Thành phố Pleiku: Công trình dang dở do vướng... 1 nhà dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự án nâng cấp, mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) đến nay đã cơ bản hoàn thành, chỉ một đoạn ngay ngã tư giao với đường Phan Đình Giót còn dang dở do 1 hộ dân chưa thống nhất với chủ trương giải tỏa mặt bằng.
Ngày 31-7-2017, UBND TP. Pleiku ra quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Phù Đổng). Theo đó, công trình có tổng chiều dài toàn tuyến gần 827 m; điểm đầu giao với đường Lê Lợi, điểm cuối giao với đường Phù Đổng, thuộc loại công trình giao thông nội thị cấp III. Tổng mức đầu tư công trình trên 23,2 tỷ đồng (chi phí xây dựng gần 17,6 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 415,2 triệu đồng; chi phí tư vấn xây dựng hơn 1,3 tỷ đồng và các chi phí khác) từ nguồn vốn ngân sách thành phố thu tiền sử dụng đất và ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu. Thời gian thực hiện công trình trong 2 năm (2017-2018), do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng TP. Pleiku làm chủ đầu tư, liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên và Công ty cổ phần Phát triển Đại Việt là đơn vị thi công.
 Căn nhà số 40 đường Cách Mạng Tháng Tám hiện vẫn chưa thể giải tỏa để đơn vị thi công thực hiện việc mở rộng đường. Ảnh H.L
Căn nhà số 40 đường Cách Mạng Tháng Tám hiện vẫn chưa thể giải tỏa để đơn vị thi công thực hiện việc mở rộng đường. Ảnh H.L
Ông Đỗ Tiến Giang-Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư: “Ủy ban nhân dân phường sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để hộ bà Trương Thị Nguyệt-ông Phạm Văn Ngọc hiểu và chấp thuận chủ trương trên, thực hiện giải tỏa để việc thi công tuyến đường sớm hoàn thành, đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn. Nếu hộ này vẫn không chấp hành sẽ bị tiến hành cưỡng chế theo quy định”.

Hiện nay, nhà thầu đã cơ bản hoàn tất các hạng mục thi công công trình, ngoại trừ đoạn trước nhà số 40 đường Cách Mạng Tháng Tám do địa phương chưa hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng. Ông Đỗ Tiến Giang-Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư-cho biết: Để nâng cấp, mở rộng tuyến đường có hơn 140 hộ dân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, di dời công trình, vật kiến trúc. Hiện nay, còn 35 hộ có tường rào, cổng ngõ, công trình kiến trúc nằm trong phạm vi chỉ giới chưa được tháo dỡ với diện tích khoảng 400 m2. Trong đó, 20 hộ có giấy tờ pháp lý chứng minh sở hữu phần diện tích đất nằm trong khu vực giải tỏa; 15 hộ đã thực hiện điều chỉnh trên trích lục, hồ sơ nhà đất nhưng còn công trình xây dựng hiện hữu trên đất, chưa thực hiện tháo dỡ công trình, vật kiến trúc. Hầu hết diện tích cần giải phóng mặt bằng này đều thuộc phạm vi thi công vỉa hè. Vướng mắc giải phóng mặt bằng thi công đường chỉ xảy ra ở vị trí căn nhà số 40 đường Cách Mạng Tháng Tám (thuộc thửa đất số 31, tờ bản đồ số 52, đứng tên chủ sở hữu là bà Trương Thị Nguyệt và ông Phạm Văn Ngọc). “Trích lục bản đồ địa chính căn nhà số 40 thể hiện chỉ giới xây dựng tính từ tim đường là 11 m. Căn cứ theo chỉ giới mới của đường Cách Mạng Tháng Tám khi thực hiện nâng cấp, mở rộng tính từ tim đường là 15 m thì hộ bà Trương Thị Nguyệt và ông Phạm Văn Ngọc có 16,7 m2 đất nằm trong chỉ giới. Trên phần diện tích này còn có một phần căn nhà đã được xây dựng từ lâu, thời điểm xây dựng căn nhà phù hợp với quy hoạch tại giai đoạn ấy”-ông Giang nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám được thực hiện trên tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11-8-2011 của Thành ủy Pleiku về “Đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020” và Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27-10-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Pleiku đến năm 2020”. Theo đó, để nâng cấp, mở rộng đường, Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, nhân dân đóng góp thông qua hiến diện tích mặt bằng. Do vậy, diện tích đất trong phạm vi chỉ giới cần giải tỏa không được đền bù mà coi là phần đóng góp của nhân dân. Đối với những trường hợp cụ thể (gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…) thì được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí di dời công trình, vật kiến trúc. “Để tạo sự đồng thuận của người dân, phường đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp nhằm giải thích cho bà con hiểu về chủ trương của thành phố. Thực tế, các hộ trong phạm vi giải tỏa mặt bằng đều thống nhất di dời, hiến đất để mở rộng tuyến đường. Riêng hộ bà Trương Thị Nguyệt và ông Phạm Văn Ngọc không đồng thuận với chính sách trên và yêu cầu có đền bù đối với phần diện tích giải tỏa mở rộng đường”-ông Giang cho biết thêm.
Do chưa thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng đối với căn nhà của vợ chồng ông Ngọc, việc thi công tuyến đường tại vị trí này hiện không thể triển khai. Công trình dang dở đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc lưu thông của người dân, nhất là tại vị trí ngã tư Cách Mạng Tháng Tám-Phan Đình Giót. Vị trí này vốn có lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc và nằm ngay lối rẽ qua đường dẫn vào Siêu thị Co.op Mart Pleiku.
Việc nâng cấp, mở rộng đường Cách Mạng Tháng Tám là cần thiết nhằm tăng khả năng lưu thông, tạo cảnh quan đô thị, nhất là trong điều kiện TP. Pleiku đang nỗ lực để trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Hy vọng rằng, những vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng để hoàn thiện thi công tuyến đường này sẽ sớm được giải quyết.
 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất