời biển, làm con suốt đời báo đáp ơn cha mẹ vẫn không đủ. Báo hiếu không ngoài 2 phương diện là vật chất và tinh thần. Trong đó, báo hiếu về tinh thần là căn bản nhất, phải làm cho cha mẹ được yên vui, thanh thản trong hiện tại và cả tương lai.

Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Vu lan không còn đơn thuần ý nghĩa tôn giáo mà đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình lễ bông hồng cài áo thiêng liêng và sâu sắc. Tự hào và hạnh phúc khi cha mẹ còn tại thế, được cài lên ngực áo đóa hoa hồng đỏ thắm, bùi ngùi xúc động hơn khi mất mẹ và nhận đóa hồng trắng... Nét văn hóa ấy đã được thể hiện qua giai điệu thâm trầm sâu lắng với những ca từ xúc động chan chứa tình mẫu tử trong nhạc phẩm “Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: “Một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn...”.

Ông Đỗ Văn Tuất (thôn 2, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Trong cuộc sống, vợ chồng tôi luôn dạy bảo các con sống có nền nếp, làm ăn lương thiện”. Còn bà Ngô Thị Hạnh (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) thì cho biết: “Tôi cảm thấy rất mãn nguyện vì con cháu có việc làm và cuộc sống ổn định, gia đình êm ấm, hạnh phúc. Trong dịp đại lễ Vu lan, tôi nhắc nhở con cháu sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà tổ tiên và làm nhiều việc thiện”.

Qua tìm hiểu được biết trong dịp đại lễ Vu lan năm nay, nhiều chùa, tịnh xá trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, giúp đỡ hộ nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: tịnh xá Ngọc Lai (huyện Ia Grai), chùa Linh Trung (huyện Đak Đoa), tổ đình tịnh xá Ngọc Phúc, chùa Bửu Nghiêm, chùa Bửu Châu, chùa Vạn Phật, chùa Bửu Sơn, chùa Bửu Thắng (TP. Pleiku)…

Đồng bào dân tộc thiểu số tham dự Đại lễ Vu Lan Phật lịch 2567 tại Chùa Phước Viên ở xã H’Bông, huyện Chư Sê. Ảnh: Thanh Nhật

Đồng bào dân tộc thiểu số tham dự Đại lễ Vu Lan Phật lịch 2567 tại Chùa Phước Viên ở xã H’Bông, huyện Chư Sê. Ảnh: Thanh Nhật

Hòa thượng Thích Từ Vân-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai: “Đại lễ Vu lan Phật lịch 2567-Dương lịch 2023 diễn ra trước thềm dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2023). Theo giáo lý Phật giáo truyền thống, trong ý nghĩa Vu lan báo hiếu tứ ân còn có ân quốc gia và dân tộc. Đó là chú trọng giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn các thế hệ cha anh, các liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho quê hương đất nước được an bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài giá trị về mặt tôn giáo, ý nghĩa xã hội của Vu lan còn nhắc nhở mỗi người phải luôn làm tròn bổn phận của mình, xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, nghĩa vụ của người công dân đối với Tổ quốc”.

Đại đức Thích Quảng Phước-Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Chư Sê cùng các phật tử, Mạnh Thường Quân của chùa Mỹ Thạch (thị trấn Chư Sê) và chùa Phước Viên (xã Hbông) đã đến thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí cho gia đình ông Kpui Bel (làng Tel, xã Ia Hlốp) và ông Đinh Vel (làng Ring Răng, xã Dun). Theo đó, mỗi gia đình được hỗ trợ 11 triệu đồng tiền mặt và phần quà trị giá 1 triệu đồng. Đây là 2 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang nuôi con nhỏ và có người thân bị bệnh hiểm nghèo.

Tịnh xá Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) vừa bàn giao nhà ở cho hộ ông Siu Năm ở làng Quen, xã Dun. Căn nhà mới có diện tích hơn 50 m2, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống của gia đình. Kinh phí xây dựng hơn 60 triệu đồng do phật tử tại tịnh xá đóng góp và Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Ông Siu Năm bày tỏ: “Tôi xin gửi lời cảm ơn tịnh xá Phú Cường, các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương đã quan tâm giúp đỡ. Gia đình tôi cố gắng làm ăn để ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo”.

Có thể bạn quan tâm

Bình dị ngày Tết ở làng

Bình dị ngày Tết ở làng

(GLO)- Không rộn ràng, tấp nập, mùng 3 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Ia Băng (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) nhẹ nhàng, bình dị song vẫn đong đầy yêu thương.

Chuyện chưa kể về du kích Puih Glớ

Chuyện chưa kể về du kích Puih Glớ

(GLO)- Qua lời kể của Đại tá Phan Anh Tuấn-nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai, chúng ta hiểu thêm về chiến công của du kích Puih Glớ, người đã hạ máy bay Mỹ trong thời kỳ chiến tranh.

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Ở nước ta, không ít làng quê nuôi rắn hay chế biến thịt rắn. Nhưng với sự tích gắn với con rắn và cách chế biến các món ăn từ loài rắn thì làng Lệ Mật có nét độc đáo riêng không lẫn với bất kỳ đâu.

Mưu sinh ngày cuối năm

Mưu sinh ngày cuối năm

(GLO)- Chiều cuối năm, khi hầu hết mọi người quây quần bên gia đình chuẩn bị đón thời khắc Giao thừa thì vẫn còn nhiều người đang miệt mài mưu sinh để nhặt nhạnh thêm thu nhập lo Tết cho gia đình.

Những món quà Xuân ấm lòng người dân vùng khó

Những món quà Xuân ấm lòng người dân vùng khó

(GLO)- Ngày cận Tết, giữa tiết trời se lạnh, người dân vùng khó tỉnh Gia Lai được sưởi ấm hơn khi đón nhận những phần quà từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Đây là việc làm ý nghĩa, phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc, góp phần giúp dân làng đón Tết cổ truyền thêm ấm áp.

Công nhân Công ty 72 thu hoạch mủ cao su. Ảnh: T.T

Ân tình 72

(GLO)- Hơn 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) đã biến vùng đất cằn cỗi, hoang hóa trở thành nơi bạt ngàn cao su, cà phê, chung tay góp sức giúp người dân miền biên viễn gầy dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ngôi nhà chung của những người đam mê bonsai

Ngôi nhà chung của những người đam mê bonsai

(GLO)- Vừa qua, Câu lạc bộ (CLB) Bonsai cây cảnh nghệ thuật Gia Lai được thành lập theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 7-11-2024 của UBND tỉnh. Đây được xem là “ngôi nhà chung” của những người đam mê loại hình nghệ thuật bonsai.

Chị Ksor H’Bloan (thứ 3 từ phải sang) được Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn-TNHH một thành viên hỗ trợ xây nhà “Mái ấm Công đoàn”. Ảnh: U.N

Tết ấm cho đoàn viên, người lao động

(GLO)- Với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Gia Lai đã tổ chức linh hoạt, đa dạng các hình thức chăm lo phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.

Ngày hội Xuân đoàn kết-Tết sum vầy ở làng Tung Breng

Ngày hội Xuân đoàn kết-Tết sum vầy ở làng Tung Breng

(GLO)- Chiều 21-1, tại làng Tung Breng (xã Ia Krăi, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), Công ty 715 (Binh đoàn 15) tổ chức Ngày hội “Xuân đoàn kết-Tết sum vầy”, “Gian hàng 0 đồng” phục vụ người lao động, bà con nhân dân vùng biên giới dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.