Thêm 5 ca Covid-19 mới, 3 ca liên quan "ổ dịch" Bệnh viện Bạch Mai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong số 5 ca mắc Covid-19 được phát hiện chiều 28-3 có 3 ca bệnh có liên quan đến "ổ dịch" Bệnh viện Bạch Mai. Tổng số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam lên 174, trong đó ngày hôm nay 28-3 thêm 11 ca mới.
Bộ Y tế cho biết đến 18 giờ ngày 28-3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 của Việt Nam lên 174. Ba trong số đó liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), 1 ca có thời gian sống trong cộng đồng và 1 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hiện thực hiện
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hiện thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập" sau khi có 9 ca mắc Covid-19- Ảnh: Văn Duẩn
Ca bệnh 170 (BN170) là bệnh nhân nam, 27 tuổi (địa chỉ tại Định Hoá, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) làm nghề lao động tự do. Đầu tháng 3-2020, bệnh nhân làm trần thạch cao trong khu đô thị mới của Vingroup ở huyện Gia Lâm. Tại đây, bệnh nhân ở cùng 4 người, hàng ngày chủ yếu tiếp xúc với 4 người này và một người giám sát trông công trình. Thời điểm này, bệnh nhân khỏe mạnh, không ho, không sốt.
Khoảng ngày 14 và 15-3, bệnh nhân biết tin bố ốm nên về quê. Bệnh nhân bắt xe grab (nhưng không đặt xe trên điện thoại) từ Gia Lâm đến bến xe Giáp Bát. Lúc 9 giờ 30, bệnh nhân lên xe của nhà xe Đức Long và về đến nhà khoảng 12 giờ cùng ngày. Bệnh nhân ở nhà và không đi đâu trong thời gian khoảng 5-6 ngày (không ho, không sốt, không khó thở). 
Đến sáng ngày 20-3, bệnh nhân cùng hai người chú thuê xe đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình để chuyển bố lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Khoảng 12 giờ cùng ngày, bố của bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân và bố ở đây khoảng 1,5-2 giờ, sau đó bố của bệnh nhân được chuyển đến Khoa Tiêu hoá ở tầng 3. Từ ngày 20 đến 22-3, bệnh nhân đến mua và ăn cơm 5 lần ở quầy số 1 căng-tin Bệnh viện Bạch Mai.
Sáng ngày 22-3, bệnh nhân đi xe ôm từ Bệnh viện Bạch Mai tới bến xe Giáp Bát, 9 giờ 30 lên xe Đức Long và về đến quê lúc 12 giờ, vợ ra đón về. Tối cùng ngày, bệnh nhân bị sốt 38,5 độ C, được anh vợ chở vào Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn tối ngày 23-3. 
Vào 10 giờ 30 ngày 25-3, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả ban đầu dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ca bệnh 171 (BN171) là nữ, quốc tịch Việt Nam, 19 tuổi, là du học sinh tại Mỹ, có địa chỉ tại phường 11, quận 10, TP HCM. Bệnh nhân từ Mỹ về, quá cảnh ở Philippines, nhập cảnh Việt Nam ngày 13-3. Khi nhập cảnh, bệnh nhân không có triệu chứng và được yêu cầu cách ly tại nhà. 
Ngày 24-3, Trung tâm Y tế Quận 10, TP HCM tiến hành lấy mẫu theo diện điều tra cộng đồng những người từ Mỹ và Đông Nam Á trở về. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM kết luận mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với virus SARS-Cov-2 vào ngày 28-3. 
Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại nhà.
Ca bệnh 172 (BN 172) là nữ quốc tịch Việt Nam, là con dâu bệnh nhân số 133, chăm sóc bệnh nhân 23 ngày. 
Hiện nay bệnh nhân không ho, không sốt, không khó thở.
Ca bệnh 173 (BN 173) là nữ, quốc tịch Việt Nam, sống và làm việc Moscow (LB Nga) về nước ngày 25-3, được chuyển đến khu cách ly tập trung tại trường Đại học FPT ở Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 
Bệnh nhân xuất hiện sốt khoảng 38 độ C, kèm theo ho nhiều, đau mỏi người, đã được nhập viện.
Ca bệnh 174 (BN 174) là nữ, quốc tịch Việt Nam. Bệnh nhân làm việc tại nhà ăn Bệnh viện Bạch Mai, có tiếp xúc với nhiều người. Hai ngày nay bệnh nhân xuất hiện sốt từng cơn, sốt nóng 38,6 độ C, ho húng hắng có đờm trắng , không chảy nước mũi, không đau mỏi người, đã được nhập viện.
Hiện Bệnh viện Bạch Mai là "ổ dịch" lớn nhất cả nước với 12 bệnh nhân Covid-19 được xác định có liên quan đến bệnh viện này. Các chuyên gia cho rằng có 3 nguy cơ lây nhiễm Covid-19: Từ những người cung cấp dịch vụ; từ người chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện và từ nhân viên y tế.
Bộ Y tế khuyến cáo: Từ 0 giờ ngày 28-3 bắt đầu áp dụng việc hạn chế đi lại và các quy định chặt chẽ của Chính phủ nhằm ngăn chặn việc lây lan bệnh Covid-19. Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện tốt 5 điểm sau đây:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.
Theo N.Dung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.