Thầy giáo Chử Anh Đào: "Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Chiến đấu” là từ mà nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà giáo Chử Anh Đào thường dùng mỗi khi có dịp hội ngộ trên đất Gia Lai. Hơn 3 năm nay, ThS. Chử Anh Đào vướng bệnh hiểm nghèo. Cuối tuần, tôi đến thăm ông ở số 130 Lê Thánh Tôn (TP. Pleiku), nhà giáo hưu trí vẫn ngồi bên máy tính. Ông cười: “Tết nay, mình viết được 3 bài báo. Con người ta sống chết có số cả, mình sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.
Chử Anh Đào là bút danh, còn tên khai sinh của ông là Chử Lương Đào. Giấy tờ đều ghi sinh năm 1956 nhưng ông ra đời sau đó 1 năm, tại Lâm Thao, Phú Thọ. Ông bảo, chẳng phải tài giỏi gì, nhưng ngày bé thích đi học sớm nên gia đình khai tăng cho 1 tuổi. Theo hệ 10 năm, 16 tuổi, vào đại học; 20 tuổi, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Cùng năm đó, ông và nhiều bạn đồng khóa vào Gia Lai-Kon Tum nhận công tác.
Thạc sĩ Chử Anh Đào kể: Tháng 9-1977, ông cùng gần 10 tân cử nhân hẹn nhau ở Ga Hàng Cỏ (Hà Nội) lên tàu vào Nam. Xuống Ga Diêu Trì (tỉnh Bình Định), họ bắt xe ngược lên Pleiku. Giữa mùa mưa, thị xã Pleiku khi đó trong mắt những người lần đầu lên cao nguyên thật ái ngại, nếu không muốn nói là buồn.
Tuy thế, với một tâm hồn đa cảm, Chử Anh Đào ngay từ phút đầu tiên đã nhận ra những nét trân quý của vùng đất mới. Người thầy giáo ấy thấy thương những đoàn bà con Jrai, Bahnar đeo gùi đi bộ dọc đường. Ông biết họ vừa đi qua chiến tranh, đời sống vật chất còn muôn vàn khó khăn. Nhưng có lẽ, Chử Anh Đào vào thời điểm ấy chưa ý thức được rằng, những con người lam lũ ấy sẽ trở thành nhân vật trong các tác phẩm sau này của mình.
Dù đang điều trị bệnh, ThS. Chử Anh Đào vẫn đọc và viết mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Dù đang điều trị bệnh, ThS. Chử Anh Đào vẫn đọc và viết mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông được phân về Trường Trung học Sư phạm Gia Lai-Kon Tum. Là cơ sở do chế độ cũ để lại nhưng nhà cửa phần lớn mới được xây dựng cách đó vài năm. Ông ngạc nhiên khi lần đầu tiên nghe những người phục vụ được thu dung sau ngày 17-3-1975 gọi mình là “giáo sư” thay vì thầy giáo. Đến bữa, “giáo sư” không phải xuống nhà ăn tập thể mà có “nhân viên” bưng đến tận phòng ở. Lá thư đầu tiên viết cho gia đình, ông đã có những nhận xét rất tốt về nơi mình đang làm việc, đặc biệt là cách ứng xử của các cô bác, anh chị nhà bếp, gác cổng.
Nhiều năm sau này, người ta biết đến một Chử Anh Đào ngay thẳng và mạnh mẽ trong tính cách, một người vui bạn vui bè, cả nể, thích trà và rượu.
Chử Anh Đào tâm sự: Cả nể nhưng ông luôn kiên trì theo đuổi những việc yêu thích. Hồi sinh viên, để có tài liệu học tập, đồng thời thỏa mãn niềm đam mê văn hóa Tây Nguyên, ông đã chép tay toàn bộ cuốn Trường ca Đam San.
Sau này, dù bận bịu đến mấy, kể cả khi đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai (2001-2016), là Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh (2004-2011), ông vẫn giữ nguyên niềm đam mê thuở ban đầu. Mấy chục năm qua, Chử Anh Đào luôn ở trạng thái sẵn sàng đi và viết, bao gồm cả gặp gỡ nhiều “tầng lớp Nhân dân” như cách ông diễn đạt. Ông khẳng định: Bạn bè không thể rời xa; sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo lại càng không thể bỏ.
So với nhiều người chọn viết lách làm công việc chính, Chử Anh Đào vẫn có những đóng góp nổi bật. Bởi, ông vừa là nhà giáo, nhà quản lý bận bịu nhưng cũng đồng thời là người viết đa dạng về thể loại và có những thành công nhất định.
Năm 1986, ông là người “đầu têu” để Sở Giáo dục Gia Lai-Kon Tum khi ấy cho ra đời tập thơ văn chọn lọc “Lung linh ngọn lửa” của nhiều tác giả. Cùng với việc công bố tác phẩm trên các tập san, tạp chí, năm 1989, ông xuất bản cuốn văn xuôi đầu tiên mang tên “Sao mọc”. Những năm sau đó, Chử Anh Đào tiếp tục cho ra mắt bạn đọc gần chục tác phẩm gồm: 2 tập truyện ngắn “Người đàn bà đi trên đường”, “Bức tranh hình vân cẩu”; 2 tập phê bình văn học “Tự thú trước vầng trăng”, “Khúc “đồng dao cho người lớn”; 2 tập tạp văn “Mẹ quê”, “Hồn cây cỏ” và tập ký “Những làng ma tôi đã đi qua”.
Để phục vụ công tác giảng dạy, từ rất sớm, Chử Anh Đào đã là tác giả hoặc đồng tác giả của nhiều công trình có giá trị như: “Phương pháp giảng dạy tiếng Việt cấp 2 phổ thông cơ sở” (1992); các tài liệu giảng dạy ở bậc cao đẳng về tác phẩm chữ Hán, mỹ học, tiếng Jrai, Bahnar; từ điển các ngôn ngữ bản địa, kiến thức địa phương...
Ngồi với nhau một buổi chiều, dù thỉnh thoảng có thoáng chút ưu tư, nhưng tôi không hề thấy nỗi âu lo trên gương mặt Chử Anh Đào. Ông vẫn nói cười vui vẻ, vẫn thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến văn học địa phương và tình hình giáo dục tỉnh nhà. Ông nói: Chẳng có điều gì phải nuối tiếc, vì tôi đã sống khẩn trương từ thời trẻ, đã làm tất cả những gì có thể, không để uổng phí thời gian…
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.