Thăm thác A Nôr, điểm du lịch tuyệt đẹp nơi vùng cao A Lưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ai đã một lần đến A Lưới, chắc hẳn đã nghe câu “Chưa thăm thác A Nôr như chưa đến A Lưới”...
Huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp như: rừng nguyên sinh A Roàng, thác A Nôr, suối A Lin, suối Pâr Le…
Tránh xa phố thị ồn ào, đến nơi đây, du khách được đắm chìm trong không gian bao la của núi rừng Trường Sơn, thỏa thích ngâm mình trong dòng nước mát của các con suối, ngắm những dòng thác bọt tung trắng xóa chảy xuống từ độ cao hàng trăm mét.
Thác A Nô xã Hồng Kim, huyện A Lưới là điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch.
Thác A Nô xã Hồng Kim, huyện A Lưới là điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch.
Từ trung tâm thị trấn A Lưới theo đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 2 cây số về phía Bắc, sau đó rẻ phải, đi bộ một quảng đường rừng xanh mát, bạn sẽ đến với Khu du lịch thác A Nôr ở xã Hồng Kim. Cách xa hàng trăm mét, chúng ta đã có thể cảm nhận được sự hùngvĩ của thác A Nôr qua âm thanh rào rào của dòng thác đổ.
Đến gần hơn, A Nôr hiện ra với 3 dòng thác ở 3 độ cao khác nhau, trong đó, thác cao nhất hơn 120 mét. 3 dòng thác ẩn mình giữa đại ngàn thi nhau tung bọt trắng xóa, đổ xuống, trải dài như mái tóc của người con gái Pa Cô.
Phía dưới chân thác là một hồ nước khá rộng để bạn có thể thỏa thích bơi lội, ngâm mình trong làn nước mát, vui chơi cùng người thân, bạn bè và lắng nghe tiếng chim hót líu lo trên những tán cây rừng. Bao mệt mỏi, buồn phiền trong cuộc sống thường nhật sẽ tan dầntheo bọt thác, cảm giác thư thái, nhẹ nhàng sẽ đến với bạn.
 
"Gia đình tôi đến tham quan A Lưới, được tắm thác A Nôr nước trong mát, thác thì thơ mộng. Đến đây, chúng tôi còn được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc rất ngon. Tôi cảm thấy rất thú vị, chuyến đi đã để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm đối với gia đình tôi. Nếu có điều kiện đến A Lưới một lần nữa, tôi sẽ đưa gia đình trở lại để tắm thác A Nôr",  anh Phạm Minh Vui ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình chia sẻ.
A Nôr không chỉ tuyệt đẹp, dịu dàng như người thiếu nữ miền sơn cước, mà A Nôr còn có sự trầm hùng, kỳ vĩ và mang dáng vẻ rắn rỏi của một chàng trai Pa Cô. Xung quanh thác, những đóa hoa rừng trắng muốt xen lẫn trong đám thảm thực vật xanh rì. Đâu đó trên những vách đá cheo leo, là những bông hoa đỗ quyên đỏ rực trong nắng sớm.
Sau khi tắm thác và chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, chắc hẳn bạn cảm thấy đói bụng. Lúc này, bạn có thể thuê sạp của tổ du lịch cộng đồng để nghỉ ngơi và thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô.
"Chúng tôi đã chuẩn bị nguyên liệu để chế biến những món ăn truyền thống phục vụ khách du lịch. Chúng tôi có xôi nếp than, cá nướng ống, gà nướng, thịt nướng, bánh A Quát, rau rừng, rượu đoác. Khách đi tour thì có đặt món ăn trước, còn khách lẻ thì tự chọn sau. Nếu khách đem đồ ăn theo muốn tự nước ở sạp thì chúng tôi cho thuê bếp để khách nướng", chị Hồ Thị Lan, thành viên tổ du lịch cộng đồng thôn A Tia nói.
 
Cùng với ẩm thực, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới cũng có nhiều nét đặc sắc. Nếu muốn tìm hiểu các phong tục, tập quán, lễ hội của đồng bào, bạn hãy đến làng Việt Tiến, nằm ngay lối vào Khu du lịch để thưởng thức các làn điệu cha chấp, k’lới, nghe tiếng chiêng, tiếng trống của các chàng trai, cô gái Tà Ôi, Pa Cô.
Tại đây, các già làng, người có uy tín ở xã Hồng Kim sẽ kể cho bạn nghe về lịch sử đấu tranh anh dũng, bản sắc văn hóa của người dân vùng cao A Lưới. Bạn sẽ biết thêm rằng, ngoài phong cảnh sơn thủy hữu tình, nơi đây còn là vùng “đất thép”, căn cứ địa cách mạng của Khu ủy Trị Thiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, để thu hút khách du lịch đến với thác A Nôr, những năm qua, huyện  tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư làm đường giao thông, kéo điện vào Khu du lịch. Huyện cũng có nhiều chính sách khuyến khích người dân tham gia làm du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho bà con.
"Trước mắt, khi chưa có nhà đầu tư thì huyện đã thành lập Tổ hợp tác liên kết để khai thác điểm du lịch này. Chúng tôi cũng xây dựng quy hoạch và tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư để hoàn thiện hạ tầng cho Khu du lịch. Đối với bà con tham gia làm du lịch thì huyện có hỗ trợ kinh phí ban đầu, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách làm du lịch. Chúng tôi cũng đang tăng cường xúc tiến, quảng bá thu hút du khách trong và ngoài nước đến với các điểm du lịch sinh thái nói chung và thác A Nôr nói riêng", ông Hùng nói.
 
Ngoài thác A Nôr, A Lưới còn nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khác như suối A Lin, suối Pâr Le, suối khoáng A Roàng… Hãy một lần đến huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để được đắm chìm trong không gian bao la của núi rừng Trường Sơn, tận hưởng khí hậu mát lành và thỏa thích ngâm mình trong những dòng suối trong xanh.
Kim Thu/ VOV.VN-Miền Trung

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.