Thạch thảo bên ô cửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi cánh cửa phòng phụ sản khép lại, nước mắt tôi lã chã rơi. Bà bác sĩ già đẩy gọng kính lên, giọng ấm áp: “Lần đầu hả?”.  “Dạ, thứ hai”. “Vậy có gì phải khóc?”. Giọng bà vẫn ấm nhưng càng khiến tôi đau hơn.
Có gì phải khóc? Lần thứ nhất, khi cái thai sang tháng thứ năm, vợ chồng tôi bắt đầu nghĩ tới những cái tên để đặt cho con. Thai đôi, đứa trai, đứa gái. Tôi nghĩ tên cho con trai, còn anh đặt tên cho con gái. Anh đi đâu cũng khoe về thành tích của vợ. Anh thường mua những bó hoa thạch thảo tôi thích về cắm trên bậu cửa sổ. Nhưng cảm giác bình yên chẳng còn khi hai đứa con lặng lẽ rủ nhau rời bỏ chúng tôi sau một tai biến sản khoa.
Vợ chồng tôi không nói với nhau lời nào. Ngay sau khi trở về, anh vội vã cất ngay bình thạch thảo tím biếc. Những đóa hoa lâu ngày đã tàn, héo rũ bị quăng vào sọt rác. Ngay trong chiều ấy, anh mua một bó mới cắm vào. Tôi giật mình hình dung, mình cũng như những đóa hoa thạch thảo tàn phai. 
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: Kim Hương
Thời gian đúng là phương thuốc hữu hiệu để xóa những khổ đau, mất mát. Gần hai chục thang thuốc Bắc mẹ chồng tẩm bổ đã giúp tôi lấy lại sức khỏe. Da không còn sần sùi, xanh rớt như lá mà đã mịn hồng. Tôi nóng lòng có thai lại sau thời gian nghỉ dưỡng an toàn. Anh hỏi: “Em có chắc mình khỏe hẳn chưa?”. Và kết quả lần thứ hai này là sau tám tuần thì bác sĩ đã phải hút ra vì thai nhi không thể tiếp nhận nguồn dinh dưỡng từ mẹ.
Những bữa cơm vẫn cách nêm nếm cũ, nguyên liệu như cũ nhưng chẳng thể khiến ngôi nhà ấm áp mà luôn chìm trong yên lặng. Sau một ngày lao động cật lực nơi công sở, chẳng người đàn ông nào muốn về với bữa cơm mà đến cả cái quyền được thư giãn cũng không có. Những bữa cơm ấy chẳng thể níu chân được anh lâu. Nhiều hôm, lấy lý do bận việc, anh giục tôi ăn trước. Anh về tầm 10 giờ đêm, vừa bật bộ phim hài hước nào đó xem, vừa ăn cơm tối và tủm tỉm cười. Chỉ thứ bảy, chủ nhật, vợ chồng mới cùng nhau ngồi chung mâm cơm. Vẫn lặng lẽ ăn sau dăm ba câu mời nhau khách sáo. Tôi mơ hồ nhận ra một sự hụt hẫng.  
Khoảng bảy giờ tối, cô bạn cùng cơ quan gọi điện thoại báo: “Này, tao thấy lão Giang nhà mày đi ăn bánh cuốn Trảng Bàng với một em trẻ trung, tươi như hoa”. “Ừ, có khi là đối tác, đồng nghiệp”. “Mày không đặt dấu chấm hỏi à?”. “Không, chồng tao, tao hiểu”. Đồng nghiệp cười: “Ừ, vậy cũng tốt. Nhưng phải tao nhá, chồng tao đi với con nào mà không khai báo, tao biết thì liệu hồn”. Tầm mười giờ, anh vẫn ngồi ăn cơm một mình ngon lành như chưa hề ăn tối lúc bảy giờ. Có dấu hỏi trong tôi mà chẳng ai biết.
Kỷ niệm ngày cưới, tôi chọn hai suất du lịch Đà Lạt vào cuối tuần. Anh bảo có chuyến công tác đột xuất nên hoãn du lịch vào dịp khác. Anh không biết tôi đã đặt tour với một niềm háo hức. Anh đi buổi chiều thì buổi tối tôi cũng leo lên xe. Khi cuộn tròn như con mèo lười trên chiếc giường nằm vừa ngắn vừa hẹp của ô tô, tôi có thoáng nghĩ tới anh, nhận ra mình vô tâm quên hỏi xem anh công tác ở đâu. 
Tối, đoàn đốt lửa trại trên Langbiang. Bước chân ra khỏi chiếc xe chất lượng cao có gắn máy sưởi, cả đoàn co ro vì lạnh và chạy vội về phía đống lửa vừa đốt lên. Khi tiếng nhạc cất lên: “Những bàn chân, bàn chân trần trên đất, bước đi rộn rã bồi hồi”… thì hầu hết mọi người cùng nắm tay nhau thành vòng tròn đi quanh đống lửa. Tôi trùm mũ len, quấn khăn len lạc lõng ngồi từ xa nhìn những tia lửa nhảy nhót. Lần đầu lên Langbiang không có anh, cảm giác như đang trôi trong sương đêm và gió lạnh khiến tôi lạ lẫm. 
