(GLO)- Để giúp chiến sĩ trẻ nguôi đi nỗi nhớ nhà trong những ngày đầu quân ngũ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở thuộc Phòng Chính trị tổ chức chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ với tân binh.
Tiểu đoàn Bộ binh 50 (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tiếp nhận 485 tân binh đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sau hơn 2 tuần trong quân ngũ, những chàng trai đã dần quen với cuộc sống ở đơn vị. Dù không ai nói ra nhưng cảm giác xa nhà, nhớ người thân đôi lúc khiến họ cảm thấy bùi ngùi, xao xuyến. Đặc biệt, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người thân của chiến sĩ không được đến đơn vị để thăm như những năm trước. Chính vì thế mà những chương trình văn nghệ được tổ chức đã phần nào làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân của họ. Cũng nhờ đó, các tân binh hòa nhập nhanh với môi trường mới qua những lời ca, tiếng hát.
Một tiết mục văn nghệ của tân binh. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trên chuyến xe chở các diễn viên của Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở lên biên giới lần này có sự khác biệt, vì là ngày cuối tuần nên có thêm 3 vị khách nhỏ tuổi. Các cháu là con của diễn viên trong đoàn. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Ksor Chiêm cho biết: “Tôi và chồng đều công tác trong quân đội. Mấy ngày nay, chồng trực chiến, không ai chăm con nên tôi dẫn cháu theo. Dẫu gian khổ nhưng tôi vẫn rất vui vì được phục vụ các tân binh. Họ không chỉ là đồng chí, đồng đội mà còn là những người em của mình. Giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà, nhanh chóng hòa nhập đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ có một phần trách nhiệm của mình”.
Binh nhì Siu Thịnh (Trung đội 6, Đại đội 1) tranh thủ cùng đồng đội luyện tập tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” để góp vui trong buổi giao lưu. Tuy mọi thứ còn bỡ ngỡ, nhưng được sự động viên của đồng đội và tin tưởng của chỉ huy đơn vị, Siu Thịnh mạnh dạn tham gia các tiết mục văn nghệ. Trò chuyện với chúng tôi, Thịnh không giấu niềm vui: “Khi chưa vào bộ đội, tôi có nghe nhiều câu chuyện kể về đời sống quân ngũ, nhất là 3 tháng huấn luyện tân binh rất vất vả. Ban đầu, tôi có băn khoăn vì không biết mình có vượt qua được không. Nhưng qua gần 10 ngày về đơn vị, tôi thấy cuộc sống thoải mái và nhanh chóng hòa nhập. Ở đây, mọi người coi nhau như anh em và cùng nhau chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống. Tối nay, chúng tôi được giao lưu văn nghệ, mang lời ca, tiếng hát đến với đồng đội”. Và, chàng trai người Jrai chưa đầy 1 tháng tuổi quân đã chững chạc trong bộ quân phục, cháy hết mình trên sân khấu đêm giao lưu. Nhiều chiến sĩ đã rưng rưng nước mắt khi nghe anh thể hiện ca khúc “Đôi chân trần” của nhạc sĩ Y Phôn Ksor: “Tôi muốn quên đi đôi chân trần, cha đi lượm từng hạt thóc, cho con một bữa cơm chiều”.
Các tân binh cùng ngân lên những gia điệu của người lính. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Binh nhất Diệp Công Minh (Tiểu đội 2, Trung đội 13, Đại đội 14) tâm sự: “Khi nghe những ca khúc về cha mẹ, quê hương, đất nước và anh bộ đội thì tôi đã hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Trước khi nhập ngũ, có đôi lúc tôi không nghe lời cha mẹ. Bây giờ xa nhà mới thấy nhớ, tiếc về những gì mình chưa làm được cho gia đình. Chính vì thế, tôi tự nhủ phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành 2 năm nghĩa vụ, trở về với gia đình và sẽ làm được nhiều việc tốt”.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Bùi Đình Hiền-Chính trị viên Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở-cho biết: Nếu ai đã từng nhập ngũ sẽ hiểu được quãng thời gian tân binh đầy bỡ ngỡ, khi họ chưa quen với môi trường mới. Chính vì thế, đơn vị tổ chức các chương trình giao lưu giúp chiến sĩ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới. Thông qua hoạt động văn hóa-văn nghệ, chiến sĩ trẻ sẽ tự tin hơn khi bước lên sân khấu. Những tiết mục văn nghệ có đông chiến sĩ tham gia sẽ góp phần thắt chặt tình đoàn kết, tính tập thể, sự phối hợp nhịp nhàng, từ đó thêm gắn kết tình cảm đồng chí, đồng đội.
VĨNH HOÀNG