Tết mùa của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi hạt lúa của vụ cuối năm ở cánh đồng Prơch nằm gọn trong kho, 16 hộ dân làng Sơ Rơn (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) hoan hỉ làm lễ tăng amăng (đóng cửa kho) hay còn gọi là Tết mùa. Dân làng cúng tạ ơn Yàng ban cho những vụ mùa bội thu và cầu mong lúa ngoài đồng sẽ sinh sôi trong năm tới.
Tạ ơn Yàng
Trong ánh nắng vàng rộm của ngày cuối tháng Chạp, bà con tề tựu tại nhà bà Đinh Thị H’Lă để chuẩn bị làm lễ đóng cửa kho. Tại khoảnh sân rộng dưới bóng mát của cây bằng lăng và cây vú sữa đã được quét dọn sạch sẽ, những ghè rượu cần được cố định thẳng thớm bằng thân cây tre chẻ đôi. Ở một góc vườn, đám trai tráng đang làm thịt con heo nặng chừng 100 kg. Tiếng cười nói rộn ràng. Đám trẻ con xắng xít chạy quanh sân nhà ngóng chuyện người lớn chuẩn bị lễ vật.
Tiếp chuyện chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư Krêy Đinh Giới cho biết: Lễ đóng cửa kho được gọi là tăng amăng, cũng có thể gọi là Tết mùa của người Bahnar. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong năm của dân làng. Khi mùa màng thu hoạch xong, thóc phơi khô cất vào kho, các gia đình sẽ tổ chức cúng tạ thần linh, tổ tiên. “Hôm nay, 16 hộ cùng chung nhau để cúng lễ này, trong đó có gia đình tôi. Chúng tôi đã bàn bạc, hẹn nhau tổ chức lễ này từ trước khi gặt. Mỗi nhà đóng góp 400 ngàn đồng để mua heo, gà, rượu cần, gia vị”-ông Giới cho hay.
ông ĐInh Văn Jră khấn gọi ma. Ảnh: Thiên Di
Ông Đinh Văn Jră thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Thiên Di
Khi nắng chiếu thẳng bóng cây bằng lăng thì những nồi thịt đã sôi ùng ục, quyện mùi thơm phức. Lúc này, mọi người bày biện lễ vật để ông Đinh Drông-con trai trưởng của bà H’Lă và một người họ hàng là ông Đinh Văn Jră chuẩn bị nghi thức cúng. Lễ vật là 2 xâu thịt heo nướng khá to cùng 1 nồi đựng tiết heo, tiết gà. Khoảng 10 phút sau, khi ông Jră bắt đầu ngồi trước lễ vật cầu khấn thì ông Drông đến cùng đọc to các bài khấn.
Theo ông Đinh Drông thì: “Lễ này luôn có 2 người cúng. Người cúng trước đảm nhiệm gọi ma, tức là gọi những người thân đã mất của 16 hộ gia đình về chứng kiến, ăn uống, chung vui. Còn người thứ 2 sẽ mời thần linh (Yàng) đã ban phước để những vụ lúa trong năm đạt năng suất hơn, xua đuổi thế lực thần bí xấu xa, thú rừng, chim chuột phá phách mùa màng và ban cho sức khỏe để làm lụng cùng về chung vui. Ngoài ra, cả 2 người ngồi cúng cầu mong thần linh, tổ tiên, người thân đã mất tiếp tục ban phước để mùa sau có năng suất cao hơn”.
Thực hiện xong nghi thức, ông Drông múc tiết heo, gà trong nồi trộn với nước, rượu và một ít thịt heo, gà rồi rót vào ống tre nhỏ đưa cho 16 gia đình. Họ lần lượt mang hỗn hợp này về đổ quanh bức vách trong kho thóc của gia đình và cầu mong những điều tốt lành.
Thêm gắn kết cộng đồng
Có một nghi thức không kém phần quan trọng nữa là ăn, uống vật phẩm cúng tế trước đó. Già H’Lă sẽ là người đầu tiên vít cần uống làm phép qua hết thảy 32 ghè rượu, rồi đến các thành viên của 16 gia đình. Họ xếp thành một hàng dài lần lượt uống rượu cần, ăn những phần thịt là vật phẩm cúng Yàng… Là khách, chúng tôi cũng được bà con ưu ái mời trải nghiệm nghi thức này. Dắt tay dẫn tôi uống thử hết các bình rượu cần, già H’Lă giải thích đây là miếng ăn trước, ly rượu đầu hưởng lộc của thánh thần, tổ tiên. Mọi may mắn, tốt lành sẽ đến với từng cá nhân sau khi thực hiện nghi thức này.
Người dân thực hiện nghi thức cúng trong lễ đóng cửa kho. Ảnh: Thiên Di
Người dân thực hiện nghi thức cúng trong lễ đóng cửa kho. Ảnh: Thiên Di
Sau phần nghi lễ, bà con chia thành nhiều nhóm nhỏ ngồi ăn uống, chuyện trò vừa hạn chế tiếp xúc đông người. Ông Drông phấn khởi kể chuyện trong năm gia đình đã mua thêm 1 chiếc xe công nông trị giá gần 100 triệu đồng. Còn ông Jră thì hào hứng chia sẻ: “Vụ vừa rồi, gia đình mình thu được nhiều thóc hơn. Ngay khi lễ kết thúc, mọi người ra đồng làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ lúa mới”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư Krêy cho biết thêm: Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã rất chú trọng tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa. Cùng với đó là tuyên truyền về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới hình thức tổ chức. Gần đây, khi làm lễ tăng amăng, người dân các làng đều làm chung, không tổ chức riêng rẽ như xưa, qua đó góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, lại tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, trong dịp lễ này, bà con có dịp gặp gỡ, chia sẻ với nhau kinh nghiệm phát triển kinh tế cũng như nuôi dạy con cái.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.