Người hướng dẫn viên phát hiện ra tôi một mình tách đoàn nên chạy lại với hai ly cà phê ấm nóng. Anh ngồi bệt xuống đất ngay cạnh tôi đang thu lu vì rét: “Ngọc vào múa lửa trại với mọi người cho vui. Ngồi một mình lạnh lắm”. “Tôi ngồi thêm chút nữa rồi vào sau”. “Vậy, tôi ngồi đây với Ngọc”.
Những đoàn khách lên càng lúc thêm đông. Những cái bóng liêu xiêu dựa sát vào nhau vì lạnh. Tôi chợt nhận ra cái bóng gầy và hơi còng của anh. Hình như tôi định gọi nhưng cơ hàm bỗng chốc cứng lại. Anh không đi một mình mà có đôi có cặp.
Chẳng biết bằng cách nào đó tôi có thể lê mình đứng trước hai cái bóng ấy. Khoảng cách rất gần, anh đứng sững nhìn tôi. Tích tắc vài giây, tôi khó khăn quay đi. Anh hình như có nói: “Ngọc, nghe anh nói. Bọn anh chỉ lên đây khảo sát thực tế”. Nhưng tôi đã bước nhanh ngược gió. Tiếng gọi của anh bị gió cuốn trả phía sau. Người hướng dẫn viên vẫn đi sát bên cạnh. Tôi nghe tiếng thầm thì: “Dựa vai Thành một chút đi, Ngọc sẽ thấy đỡ lạnh”. Tôi phải dựa vào vai một người xa lạ, để có một điểm giấu mặt vào mà khóc giữa chốn đông người. 
Tôi trở về nhà thu dọn đồ ra ở trọ. Mắt chạm vào đóa thạch thảo héo quắt với màu tím xác xơ bên cửa sổ sau những ngày dài không ai quan tâm. Anh nhắn tin thanh minh rằng có sự hiểu lầm. “Cho anh ấy một cơ hội giải thích đi, biết đâu hiểu lầm thật”-Thành nói vậy nhưng lại ôm choàng lấy vai tôi. Tôi ngả người trong vòng ngực anh ấm cúng và rộng mở.
Khi tôi đang sung sướng với hạnh phúc mới thì người đàn bà tự xưng là vợ Thành tìm đến. Chị không nói nhiều, dúi vào tôi bản sao đăng ký kết hôn và giấy khai sinh của con mình. Tưởng biết về Thành, hiểu về Thành nhiều lắm nhưng cuối cùng, tôi chẳng hiểu gì về anh ấy cả. 
Tưởng có thể quỵ ngã vì đánh mất tất cả thì trời thương, có mầm sống lại cựa quậy trong tôi. Cũng may, nhiều lần đắn đo nhưng tôi chưa từng vượt quá giới hạn với Thành. Trong cơn cùng cực ấy, tôi nâng niu nó-đứa con của Giang, tình yêu của Giang-hơn tất thảy những gì mình có. Có lẽ con cũng thương tôi nên không nỡ bỏ tôi mà đi.
* * *
Sau khi chia sẻ câu chuyện buồn vừa rồi, chị chớp chớp mắt như một cô bé, hồn nhiên nói: “Chị chợp mắt tí nhé! Cả em nữa, sắp sinh rồi nên cố ngủ đi một chút còn có sức cho con ra đời”. Không chờ tôi đáp lời, chị ngoẹo đầu qua một bên, thở đều.
Có lẽ cả chị, tôi và Giang khi gặp nhau trên Langbiang đêm ấy không thể ngờ chỉ chưa đầy chín tháng sau tôi và chị lại gặp nhau ở một căn phòng dịch vụ trong bệnh viện phụ sản. Khi vừa thấy ông xã đỡ tôi vào phòng, chị nhận ra ngay. Phải sau vài giây tôi mới nhớ khuôn mặt người đàn bà nhạt nhòa nước mắt trên Langbiang hôm nào với chị là một. Tôi tiếc giá có thể gặp chị sớm hơn để giải thích với chị, để vợ chồng chị không phải xa nhau, để chị không phải côi cút đi biển thế này. Chị bảo, tiếc làm gì, lúc ấy chị điên lắm, chẳng nghe ai đâu. Lúc ấy, chị bị thứ tình yêu ảo ảnh làm cho mờ mắt nên cứ lao đầu vào như thiêu thân, sau đó và tận bây giờ mới phải trả giá. 
Ngay sau khi chị bỏ đi, Giang nhận công tác ngoài Hà Nội. Hàng đêm thấy anh online tới tận 2 giờ khuya, chị đã biết anh nói thật. Chị quặn hết ruột gan vì thương anh, giận mình, vì tiếc nuối. Nhưng chị đâu có cơ hội sửa sai. Chị cũng cảm thấy khó có thể nói gì với anh, kể cả chuyện hôm nay, khi chị lần đầu vượt cạn. 
Khi chị đã ngủ sâu, tôi ra khỏi phòng chờ sinh, bấm điện thoại gọi Giang: “Anh vào Sài Gòn ngay nhé, con trai anh sắp ra đời…”.
Khi tôi quay lại căn phòng, hình như có nụ cười hiếm hoi từ giấc mơ nào đó vừa lạc qua trên làn môi chị. Có một điều tôi biết là thật, không là mơ. Hẳn chị sẽ cười rạng rỡ khi biết Giang đang vội đáp chuyến bay cuối ngày để vào đây với đóa hoa thạch thảo tím biếc.
Khôi Nguyên Thảo

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.